(iHay) Đã gần hết tháng 3, tháng có ngày lễ của phụ nữ, tôi muốn ghi lại những mảnh ghép nhỏ này, như lời cảm ơn, chia sẻ với những phụ nữ quê tần tảo, nơi có đền thờ hai vị nữ anh hùng của dân tộc: Hai Bà Trưng.
>> Về làng Thổ Hà ngắm nhà cổ và thưởng thức bánh đa nướng
|
Có một địa danh hiếm thấy trong quy hoạch tour tham quan du lịch về làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội là đền thờ Hai Bà Trưng. Ngôi đền này được xây tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) là ngôi đền thời Hai Bà lâu đời và lớn nhất ở Việt Nam. Điều đặc biệt là tại vùng Hát Môn này, năm 40, căm giận vì chồng bị giết bởi thái thú Tô Định, Bà Trưng Trắc đã cùng Trưng Nhị phát tích cuộc khởi nghĩa đánh quân Hán xâm lược.
Từ Hà Nội, theo quốc lộ 32, qua cầu Phùng, đi hết thị trấn Phùng gặp xã Hát Môn thuộc huyện Phúc Thọ. Theo bảng chỉ dẫn trên đường, bạn quẹo phải đi vào khoảng 2km, sẽ nhìn thấy ngôi đền này phía bên trái.
Xưa, đền nằm ngay bên bờ sông Hát (hay còn gọi là Hát Giang, đoạn sông Đáy nối với sông Hồng). Tuy nhiên, sau thời gian bồi đắp và cả sự lấn ép của con người, dòng sông Hát ngày nào nay bị thu hẹp nhỏ như con kênh. Theo đó, ngôi đền cũng được lùi sâu vào trong đất liền.
|
Đã có nhiều sách sử và nhiều nhà nghiên cứu sử đưa ra về nguyên nhân cái chết của hai vị nữ anh hùng này, nhưng khi đến vùng đất này, đứng trước đền thờ Hai Bà một cách cung kính, tôi chỉ muốn lịch sử thuộc về một truyền thuyết đầy kiêu bạc.
Rằng vì chống trả không nổi đội quân hùng hậu hung hãn của nhà Hán, Bà rút quân về vùng Hát Giang và đã trẫm mình xuống sông để giữ trọn khí tiết, theo lời khuyên của một bà bán nước ven sông ngày ấy. Và ngày nay, trước cổng đền thờ Hai Bà, có một ngôi miếu nhỏ thờ bà bán nước, người mà ngày trước khuyên bà Trưng nên trẫm mình để giữ trọn khí tiết.
|
Gọi là truyền thống, hay như có sự trùng hợp, một sự nối tiếp lạ kỳ nào đó, mà ngày nay, ở vùng quê này, người phụ nữ cũng đang gánh vác những việc nặng khi nhà vắng bóng đàn ông.
Trên các nẻo đường quê, nơi có đền thờ Hai Bà, có những chi tiết cứ đeo bám lấy tôi, cảm giác bần thần suốt đường vào tiếp Đường Lâm sau đó là hình ảnh “phụ nữ tự quản”. Dọc đường làng ít thấy bóng dáng người đàn ông.
|
Một chị đang đẩy xe lúa vừa gặt xong để về nhà vừa nói vừa cười: “Đàn ông ở làng vào Nam làm ăn hết rồi. Gần hơn thì lên Hà Nội, lên Lạng Sơn đi hàng. Nhưng đa số là vào Nam, chúng em ở đây phải làm thế việc các anh ấy”, nói xong, chị lại cười giòn tan.
Chị cười rồi đẩy chiếc xe chở lúa, áo ướt đẫm mồ hôi.
|
Từ việc gặt hái, dẫy cỏ ngoài đồng đến nặng hơn là cuốc đất, cày bừa đều một tay các chị làm, bóng dáng nam thanh niên trên đồng càng hiếm hoi hơn. Lý do như chị phụ nữ giải thích với tôi ở trên.
Trưa, lại có chị vội vã băng đồng đạp xe đến nhà trẻ đón con, rồi tất tả chở về nhà làm cơm cho con ăn. Chiều lại ra đồng làm tiếp. Chị nào không vướng bận con nhỏ, lại thong thả lên bờ làm sạch xe cày chuẩn bị cày đồng.
Đến xã Hát Môn bằng xe gắn máy, không chỉ viếng đền thờ Hai Bà, bạn có thể chứng kiến những việc đồng áng nặng nhọc là thế, với những phụ nữ “tự quản” nơi đây, là những việc làm tất nhiên và… nhẹ tựa hoa hồng. Đây cũng là vùng đất còn mang đậm nét làng quê mộc mạc, trù phú của đồng bằng Bắc Bộ.
|
Theo Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, lúc xuất quân, tang chồng chưa hết, Bà trang điểm rất đẹp, các tướng hỏi, Bà trả lời đại ý: Việc binh không để ảnh hưởng. Nếu giữ lễ mà làm xấu dung nhan, thì nhuệ khí tự nhiên suy kém, cho nên ta mặc đẹp để mạnh thêm màu sắc của quân và khiến bọn giặc trông thấy đắng lòng. Lợi là chí tranh đấu, thì dễ giành phần thắng... Lời lẽ đanh thép đầy chí khí thế này, nhưng ai dám bảo thiếu “tính nữ” ở vị nữ anh hùng trận mạc?
Phượt ký của Nguyên Nga
>> Tìm bình yên ở làng chài Lăng Cô
>> Làng cổ Phước Tích thơ mộng bên dòng Ô Lâu
>> Ngày lễ về làng câu cá
Bình luận (0)