Đối đầu Mỹ - Trung Quốc liệu có dẫn đến chiến tranh lạnh mới?

25/07/2020 12:18 GMT+7

Khủng hoảng ngoại giao trong tuần qua giữa Mỹ và Trung Quốc với các lãnh sự quán hai nước chỉ là một trong số nhiều bước lùi trong quan hệ song phương. Vẫn còn nhiều trục trặc khác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua. Chẳng phải đến thời chính phủ ông Trump mới có chuyện đối đầu.
Trước đây cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhấn mạnh: "Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương, chúng tôi luôn hiện diện tại đây".

Mỹ tăng cường hiện diện tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương vì nhiều hành động hung hăng của Trung Quốc tại đây.

Reuters

Từ thương mại đến công nghệ, tầm ảnh hưởng, các vấn đề xã hội và uy lực quân sự - giữa hai nước có rất nhiều vấn đề, nhiều "ân oán" đan xen.
Thương mại là một trong những vấn đề nổi bật nhất. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ nhưng Mỹ phải chịu thâm hụt thương mại rất lớn - tức chênh lệch giữa xuất khẩu so với nhập khẩu theo hướng có lợi Trung Quốc.
Năm 2018, chính phủ ông Trump tăng thuế quan lên hàng nhập khẩu Trung Quốc, dẫn đến nhiều vòng áp thuế trả đũa kéo dài hơn 1 năm, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Reuters

Mỹ và Trung Quốc ký một thỏa thuận thương mại hồi tháng 1.2020 nhưng thỏa thuận này không giải quyết các vấn đề cốt lõi.
Bắc Kinh đã cam kết tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ nhưng Washington lại thúc giục các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất và nguồn cung ứng khỏi Trung Quốc.
Sau đó, Huawei, tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc trở thành mục tiêu. Mỹ liệt Huawei vào danh sách đen với lý do lo ngại an ninh quốc gia, cáo buộc Huawei có thể do thám khách hàng dù không cung cấp được nhiều bằng chứng.

Huawei là một trong số nhiều công ty công nghệ Trung Quốc bị Mỹ nhắm mục tiêu vì cáo buộc gián điệp.

Reuters

Quan hệ Mỹ - Trung tụt dốc có tác động địa chính trị sâu rộng. Nhiều nước, trong đó có Anh, buộc phải chọn phe. 
Huawei phủ nhận mọi cáo buộc, cho rằng Washington muốn gây ảnh hưởng để giảm tăng trưởng của tập đoàn khi không có công ty Mỹ nào phát triển được công nghệ ngang tầm Huawei.
Mỹ cũng đã bắt đầu xem nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc là đại diện ngoại giao của Bắc Kinh, cắt giảm số lượng phóng viên được phép vào các văn phòng chính phủ Mỹ. Để đáp trả, Trung Quốc trục xuất hơn 10 phóng viên Mỹ, yêu cầu các tờ báo Mỹ phải nộp chi tiết hoạt động của mình tại Trung Quốc.
Vẫn còn hàng loạt các vấn đề khác. Mỹ xác định lập trường mạnh mẽ về Biển Đông, trừng phạt nhiều quan chức Trung Quốc vì luật an ninh quốc gia áp dụng tại Hồng Kông và chỉ trích cách đối xử của Trung Quốc đối với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Gần đây nhất, Trung Quốc yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô để trả đũa hành động tương tự của Mỹ với lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.

Reuters

Đến đại dịch Covid-19, Tổng thống Trump thường xuyên gọi virus gây bệnh là "virus Trung Quốc". 
Tất cả những nứt gãy trên đào sâu thêm ngăn cách giữa Mỹ và Trung Quốc, cả hai cường quốc đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Một kỷ nguyên địa chính trị mới có thể đang bắt đầu, tuy nhiên vẫn chưa rõ tất cả các tranh chấp này sẽ có tương lai ra sao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.