Olympic Tokyo trục xuất VĐV dính doping và những bê bối gây xôn xao trong quá khứ

31/07/2021 17:04 GMT+7

Sau 10 ngày khởi tranh, Olympic Tokyo 2020 đã ghi nhận ca dương tính đầu tiên với chất cấm và bị trục xuất khỏi thế vận hội.

Cụ thể, vận động viên chạy nước rút của Nigeria - Blessing Okagbare được lấy mẫu kiểm tra từ ngày 19.7 và cho kết quả dương tính với chất hormone tăng trưởng. Trước đó, nữ vận động viên 32 tuổi đã vượt qua vòng loại nội dung 100m vào ngày 30.7 với thành tích 11 giây 05 và giành vé vào vòng bán kết của Olympic Tokyo trong chiều ngày 31.7. Cô cũng dự kiến sẽ tranh tài ở các nội dung 200m nữ và tiếp sức 4x100m ở Olympic lần này.
Blessing Okagbare được xem là ứng cử viên sáng giá cho chiếc huy chương vàng ở những cự ly chạy ngắn tại Olympic Tokyo. Nữ VĐV điền kinh người Nigeria từng đoạt 2 huy chương vàng ở Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng chung Glasgow 2014 cự ly 100m và 200m. 

Blessing Okagbare (áo xanh) bị đình chỉ thi đấu ở Olympic Tokyo 2020

Reuters

Doping là tên dùng chung để chỉ các chất kích thích bị cấm sử dụng trong thi đấu thể thao, kể cả nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Hiện nay, có 3 dạng doping thông dụng gồm: Doping máu (tăng cường vận chuyển oxy qua hồng cầu và đẩy mạnh sự tuần hoàn của máu), doping cơ (kích thích quá trình tự sản sinh hormon trong cơ thể để tăng cường sức mạnh của cơ bắp) và doping thần kinh (ngăn chặn quá trình điều khiển và phản hồi của các nơ - ron thần kinh cơ bắp đến não).
Nói tóm lại, doping là chất khiến cho cơ thể của vận động viên có thể hoạt động một cách nhanh và mạnh hơn, đồng thời giúp người sử dụng chịu đựng được sự mệt mỏi, đau đớn một cách phi thường. Chính vì vậy, doping luôn nằm trong danh sách chất bị cấm sử dụng trong thi đấu thể thao để đảm bảo tính công bằng. Bên cạnh đó, việc dùng doping cũng sẽ khiến cho người sử dụng gặp nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng của vận động viên trong quá trình thi đấu.
Trong quá khứ, từng có nhiều vận động viên dính bê bối sử dụng doping. Ở World Cup 1994, Maradona bị trục xuất khỏi tuyển Argentina sau 2 trận đầu tiên của vòng bảng vì bị phát hiện dương tính với chất cấm. Hậu quả là đội bóng xứ Tango không thể vượt qua được cú sốc mất ngôi sao sáng nhất của họ và bị loại ở vòng 16 đội. Khi đó Maradona còn bị gán biệt danh Maradoping.

Maradona cũng bị loại khỏi World Cup 1994 vì dương tính với doping

Năm 2012, tay đua xe đạp nổi tiếng người Mỹ - Lance Armstrong chính thức bị tước cả 7 chức vô địch Tour de France. Đồng thời, anh còn bị cấm thi đấu vĩnh viễn sau khi bị kết tội gian lận trong các cuộc kiểm tra doping.
Năm 2016, tay vợt nữ Maria Sharapova bị cấm thi đấu 2 năm do phát hiện dương tính với chất cấm tại Australian Open. Sau đó, “búp bê người Nga” thừa nhận sử dụng chất này với mục đích chữa bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.