Viện kiểm sát đề nghị tòa giao thêm 17 tài sản cho Phạm Công Danh

23/06/2020 14:45 GMT+7

Riêng 6 bất động sản (tương đương 2ha) tại Q.2, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM nêu đã được giải quyết trong vụ án khác nên đề nghị Phạm Công Danh thực hiện thủ tục giám đốc thẩm nếu còn có yêu cầu.

Ngày 23.6, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Hứa Thị Phấn (72 tuổi, cựu cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) và đồng phạm gây thiệt hại của TrustBank (nay là CB Bank) hơn 1.338 tỉ đồng; bị án Phạm Công Danh là người có quyền lợi trong vụ án.
Trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM – gọi tắt là VKS, đề nghị HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện KSND TP.HCM; chấp nhận một phần kháng cáo của Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh. Đồng thời, Viện KSND đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Hứa Thị Phấn và hai đồng phạm là bị cáo Bùi Thị Kim Loan và Huỳnh Thị Xuân Dung, nguyên thư ký và cháu của bà Phấn.

"Buộc Danh chịu thay 901 tỉ đồng là trái pháp luật"

Đối với kháng nghị của Viện KSND TP.HCM, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng, trong vụ án, vì Hứa Thị Phấn là người cầm đầu, vì vậy trách nhiệm hình sự và dân sự phải gắn liền với bị cáo Phấn.
Việc TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm buộc Hứa Thị Phấn chịu trách nhiệm hình sự với toàn bộ số tiền chiếm đoạt nhưng lại yêu cầu Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh chịu trách nhiệm dân sự thay Hứa Thị Phấn trong khoản tiền hơn 901 tỉ đồng là trái pháp luật.
Viện KSND cũng phát biểu đối với việc HĐXX sơ thẩm chỉ công nhận 97/114 bất động sản thuộc quyền sở hữu của Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh và giao 17 bất động sản còn lại cho Công ty TNHH Tân Đông Hiệp. Theo Viện KSND, biên bản thỏa thuận, các hợp đồng chuyển giao cổ phần và tài sản liên quan của ngân hàng, trong đó có 17 bất động sản được thực hiện từ năm 2012 giữa ông Danh và bà Phấn là đúng pháp luật và đã được Thủ tướng cùng Ngân hàng Nhà nước chấp nhận.
Từ đó, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM yêu cầu HĐXX sửa một phần bản án sơ thẩm, tuyên 17 bất động sản này thuộc về Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh và được tiếp tục kê biên để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của Phạm Công Danh.
Riêng kháng cáo của Phạm Công Danh “đòi” 6 bất động sản tại Q.2 (tương đương 6ha), VKS nêu 6 bất động sản này đã được giải quyết trong vụ án Hứa Thị Phấn giai đoạn 1, vì vậy VKS đề nghị bị án Danh và Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện thủ tục giám đốc thẩm nếu có yêu cầu.

Bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Về kháng cáo giảm nhẹ hình phạt của Hứa Thị Phấn, VKS cho rằng, bà Phấn là người cầm đầu hàng loạt các hành vi phạm tội, chiếm đoạt tài sản. Hứa Thị Phấn là người giữ 82% vốn điều lệ Trustbank, thâu tóm, chỉ đạo toàn bộ ban điều hành ngân hàng, làm thủ tục để ngân hàng đầu tư trực tiếp 1.037 tỉ đồng vào bất động sản của 3 công ty. Tuy nhiên, số tiền này không được dùng vào đầu tư mà được Phấn rút ra sử dụng cá nhân, gây thiệt hại 901 tỉ đồng.

Bà Hứa Thị Phấn luôn vắng mặt trong các phiên tòa xét xử liên quan đến mình.

Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

Đồng thời, bà Phấn còn trực tiếp chỉ đạo Trần Thị Kim Loan và Huỳnh Thị Xuân Dung thực hiện mua hai bất động sản tại TP.HCM rồi chỉ đạo Trustbank mua lại bất động sản này. Vì vậy, bà Phấn là người cầm đầu, được hưởng lợi toàn bộ số tiền, là nguyên nhân dẫn đến nhiều cá nhân khác rơi vào vòng lao lý. Án sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo đúng tội, áp dụng đủ tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng.
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Loan, VKS cho rằng, Loan là đồng phạm trong vụ án thông qua việc được Phấn chỉ đạo mua 2 căn nhà ở TP.HCM, có vai trò giúp sức tích cực cho Phấn. Cấp sơ thẩm đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ, căn cứ vào việc bị cáo thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên nên VKS đề nghị không chấp nhận kháng cáo của Loan tại phiên tòa.
Về bị cáo Dung, cấp sơ thẩm đã xem xét việc bị cáo không hưởng lợi, chỉ là người bị lợi dụng để giảm nhẹ. Từ đó, VKS cũng đề nghị không chấp nhận kháng cáo.
Phiên xử đang tiếp tục với phần tranh luận giữa luật sư bảo vệ quyền lợi cho Phạm Công Danh và Công ty Tân Đông Hiệp...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.