Việc nước được tập trung, đi đến cùng

25/11/2010 01:57 GMT+7

* Toàn văn Báo cáo giải trình của Thủ tướng trước Quốc hội “Chính phủ quyết tâm không để xảy ra tình trạng tương tự Vinashin”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định như vậy khi đăng đàn trả lời chất vấn các ĐBQH trước nghị trường sáng 24.11.

Trong hơn một tiếng rưỡi trả lời chất vấn, Thủ tướng đã thẳng thắn giải trình, làm rõ nhiều vấn đề mà các ĐBQH và dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay mà điểm nhấn là Đề án tái cơ cấu Vinashin và trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm của tập đoàn này.

“Là người đứng đầu, tôi nhận trách nhiệm”

Là người đầu tiên bấm nút, ĐB Phạm Thị Loan chất vấn Thủ tướng: “Bằng cách nào Vinashin sẽ tự vay, tự trả được các khoản nợ hiện nay, nếu không trả được số nợ như Chính phủ công bố, cứ lãi mẹ đẻ lãi con thì Chính phủ xử lý như thế nào? Nếu Chính phủ khoanh nợ và không tính lãi thì số thua thiệt cho ngân hàng mỗi năm 15.000 tỉ lãi suất, số tiền khoanh nợ bị đóng băng ảnh hưởng đến hệ thống tài chính lưu thông chung trong cả nước thì ai sẽ chịu?”. ĐB này đồng thời chất vấn Thủ tướng “với cương vị là đại diện chủ sở hữu quản lý Tập đoàn các tổng công ty (TCT) 91, Thủ tướng sẽ chịu trách nhiệm cụ thể như thế nào trước thực trạng của Vinashin như hiện nay?”.

Việc chất vấn, trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề ngày càng tập trung hơn, dễ trao đổi hơn. Các vấn đề Vinashin, bauxite, bùn đỏ, giá điện, điều hành giá cả, xuất nhập khẩu, bội chi ngân sách, nhập siêu... được tập trung, đi đến cùng. Có những ĐB không những chất vấn mà còn kiến nghị giải pháp. Trách nhiệm thuộc về ai, xử lý thế nào cũng đã được nói rất rõ - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng chất vấn: “Điều 33 Luật Doanh nghiệp Nhà nước quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) không kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc (TGĐ) công ty, nhưng Thủ tướng là người ký quyết định đã để cho ông Phạm Thanh Bình vừa là Chủ tịch HĐQT, vừa là TGĐ công ty, Thủ tướng giải thích chuyện này như thế nào?”. 

Trong phần trả lời, Thủ tướng giải đáp câu hỏi của ĐB Loan về nợ: “Nội dung cụ thể như thế nào để trả được nợ, chúng tôi sẵn sàng trình bày. Ban chỉ đạo, HĐQT tập đoàn sẽ sẵn sàng trình bày để ĐB Loan góp ý kiến. Ở đây tôi không thể trình bày cụ thể làm chiếc tàu nào, lãi bao nhiêu, trả nợ năm nào bao nhiêu”.

Liên quan đến trách nhiệm về sai phạm của Vinashin, người đứng đầu Chính phủ tái khẳng định: Việc cố ý làm trái của những người lãnh đạo tại Tập đoàn Vinashin, cơ quan chức năng xử lý theo đúng pháp luật, còn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm trong quản lý và quản lý của sở hữu đã nói rõ trong báo cáo của mình. “Là người đứng đầu, tôi nhận trách nhiệm đó, tôi cũng nói rõ hơn, Thủ tướng, Phó thủ tướng, các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có liên quan đến việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với vấn đề này đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm. Kết luận kiểm điểm như thế nào, trách nhiệm cụ thể như thế nào chúng tôi sẽ công khai. Tôi nghĩ rằng chúng tôi trình bày như thế là đã rõ”, Thủ tướng nói.

 

ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai: “Thời gian tới Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm gì từ việc Vinashin và sẽ có giải pháp gì để siết chặt kỷ cương quản lý hành chính nhà nước?”

