Việt Nam dự kiến thiết lập một hệ thống chuyên cung cấp thông tin năng lượng

Đại dịch Covid-19 kéo dài suốt từ cuối năm 2019 đến nay và dự kiến còn phức tạp trong thời gian tới đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó bao gồm cả Việt Nam.

Đối với ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng, nhu cầu sử dụng điện tại Việt Nam đã giảm đi đáng kể từ đầu năm 2021 đến nay song việc chuyển dịch năng lượng nhằm đảm bảo tăng trưởng xanh, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vẫn là bài toán cần phải được đặt ra dù trong bối cảnh nào.

Đứng trước bối cảnh đó, ngày 6.10 vừa qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA) thuộc Bộ Công thương đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội nghị phổ biến, giới thiệu Thông tư số 34/2019/TT-BCT quy định về hệ thống thông tin năng lượng. Hội nghị diễn ra trong khung khổ Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật ngành Năng lượng Việt Nam - EU (EVEF) do Liên minh châu Âu (EU) và CHLB Đức đồng tài trợ.

Hội nghị phổ biến, giới thiệu Thông tư số 34/2019/TT-BCT quy định về hệ thống thông tin năng lượng diễn ra ngày 6.10

Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hưng - chuyên gia năng lượng đến từ Viện Năng lượng nhấn mạnh, Hệ thống thông tin năng lượng là một phần không thể thiếu của quá trình hoạch định và ra quyết định chính sách liên quan đến năng lượng. Chương trình hỗ trợ Chính sách ngành Năng lượng do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm mục đích tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi sang hành trình phát triển năng lượng bền vững hơn. Theo phạm vi của chương trình, Bộ Công thương được đề nghị thiết lập Hệ thống thông tin năng lượng Việt Nam.

Nội dung Hệ thống thông tin năng lượng Việt Nam bao gồm thông tin cân bằng cung cầu năng lượng, thông tin đặc điểm kỹ thuật cơ sở hạ tầng năng lượng và thông tin giá năng lượng bình quân hàng năm gồm than, khí tự nhiên, sản phẩm dầu mỏ, điện, các dạng năng lượng khác. Đơn vị phối hợp, báo cáo thông tin năng lượng gồm các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương như Cục Điều tiết điện lực, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Dầu khí và Than, Viện Năng lượng, Sở Công thương các tỉnh và các doanh nghiệp như EVN, Vinacomin, PetroVietNam... Các nội dung được thu thập sẽ hỗ trợ công tác điều hành, giám sát hoạt động và xây dựng chính sách cho Bộ Công thương, là cơ sở dữ liệu quan trọng để các đối tượng thụ hưởng tiếp cận, sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực năng lượng nói riêng một cách bền vững.

Nguyên tắc chung của Hệ thống thông tin năng lượng là thu thập đầy đủ, toàn diện và chính xác thông tin năng lượng. Quản lý, lưu trữ và bảo quản thông tin năng lượng và xây dựng cơ sở dữ liệu năng lượng đảm bảo sử dụng lâu dài, an toàn thông tin; Hiệu quả, khả thi, tiết kiệm chi phí, nguồn lực, công bố, cung cấp khai thác sử dụng thuận tiện, kịp thời cho các đối tượng của pháp luật; Bảo mật thông tin tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin năng lượng.

Ông Koen Duchateau phát biểu tại hội nghị

Về phía Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác phát triển của Phái đoàn, chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng việc tổ chức một hệ thống thông tin năng lượng tập trung và thống nhất là vô cùng quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam. Hệ thống sẽ cung cấp số liệu thống kê thường xuyên, chính xác, đáng tin cậy và toàn diện, đồng thời đặt nền tảng cho xây dựng các chính sách công. Liên minh châu Âu đã hỗ trợ Bộ Công thương những bước đầu tiên trong việc thành lập hệ thống thông tin năng lượng Việt Nam, và sẽ tiếp tục hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo để đưa hệ thống đi vào vận hành hoàn chỉnh".

Để việc thực hiện thông tư 34 hiệu quả và dễ dàng hơn, hội nghị cũng đã giới thiệu bộ công cụ thu thập số liệu được xây dựng và hoàn thiện dựa trên quy định của thông tư. Bộ công cụ được kỳ vọng sẽ giúp các đơn vị liên quan như các Sở Công thương, EVN, PetroVietnam, Vinacomin, Petrolimex,… thu thập chính xác các loại thông tin năng lượng phức tạp, loại bỏ sai sót có thể gặp phải trong quá trình vận hành hệ thống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.