Việt Nam có 'hóa rồng, hóa hổ' được không?

31/10/2019 09:41 GMT+7

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đánh giá kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa 'hóa rồng hóa hổ'.

Ghi nhận những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm qua, nhưng thảo luận tại hội trường ngày 30.10, đa số các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ những băn khoăn về tương lai dài hạn của đất nước, khi những thách thức nội tại và quốc tế đang ngày một hiển hiện.

Duy trì tăng trưởng 6,8% là gian nan

Đánh giá Chính phủ có 1 năm thành công, cả 12 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều đã đạt và vượt, nhưng đại biểu (ĐB) Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng nhìn về năm 2020 và những năm tiếp theo, ông chưa thể yên tâm.
Theo ông Lộc, mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc độ. Đặc biệt, do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, rất nhiều chuyên gia đã dự báo rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi và trở thành công xưởng mới của nền kinh tế thế giới, nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại.
Ông Lộc cũng lo ngại, xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng lại chứa đựng rất nhiều rủi ro vì có thể bị Mỹ trừng phạt thương mại khi Việt Nam đã lọt vào top 6 nước Mỹ thâm hụt lớn nhất (9 tháng năm 2019, xuất khẩu sang Mỹ gần 45 tỉ USD tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái). Một mối quan tâm khác là FDI từ Trung Quốc tăng đột biến, “phát đi một tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của nước ta”. “Những chỉ báo trên đây cho thấy, để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới là rất gian nan”, theo ông Lộc.
Kinh tế Việt Nam quy mô chỉ 200 tỉ USD mà hàng hóa xuất nhập khẩu với một nước lên đến 66,6 tỉ USD (1/3 GDP) hoặc gần 100 tỉ USD theo thống kê của Trung Quốc (1/2 GDP) thì kinh tế Việt Nam rất dễ bị phụ thuộc; nếu kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề lớn thì kinh tế VN khó tránh khỏi ảnh hưởng
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đánh giá kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa "hóa rồng hóa hổ". Cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người là 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Năm 2018, Việt Nam khoảng 2.590 USD thì thế giới khoảng 11.000 USD. Dù Việt Nam tăng trưởng khá nhanh, thì xét về số tuyệt đối, GDP của thế giới ngày một vượt xa so với Việt Nam.
“Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới - dù bước chậm nhưng lại đi được những bước dài hơn”, ĐB Hàm nói và đề nghị Chính phủ cần có giải pháp nâng cao trình độ lao động, phát triển ứng dụng KH-CN và khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao đời sống của người dân và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn ODA đang bị tắc nghẽn hiện nay.

Nhân tố khó lường - Trung Quốc

Ngoài bị ảnh hưởng gián tiếp từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thì trên Biển Đông, Trung Quốc cũng là một nhân tố tác động khó lường đến tương lai Việt Nam. Giám đốc Học viện Quốc phòng, ĐB Trần Việt Khoa (Hà Nội) nêu mối quan ngại này, khi từ tháng 5.2019 đến nay, hoạt động dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông bị Trung Quốc quấy nhiễu.
Không chỉ thế, Trung Quốc còn đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 vào khảo sát, thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, có những thời điểm họ đưa tới 35 - 40 tàu xuống để bảo vệ.
“Đây là việc không thể chấp nhận được”, ĐB Khoa nhấn mạnh, đồng thời cho biết Bộ Chính trị, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã tiến hành đấu tranh ngoại giao, pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Trên thực địa, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình và tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng để khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta không thể chối cãi theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về luật Biển năm 1982.
Có chung mối quan tâm, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) lưu ý, hiện Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn xây dựng, bồi đắp (các thực thể trên Biển Đông) sang giai đoạn quân sự hóa và khai thác, sử dụng.
Do đó, “chúng ta cần công khai, cập nhật chi tiết hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của họ, để dư luận tiến bộ trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc, được biết”, ĐB đề nghị. Ông Hiếu cũng cho rằng, các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh kiên quyết, kiên trì, xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc.
Do đó, cần có thêm những biện pháp mới theo nguyên tắc mà Chủ tịch nước (Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - PV) đã khẳng định bất di bất dịch là “không bao giờ nhân nhượng những gì thuộc về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
“Rất nhiều ý kiến cử tri đã đề nghị đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ kiện Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính, mà chúng ta sẽ đưa toàn bộ các hoạt động Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của VN; xây dựng trái phép, quân sự hóa nhiều đảo, bãi đá trên Biển Đông trong suốt thời gian qua. Khi có chính nghĩa của dư luận quốc tế, ngay cả nhân dân Trung Quốc sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền Trung Quốc, không thể phớt lờ lẽ phải hiển nhiên”, ĐB Hiếu nói.
Ngoài vấn đề chủ quyền, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) lo lắng về sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. ĐB Thúy dẫn thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy: sau 25 năm bình thường hóa quan hệ, tổng kim ngạch thương mại của 2 nước đã tăng 2.220 lần, từ mức 30 triệu USD năm 1991 đến 66,6 tỉ USD năm 2015, trong đó VN nhập siêu từ Trung Quốc 32,42 tỉ USD.
Còn theo thống kê của Trung Quốc thì 50% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là từ Trung Quốc, đó là chưa kể nhập khẩu theo đường tiểu ngạch. “Theo tôi hiểu, Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, phát triển hơn Việt Nam, lại là nước láng giềng của Việt Nam, cho nên việc phát triển mạnh quan hệ thương mại là đương nhiên. Tuy vậy, Chính phủ cũng cần có biện pháp bảo đảm cân đối, vì kinh tế Việt Nam quy mô chỉ 200 tỉ USD mà hàng hóa xuất nhập khẩu với một nước lên đến 66,6 tỉ USD (1/3 GDP) hoặc gần 100 tỉ USD theo thống kê của Trung Quốc (1/2 GDP) thì kinh tế Việt Nam rất dễ bị phụ thuộc; nếu kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề lớn thì kinh tế VN khó tránh khỏi ảnh hưởng”, ĐB nhấn mạnh.

Chính quyền nhiều nơi hết sức lúng túng, chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm với dân

“Qua theo dõi cách xử lý các thiên tai như lũ quét, lở đất và tai họa do bất cẩn hoặc hành vi vi phạm pháp luật của con người như vụ ô nhiễm môi trường ở Công ty Vedan (Đồng Nai), ở Công ty Formosa (Hà Tĩnh), ở vụ cháy Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội), vụ đổ trộm chất thải công nghiệp vào nguồn nước cung cấp nước sạch cho Hà Nội... có thể thấy chính quyền nhiều nơi, nhất là chính quyền đô thị nước ta hết sức lúng túng và chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm với dân. Bảo đảm quyền lợi, sức khỏe, tính mạng người dân là trách nhiệm lớn nhất của chính quyền. Chúng ta nên giảm bớt họp hành, hội thảo, mít tinh... và các công việc bề nổi để nâng cao năng lực quản lý, phục vụ, hoàn thành những nhiệm vụ thiết thực, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tôi đề nghị Chính phủ ngay trong thời gian tới, cần có biện pháp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có trách nhiệm, để thay đổi căn bản tình trạng đáng buồn này”.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.