Việt Nam mất khoảng 130 tỉ USD chi phí cho tai nạn giao thông trong 15 năm

19/04/2018 20:48 GMT+7

Đây là con số được TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia (NTSC) thông tin tại hội thảo 'Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu nâng cao an toàn giao thông cho Việt Nam' tổ chức ngày 19.4

Cụ thể, chi phí cho tai nạn giao thông (TNGT) mỗi năm của Việt Nam (VN) chiếm tới 2,9% GDP cả nước, khoảng từ 5 - 12 tỉ USD. Tổng chi phí cho TNGT giai đoạn 2015 - 2030 lên tới 130 tỉ USD. Ông Minh đánh giá đây là con số cực lớn đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Lý do chính dẫn đến TNGT và tốn kém chi phí lớn đến từ việc bất cập trong quy định của pháp luật dẫn đến bất cập trong công tác nghiên cứu, ý thức tham gia giao thông của người dân còn kém và kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo an toàn.
Theo NTSC, cách tiếp cận nhằm đưa ra những chính sách pháp luật đảm bảo ATGT của VN hiện nay chưa chính xác ngay từ bước thống kê số liệu. Bằng chứng là trong khi VN công bố có 9.369 người chết do TNGT trong năm 2013, tương đương 10,2 người/ 100.000 dân thì số liệu thống kê từ phía WHO tăng đến 90%: ước tính 22.419 người, tương đương 24,4 người/100.000 dân.
Sai số thống kê do nhiều tai nạn ở VN không được báo cáo, có độ vênh giữa thống kê của Bộ Công an và Bộ Y tế, chưa sử dụng tiêu chuẩn quốc tế “chết trong vòng 30 ngày kể từ khi tai nạn”.
Bên cạnh đó, luật Thống kê hiện nay chỉ giao Bộ Công an thống kê 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương, trong khi một yếu tố quan trọng là số vụ vi phạm giao thông là bao nhiêu thì không được bàn đến.
Đặc biệt, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho đối tượng từ 6 tuổi trở lên đã mang lại kết quả rất tốt, được đánh giá là thành công nhất so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, quy định thiếu sót trầm trọng khi chưa có chính sách, phương thức bảo vệ cho trẻ em từ 1 - 6 tuổi, đối tượng dễ tổn thương nhất và thường xuyên tiếp xúc với xe gắn máy.
“Quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật luôn chậm hơn yêu cầu thực tế khiến cách tiếp cận và hệ thống chính sách luôn tồn tại nhiều bất cập”, TS Trần Hữu Minh nhận định.
Thách thức lớn nhất là từ phía con người, đặc biệt là về mặt nhận thức. Vi phạm giao thông xảy ra thường xuyên; điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia còn phổ biến; lái xe theo thói quen, không tuân theo quy định (vượt quá tốc độ, sẵn sàng vi phạm nếu không nhìn thấy cảnh sát giao thông…)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.