Để làm rõ trách nhiệm trong việc bổ nhiệm lãnh đạo Tập đoàn Vinashin, Thủ tướng cho biết do những quyết định của người tiền nhiệm, ông Phan Thanh Bình từng giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin.

Đến khi hình thành Tập đoàn Vinashin, Thủ tướng đã chỉ thị phải tìm TGĐ nhưng vì lúc đó được báo cáo là chưa tìm được, có thể sẽ phải sử dụng TGĐ đi thuê, nên mới có chuyện tiếp tục bổ nhiệm ông Bình làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ để chờ tìm được TGĐ mới. “Việc này chính tôi và Ban Cán sự Đảng, Chính phủ đồng ý và lúc đó tôi còn làm Phó thủ tướng, tôi cũng đồng ý đề nghị này. Đó là một việc, một thí điểm kéo dài, bắt đầu từ năm 1999. Chúng tôi sẽ kiểm điểm rõ việc này”, Thủ tướng nói.

Trước vấn đề ĐB Loan đặt ra “Thủ tướng suy nghĩ gì về chủ trương thành lập các tập đoàn kinh tế đa ngành, đa sở hữu để rồi đầu tư dàn trải, vỡ nợ ra rồi lại tái cơ cấu như Vinashin?”, Thủ tướng khẳng định không dùng từ tái cơ cấu tất cả các tập đoàn, và nói rõ “Tôi có nêu quyết tâm của Chính phủ là thực hiện thành công đề án tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, đồng thời Chính phủ quyết tâm không để xảy ra tình trạng tương tự như Vinashin. Chúng tôi sẽ có những việc làm của mình để không còn những việc đó”.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn)

“Xin Thủ tướng cho biết là ai đã chỉ đạo đăng tải một số bài công kích ĐBQH ở trên website của Chính phủ. Việc Chính phủ để đăng tải những ý kiến như vậy trên website của mình có để cho dân thắc mắc về thái độ tự phê bình Chính phủ không?”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

“Website Chính phủ có chức năng là một tờ báo điện tử thuộc Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ đạo. Website Chính phủ là tờ báo điện tử, Chính phủ phải thực hiện đúng quy định của pháp luật nhà nước, đúng chủ trương của Đảng, cũng như mọi tờ báo khác nếu đăng tải sai pháp luật, sai chủ trương của Đảng thì phải chịu trách nhiệm về việc đăng tải của mình. Từ tiêu chí yêu cầu, làm đúng pháp luật, tôi cũng đề nghị ĐB Thuyết xem xét theo đúng pháp luật hay không? Đúng chủ trương của Đảng hay không?”.

Không phải Thủ tướng không dám kỷ luật ai

Liên quan đến trách nhiệm về Vinashin, ĐB Vũ Hoàng Hà (Bình Định) chất vấn: “Trong khi Thủ tướng thì nhận trách nhiệm về phần mình, còn các thành viên Chính phủ trả lời trước QH thì không có một thành viên nào nhận thiếu sót, khuyết điểm, trả lời mình là vô can. Xin hỏi thái độ của Thủ tướng đối với các thành viên Chính phủ này như thế nào?”.

ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cũng đưa ra nhận xét tương tự và đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm khi hầu hết các bộ trưởng đã trả lời chưa thấy rõ trách nhiệm của mình liên quan đến sai phạm Vinashin.

Tiếp tục nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu một lần nữa trước QH và khẳng định lại quyết tâm làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan trong Chính phủ về sai phạm của Vinashin, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ làm không qua loa, làm nghiêm túc”.

Về trách nhiệm của các Bộ trưởng như ĐB nói, Thủ tướng cho biết: “Chúng tôi cũng đang tiến hành kiểm điểm, làm rõ. Đồng chí bộ trưởng nào, liên quan đến đâu, trách nhiệm thế nào sẽ được kiểm điểm và có kết luận nghiêm túc đúng với thực tế”.

Nhìn sự việc Vinashin ở góc độ chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai dẫn lại trả lời chất vấn của Thủ tướng tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XII, rằng, “hơn ba năm làm Thủ tướng nhưng chưa xử lý, kỷ luật một đồng chí nào" và tiếp tục "đề nghị Thủ tướng cho biết thời gian tới Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm gì từ việc Vinashin và sẽ có giải pháp gì để siết chặt kỷ cương quản lý hành chính nhà nước, để lập lại trật tự kỷ cương với bộ máy của mình”.

