Viện kiểm sát: Bị cáo Đinh La Thăng che giấu vi phạm, chuyên quyền, độc đoán

Vũ Hân
Vũ Hân
24/03/2018 11:29 GMT+7

Sáng nay, 24.3, đối đáp với các bị cáo và luật sư tại tòa, đại diện Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Đinh La Thăng đã che giấu vi phạm, chuyên quyền, độc đoán trong điều hành.

Viện kiểm sát: Bị cáo Đinh La Thăng ý thức được vi phạm
Sáng nay, 24.3, tiếp tục phiên xét xử bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và các đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái khi quyết định góp vốn 800 tỉ đồng vào OceanBank, đại diện Viện kiểm sát đã đối đáp với phần bào chữa của bị cáo và các luật sư.
Phủ nhận ý kiến của luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng), cho rằng HĐQT PVN đương nhiên biết việc góp vốn vào OceanBank và mặc nhiên thống nhất, đồng ý với quyết định này, Viện kiểm sát bảo lưu quan điểm bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN đã ký thỏa thuận hợp tác với Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank, mà không thông qua HĐQT. HĐQT PVN chỉ biết vào cuộc họp ngày 30.9.2008, dù bị cáo Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận vào ngày 18.9.2008.
Theo đại diện Viện kiểm sát, căn cứ quy định của Chính phủ và nội quy của PVN thì vấn đề này cần phải được HĐQT PVN lấy ý kiến, biểu quyết theo nguyên tắc tập thể, nên ý kiến của luật sư cho rằng các thành viên HĐQT PVN đã biết, mặc nhiên thống nhất là không có căn cứ.
Đại diện  Viện kiểm sát cũng cho rằng, bản thân bị cáo Đinh La Thăng cũng ý thức được vi phạm này, nên vào đầu năm 2017, khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, bị cáo đã nhờ một số ông, bà nguyên là thành viên HĐQT PVN xác nhận bị cáo đã có bàn bạc, thống nhất chủ trương và giao cho bị cáo thực hiện, nhưng sự thật không đúng như vậy.  Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Thăng đã che giấu hành vi vi phạm, bởi khi bị kiểm tra và tại cơ quan điều tra, khi chưa bị khởi tố, bị cáo đã đưa ra tài liệu này để chứng minh việc đã có sự thống nhất của các thành viên HĐQT, tuy nhiên, cơ quan điều tra chứng minh việc này không phải sự thật.
Các bị cáo cho rằng việc đầu tư của PVN có hiệu quả, việc mất vốn là do Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc OceanBank với giá 0 đồng, đại diện  Viện kiểm sát cho rằng: Hậu quả rủi ro sẽ được loại trừ trách nhiệm nếu các bị cáo không có hành vi cố ý làm trái. Trong trường hợp này, các bị cáo đã có hành vi vi phạm pháp luật từ khi quyết định đầu tư, để xảy ra hậu quả thì các bị cáo phải chịu trách nhiệm về hậu quả này.
“Giữa hành vi đầu tư và hậu quả xảy ra chúng tôi thấy có mối quan hệ nhân quả rất chặt chẽ. Ở đây không phải là sự “vẽ ra” như luật sư Lê Văn Thiệp nêu, chúng tôi hoàn toàn căn cứ vào pháp luật, cũng như điều lệ, nghị quyết của Chính phủ”, đại diện  Viện kiểm sát nêu rõ.
“Trong vụ án này, đại diện  Viện kiểm sát rất chia sẻ với các bị cáo là đồng phạm với bị cáo Đinh La Thăng về việc phải có trách nhiệm thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng trong việc tham gia góp vốn vào OceanBank. Bị cáo Đinh La Thăng đã khai nhận tại phiên tòa: “Tất cả các nghị quyết, quyết định cần phải lấy biểu quyết của HĐQT, chỉ cần có một thành viên không tham gia, không đồng ý là tôi cho dừng lại ngay”. Điều này thể hiện tính chuyên quyền, độc đoán của bị cáo Đinh La Thăng”,  đại diện Viện kiểm sát nêu.
Tuy nhiên,  Viện kiểm sát cũng cho rằng có một số thành viên khác là người có trách nhiệm trong HĐQT như các bị cáo, điển hình như ông Hoàng Xuân Hùng, khi nhận tờ trình phê duyệt việc tham gia góp vốn, ông đã có ý kiến đề nghị xem xét lại và không biểu quyết. Điều này cho thấy trong cùng bộ máy, cùng chức vụ, quyền hạn như nhau nhưng ý thức tuân thủ pháp luật khác nhau. Các bị cáo không thể biện minh cho mình là không cố ý làm trái vì không hiểu biết pháp luật.
OceanBank đã âm vốn nên không còn gì để bán
Đối đáp với các luật sư về việc Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng với OceanBank là sai và gây ra hậu quả của vụ án, đại diện  Viện kiểm sát đã đưa ra Văn bản 1861 ngày 13.3.2018 của Ngân hàng Nhà nước gửi HĐXX, trong đó cho biết quyết định mua bắt buộc 0 đồng đối với OceanBank còn nguyên giá trị pháp luật.
“Rõ ràng, xuất phát từ thực trạng hoạt động kinh doanh của OceanBank, trước yêu cầu về an ninh tài chính và quyền lợi của người dân, Ngân hàng Nhà nước đã phải mua lại OceanBank là đòi hỏi tất yếu. Việc có nhiều ý kiến cho rằng giá mua 0 đồng là không hợp lệ, (nhưng) việc định giá mua đã có định giá về giá trị vốn sở hữu tại thời điểm xác định âm vốn chủ sở hữu là 2,5 lần, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu cổ đông nộp tiền, nhưng không ai nộp. Như vậy, có đủ căn cứ xác định giá trị vốn sở hữu của OceanBank là không còn giá trị và Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng là có lợi cho các cổ đông. Nhà nước gánh một hậu quả nợ cũng như các việc phát sinh khác”, đại diện  Viện kiểm sát nêu quan điểm.
Cũng theo văn bản trả lời của Ngân hàng Nhà nước thì việc mua bắt buộc cổ phần của OceanBank với giá 0 đồng là có cơ sở pháp lý. “Tại thời điểm này, không có căn cứ nào có thể bác việc mua 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, ý kiến của các luật sư và bị cáo nêu ra là không có cơ sở”, đại diện  Viện kiểm sát khẳng định.
Đối đáp việc các bị cáo cho rằng PVN đã tìm được đối tác để bán 20% vốn sở hữu của PVN tại OceanBank với giá đúng 800 tỉ đồng, nhưng không được Thủ tướng đồng ý, nên dẫn đến thiệt hại, đại diện Viện kiểm sát cho rằng: Ông Phùng Đình Thực (lúc đó là Chủ tịch HĐTV PVN) đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng về việc thoái vốn, ngày 12.6.2014, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 4327 cho phép PVN được chuyển nhựợng, nhưng ngày 25.6.2014 thì Văn phòng Chính phủ lại có Văn bản 1116 yêu cầu PVN tạm dừng việc chuyển nhượng là có căn cứ.
“Kết luận thanh tra 340 ngày 29.9.2014, đến 31.3.2014, lợi nhuận trước thuế sau thanh tra của OceanBank là âm hơn 10.000 tỉ đồng, tức là âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần. Hoạt động tài chính của OceanBank không những mất vốn chủ sở hữu mà còn âm, nên không thể còn vốn cho PVN chuyển nhượng. Yêu cầu PVN tạm ngừng thoái vốn để chờ chỉ đạo là hoàn toàn có căn cứ”, đại diện  Viện kiểm sát đối đáp. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.