Bánh khọt

Hấp dẫn như bánh khọt Vũng Tàu
Ẩm thực

Hấp dẫn như bánh khọt Vũng Tàu

Nhắc đến món bánh khọt, người ta hay liên tưởng đến 2 phiên bản riêng biệt: phiên bản dân dã miền Tây với phần bánh dày có màu vàng, phủ lên đậu xanh, mỡ hành, một chút nước cốt dừa cùng tép tươi ở phía trên... và phiên bản Vũng Tàu với đế bánh mỏng cùng mỡ hành, tôm tươi và tôm cháy giã nhuyễn. Nếu đặt 2 phiên bản này cạnh nhau, khó có thể kết luận chúng có chung họ "bánh khọt" bởi màu sắc và hình dáng quá khác biệt. Có chăng là cùng một loại khuôn đổ hình tròn có nhiều lỗ cũng như nguyên liệu chính từ bột gạo. Ngoài ra, cách đổ bánh và nguyên liệu của bánh khọt cũng tương tự với món bánh căn của vùng Nam Trung Bộ, nên có lúc người ta gọi vui bánh khọt là "bột gạo chiên" vì lúc nào cũng ngập trong dầu, còn bánh căn là "bột gạo nướng" vì sử dụng rất ít dầu lúc đổ bánh. Ở miền Tây, bánh khọt được bán như một món ăn bình dân, rẻ tiền, ai cũng có thể làm được. Hình ảnh quen thuộc thường thấy ở một quán nhỏ ven đường là khuôn bánh khọt nhỏ nhỏ làm từ đất nung đỏ au (khoảng 8 lỗ), một thố rau cùng bình nước mắm thật to. Thật đơn giản, tiện lợi và tiết kiệm như chính sự mộc mạc của người dân nơi đây. Còn ở Vũng Tàu thì hoàn toàn khác. Nếu bạn ghé qua những khu chuyên bán bánh khọt như đường Nguyễn Trường Tộ chẳng hạn, sẽ thấy nghi ngút khói cùng vô số khách đang chờ đến lượt mình. Một quầy bánh khọt Vũng Tàu phải ít nhất từ 2 khuôn đổ bánh trở lên, và một khuôn đổ được ít nhất 50 bánh/lần mới đáp ứng được nhu cầu của khách. Khuôn đổ không làm từ đất nung mà bằng gang, đáy nông hơn và có nắp riêng cho từng lỗ bánh. Người đổ bánh phải đeo khẩu trang (vì khói bốc ra ngùn ngụt), mở đóng nắp liên tục để lấy bánh ra. Khong thong dong như bánh khọt miền Tây, bánh khọt Vũng Tàu là một sự hối hả, đôi khi kèm theo chút bực mình vì phải chờ quá lâu (nhưng rồi cũng lắng xuống phần nào khi dĩa bánh nóng hổi được bưng ra).
Top