Không cần thiết lập Ủy ban lâm thời điều tra vụ Vinashin

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng giải thích lý do vì sao không thành lập Ủy ban Lâm thời điều tra vụ Vinashin theo như đề nghị ngày 1.11.2010 của ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn):

Sau khi nhận kiến nghị này, Ủy ban Thường vụ QH giao cho cơ quan chức năng xem xét lại, và đã trả lời bằng văn bản sau 9 ngày. Tuy nhiên, vụ việc Vinashin đang được xem xét, Chính phủ đang hết sức khẩn trương cứu cho được Vinashin, cơ cấu lại, để không bị phá sản. Các cơ quan điều tra, thanh tra kiểm toán, kiểm tra của Đảng đang làm rõ, mà thanh tra, kiểm tra đang tiến hành thì QH có nên thành lập ủy ban vào kiểm tra nữa không, có thể việc này sẽ càng làm rối tình hình. Xét một cách phù hợp giữa tính chất các công việc phải giải quyết của kỳ họp QH lần này và với quy định của pháp luật thì chưa cần thiết lập ủy ban lâm thời này.

Thủ tướng trả lời: “Đúng là năm ngoái khi trả lời chất vấn ở QH, tôi có nói với tinh thần mỗi người đứng đầu, mỗi người lãnh đạo, điều đầu tiên, điều thường xuyên và trước hết là làm sao tăng cường lãnh đạo quản lý để cán bộ, công chức của ta có phẩm chất, có đạo đức, có năng lực, có trách nhiệm chấp hành pháp luật, chấp hành kỷ cương, hoàn thành chức trách công vụ để không vi phạm kỷ luật, để không vi phạm pháp luật, như vậy thì không có xử lý, không có ai bị xử lý hoặc hạn chế thấp nhất người bị xử lý”. “Tinh thần tôi nói ý như thế, nhưng có lẽ cách diễn đạt không rõ, đầy đủ ý của mình, chứ không phải Thủ tướng không dám kỷ luật ai và trong thực tế không phải Thủ tướng không kỷ luật ai”, Thủ tướng giải thích thêm. “Muốn không kỷ luật cũng không được, vì quy định của Đảng, pháp luật nhà nước là phải kỷ luật, Thủ tướng phải làm, Thủ tướng phải hành động, phải làm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước", ông nhấn mạnh.

Đối với Vinashin, Thủ tướng bày tỏ quan điểm, những người lãnh đạo ở đó có chấp hành nhưng có việc không chấp hành tốt thì đã được xử lý theo đúng quy định của pháp luật, của Đảng và cho rằng, “như thế là nghiêm minh". Ông nói thêm, đối với một vụ việc nào đó, không thể mới nghe một thông tin nào đó mà Thủ tướng Chính phủ ra quyết định kỷ luật được.

Hậu chất vấn phải là bước tiến mới

Tổng kết lại 2,5 ngày chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho biết, mấy ngày qua, mặc dù công việc rất nhiều, kể cả hôm thảo luận về kinh tế - xã hội, với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, chân thành và trân trọng các vị ĐBQH  và QH, Thủ tướng cũng như các Phó thủ tướng đều có mặt tham dự cả phiên thảo luận về kinh tế - xã hội cũng như 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn. “Điều đó thể hiện một tinh thần rất cầu thị và như Thủ tướng vừa nói”, Chủ tịch QH đánh giá.

