Việt Nam gia nhập WTO: Nông nghiệp, nông dân sẽ chịu những tác động nào?

11/11/2006 01:02 GMT+7

Việt Nam đã gia nhập WTO. Chúng ta không thể tiếp tục sản xuất hàng nông sản kém chất lượng, giá rẻ như hiện nay; không thể trút tất cả các rủi ro lên người nông dân như hiện nay để họ tiếp tục chậm làm giàu.

Không tưởng tượng nổi một quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 trên thế giới mà là do hàng chục triệu nông dân cá thể sản xuất trên hàng triệu mảnh đất manh mún, mỗi mảnh không quá 3 ha với hàng trăm giống lúa khác nhau. Trong khi đó các doanh nghiệp (DN), nhất là DN Nhà nước, không ai có mối khách hàng ổn định, không ai có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định. Đến khi xuất hàng được thì bắt buộc xuất hàng không thương hiệu.

Đến nay, thế giới chỉ biết gạo tên "Việt Nam" chớ hiếm thấy gạo có thương hiệu mạnh nào. Tình cảnh này cứ tiếp tục ngày này qua năm nọ, Nhà nước để mặc, quên mất vai trò làm chính sách thích hợp để gắn kết người sản xuất nông sản và doanh nghiệp. Nhà nước cần đầu tư gấp rút và ưu tiên cho: cải tiến các chương trình giáo dục và đào tạo cho nông dân, công nhân, nhà quản lý những kiến thức và kỹ năng phù hợp với yêu cầu toàn cầu hóa. Sửa đổi Luật Hợp tác xã cho phù hợp yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới. Đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học (giống cây trồng và vật nuôi, kể cả những giống có gien chuyển đổi thích nghi điều kiện canh tác khắc nghiệt của nông dân vùng sâu, vùng xa; giảm giá thành sản xuất nông sản; công nghệ sau thu hoạch; phát triển thị trường nông sản). Đã đến lúc Nhà nước cần hành động để Việt Nam có khả năng nắm bắt những cơ hội và đồng thời có thể đối mặt với những thách thức do WTO mang lại.


Quy mô sản xuất nhỏ, thiếu liên kết... trong sản xuất nông nghiệp đang khiến người nông dân đứng trước nhiều thử thách  - Ảnh: T.C.Khả
Những cơ hội tạo ra từ tự do mậu dịch trong lĩnh vực nông nghiệp rất nhiều.

Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Ngành nông nghiệp có cơ hội phát triển mạnh

Bên cạnh việc có khả năng tiếp cận một thị trường rộng lớn, gồm 149 nước, chúng ta còn được hưởng các mức thuế thấp hơn hiện nay, được cạnh tranh bình đẳng... Để giảm thiểu các tác động tiêu cực và phát huy cơ hội khi hội nhập, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiến nghị Nhà nước hỗ trợ cho nông nghiệp theo nhóm các chính sách phù hợp với quy định của WTO; tập trung rà soát, giảm tối đa các thủ tục gây phiền hà cho DN; đẩy mạnh quá trình sắp xếp hệ thống DN Nhà nước trong ngành; triển khai mạnh cổ phần hóa DN; sắp xếp các nông lâm trường quốc doanh.

Quang Duẩn (ghi)

Thị trường nông sản rộng mở, nhất là với các mặt hàng tôm, cua, cá; bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, nhãn, vải thiều; nước dứa cô đặc, nước ổi, nước cam, mơ...; măng chua, nấm rơm; thịt gà ta,... Đầu tư nước ngoài gia tăng: lập nhà máy sơ chế hoặc chế biến nông sản, mở mang những vùng đất hoang hóa, sản xuất những sản phẩm nông nghiệp độc đáo mà họ đang có thị trường. Nhờ đó lao động, nhất là lao động nông nghiệp sẽ có thêm công ăn việc làm; người tiêu dùng sẽ mua được những sản phẩm vừa rẻ tiền hơn, vừa tốt bền hơn. Nông dân nghèo canh tác ở các vùng khó khăn sẽ có cơ may phát triển nhờ có những giống mới do các công ty quốc tế chuyên áp dụng công nghệ sinh học tạo ra.

Tuy nhiên bên cạnh đó, tự do mậu dịch cũng tạo ra không ít những thách thức. Hiện nay giá hầu hết các nông sản Việt Nam đều đắt hơn hàng nước ngoài mà chất lượng lại không bảo đảm. Giá thành sản xuất hàng của ta thường cao hơn của người do tốn nhiều chi phí, trả nhiều lệ phí, trả nhiều công gián tiếp. Mặt khác, cách sản xuất manh mún trên từng thửa ruộng, mảnh vườn nhỏ của nông dân ta không thể nào đáp ứng đơn đặt hàng mỗi lần hàng ngàn tấn sản phẩm của các công ty nước ngoài. Các giống cây con mới sẽ được nhập vào nước ta bán rất đắt, nhưng nông dân không thể tùy tiện nhân giống ra vì các công ty nước ngoài giữ quyền tác giả. Do đó, rất có thể các nông dân nghèo không có cơ hội để sử dụng những tiến bộ khoa học này.

GS V.T.X

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.