Cùng với 1.643 ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp này, đến chiều 23.11, đã có 234 chất vấn bằng văn bản của 94 ĐB ở 44 đoàn ĐBQH gửi đến các thành viên Chính phủ. Trong số đó, đã có 164 văn bản chất vấn được trả lời, chiếm 70,1% tổng số chất vấn bằng văn bản. Tại hội trường, qua 5 buổi chất vấn đã có 104 lượt ĐB đăng ký và đã có 66 ĐB chất vấn, trao đổi, tham gia thảo luận, giải trình làm rõ hơn vấn đề. Riêng đối với Thủ tướng, tại kỳ họp này đã có 26 chất vấn bằng văn bản và có 19 ĐBQH đăng ký chất vấn trực tiếp tại Hội trường nhưng do thời gian có hạn nên mới chỉ có 9/19 ĐB chất vấn và được trả lời.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định kỳ chất vấn lần này thành công tốt đẹp, “nhưng quan trọng là hậu chất vấn phải đạt bước tiến mới trong chỉ đạo thực hiện”.

Chủ tịch QH mong muốn, sau cuộc họp này đề nghị các thành viên Chính phủ thực hiện triển khai có hiệu quả những chương trình, kế hoạch, những nghị quyết của QH về kinh tế xã hội, những việc nào có điều kiện thực hiện thì kiên quyết thực hiện, những việc nào còn khó làm thì đề nghị để đề ra giải pháp. Các ủy ban, đoàn ĐBQH cần tăng cường giám sát việc thực hiện sau cuộc họp. Hậu chất vấn là sự nối tiếp phát huy kết quả chất vấn tại hội trường. 

N.Minh

Đánh giá của bạn bè quốc tế

Quan tâm đến chỉ tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, ĐB Vũ Hoàng Hà chất vấn Thủ tướng: Các nước xung quanh ta họ suy thoái còn nặng nề hơn ta nhưng vẫn phát triển một cách ổn định. Ngoài yếu tố khách quan thì trong việc quản lý và điều hành vĩ mô của Chính phủ có những vấn đề gì sai sót mà để cho tình hình như vậy? Theo ĐB Hà, không thể đổ khách quan là giá vàng nhảy múa trong một ngày 3, 4 lần hoặc đô la cũng nhảy múa đôi, ba lần và tỷ số lạm phát chắc chắn sẽ không thực hiện đúng theo Nghị quyết của QH. “Xin hỏi Thủ tướng có những giải pháp cấp bách nào và có những cú hích nào, chỉ còn 1 tháng nữa để chúng ta thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà QH đã nêu ra?”, ông hỏi tiếp.

“Đồng chí Hà có nói về kinh tế - xã hội, trong khủng hoảng tài chính suy thoái toàn cầu vừa qua đã tác động rất nặng nề đến nền kinh tế của nước ta, những mặt được chúng tôi đã trình bày, những mặt chưa được, những mặt yếu kém chúng tôi cũng đã trình bày trong Báo cáo trước QH, tôi nhớ đã nêu 6 điểm còn yếu kém của nền kinh tế, yếu kém trong quản lý, điều hành của Chính phủ”, Thủ tướng đáp.

Băn khoăn không rõ ĐB Hà “lấy tài liệu nào” để đưa ra so sánh, nhận định trên, nhưng theo Thủ tướng, qua quá trình tham dự nhiều cuộc hội nghị khu vực và quốc tế cho thấy, bạn bè trong khu vực và quốc tế đều đánh giá cao sự phát triển kinh tế - xã hội của VN trong thời gian qua. “Đương nhiên, tôi không bao giờ cho đó là tuyệt vời, đó là tất cả, mà luôn luôn thấy rằng còn những khiếm khuyết, những hạn chế yếu kém mà trong đó thuộc về trách nhiệm, thuộc về năng lực quản lý điều hành của Chính phủ”, Thủ tướng khẳng định.

Dành thêm 3 phút trước khi kết thúc phần trả lời chất vấn, Thủ tướng chia sẻ với thái độ cầu thị: “Tôi được QH giao nhiệm vụ làm Thủ tướng Chính phủ, bản thân tôi cũng như Chính phủ đã làm hết sức mình để thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, để thực hiện nghị quyết của Đảng, trên tinh thần thực hiện nghiêm túc theo Hiến pháp và pháp luật, tất cả vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Đương nhiên bên cạnh những thành công, kết quả, cái làm được, chúng tôi cũng nghiêm túc nhìn nhận thấy rằng mình còn nhiều việc, nhiều điều còn hạn chế, yếu kém chưa làm được, chưa làm tốt. Lúc nào chúng tôi cũng nghiêm túc để nhìn nhận những hạn chế của mình để tiếp tục khắc phục, để tiếp tục làm tốt hơn, để thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình tốt hơn. Chúng tôi luôn trân trọng, hoan nghênh, nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp, góp ý xây dựng chân tình, trách nhiệm của đồng chí, đồng bào, của các vị ĐBQH”.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và 4 dự án luật

Chiều 24.11, với đa số phiếu tán thành, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Tố tụng hành chính và Nghị quyết thi hành Luật Tố tụng hành chính.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã giải trình làm rõ thêm một số nội dung về khái niệm bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe; hợp tác, cạnh tranh và đấu thầu trong kinh doanh bảo hiểm; bổ sung Hợp tác xã được kinh doanh bảo hiểm; Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, Hợp tác xã bảo hiểm... Luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2011.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo luật: “Luật quy định về hoạt động chào bán chứng khoán, niên yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán”; đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu để đề xuất sửa đổi Luật Chứng khoán một cách toàn diện vào thời gian thích hợp.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không miễn toàn bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với mọi loại đất nông nghiệp và đối với diện tích vượt trên hạn mức giao đất nông nghiệp bởi một số lý do: đất đai là tài nguyên quốc gia, thuộc sở hữu toàn dân. Về nguyên tắc, đã sử dụng tài nguyên thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Việc miễn, giảm thuế chỉ nên áp dụng đối với từng đối tượng và tại từng thời điểm nhất định.

Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2011.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị: trong lần sửa đổi này chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thật sự cần thiết liên quan đến công tác tổ chức bầu cử khi tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày, đảm bảo sự thành công của cuộc bầu cử.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2011.

TTXVN

Ý kiến đại biểu

Số người được hỏi còn quá ít

 

Tôi thấy trong đợt này các Bộ trưởng đã khiêm tốn và thực sự đã trả lời trực tiếp vào những câu hỏi của ĐB. Phần chất vấn của các ĐB cũng rất tốt, thẳng thắn và mạnh mẽ. Tuy nhiên, số người được hỏi còn quá ít so với nhu cầu, lý do vì các ĐB hỏi dài quá. Lẽ ra hỏi thẳng vào vấn đề quan tâm thì lại vòng vo rất nhiều. Người trả lời cũng chú ý nhiều đến thành tích, trong khi ĐB thì muốn Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi. Tôi cho rằng nếu rút được kinh nghiệm về hai vấn đề này thì chất lượng chất vấn sẽ tốt hơn. (ĐB Nguyễn Lân Dũng - Đắk Lắk)

Cần giám sát tốt hơn việc thực hiện lời hứa

 

Việc giám sát thực hiện các lời hứa của các Bộ trưởng thời gian qua chưa thực hiện một cách triệt để nên những lời hứa cũng chưa được thực hiện. Tôi cũng thấy rằng QH cần phải xem lại những nguyên nhân và đưa ra  biện pháp để làm tốt hơn trách nhiệm giám sát việc thực hiện các lời hứa của các Bộ trưởng. (ĐB Phạm Thị Loan - Hà Nội)

Băn khoăn về giải pháp chống leo thang giá cả

Tôi thấy nhiều ĐBQH hỏi nhiều câu hỏi dài quá, vẫn còn sự trùng lắp ở các câu hỏi, một số câu trả lời cũng chưa đi vào trọng tâm. Khi đề ra các giải pháp, một số Bộ trưởng cũng chưa đưa ra các giải pháp thật cụ thể là thời gian tới sẽ được thực hiện ra sao. Ví dụ, hiện nay người dân rất quan tâm về việc giá cả leo thang, nhưng các biện pháp của Chính phủ thì chỉ mới nói tới chủ trương mà chưa xem xét thực tế là tại sao có chủ trương như vậy rồi mà giá vẫn tăng? Các giải pháp đã cụ thể và đã đủ sức mạnh để hạn chế việc leo thang của giá cả; việc cung ứng, cân đối hàng hóa đã phù hợp chưa? (ĐB Trần Ngọc Vinh - Hải Phòng)

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.