Việt Nam nên tập trung vòng loại World Cup thay vì AFF Cup ?

01/05/2020 08:11 GMT+7

Liệu có thể bị xem là phi thực tế khi đội tuyển Việt Nam cùng lúc phải gánh hai mục tiêu quá lớn nên VFF cũng như HLV Park Hang-seo đừng quá ôm đồm bởi dễ dẫn đến tình trạng “xôi hỏng bỏng không”.

Trong bản kế hoạch đã được thống nhất giữa Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và HLV Park Hang-seo, đôi bên cùng đặt ra chỉ tiêu rất cao là đội tuyển VN vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á và bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup 2020. Nhưng kế hoạch này được thiết lập trước khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới và Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) cũng như Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) chưa phải dời lịch thi đấu của các trận thuộc vòng loại World Cup.

Muôn vàn cảm xúc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ trong trận Việt Nam - Thái Lan tại vòng loại World Cup

Bài học đắt giá từ giải U.23 châu Á 2020

Xin được lưu ý, 3 trận đấu còn lại của VN tại bảng G vòng loại World Cup đã buộc phải điều chỉnh như sau: trận gặp Malaysia trên sân khách đáng lẽ diễn ra ngày 31.3 nay dự kiến dời sang ngày 13.10 (chậm 7 tháng so với lịch ban đầu), trận gặp Indonesia (sân nhà) ngày 4.6 dời sang ngày 12.11 và trận gặp UAE (sân khách) ngày 9.6 dời sang ngày 17.11. Trong khi đó, AFF Cup 2020 cho đến thời điểm này vẫn được Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) giữ nguyên lịch thi đấu, cụ thể sẽ khởi tranh vòng bảng từ ngày 23.11 và khép lại vào ngày 31.12.

Các tuyển thủ đa phần là trụ cột phải liên tục cày ải sẽ rất dễ dẫn đến chấn thương, ảnh hưởng lớn đến đội tuyển. Trong trường hợp vẫn áp dụng thể thức thi đấu như các mùa trước thì các cầu thủ được gọi lên tuyển sẽ khó lòng lấy lại sức, trong khi VN phải nặng gánh cả hai vai

HLV Phan Thanh Hùng

Việc các trận đấu vòng loại World Cup phải lùi lại đến hơn nửa năm, dĩ nhiên ảnh hưởng lớn đến quá trình chuẩn bị của đội tuyển VN. Ông Park gần như phải “đập đi xây mới” toàn bộ kế hoạch, phải tính lại thời điểm mà cầu thủ có thể đạt được điểm rơi phong độ vì phương án cũ là điểm rơi vào các tháng 3, 6, 9 đã không còn phù hợp nữa. Khán giả có quyền âu lo bởi ông Park cùng cộng sự phải thiết lập 2 chu kỳ huấn luyện cho 2 giải đấu quá sát nhau (trận cuối của vòng loại World Cup cách trận đấu đầu tiên của vòng bảng AFF Cup chỉ vỏn vẹn 6 ngày) thì rất khó đảm bảo được tính khoa học.
Bản thân ông Park cũng đã có bài học đắt giá khi đội U.23 VN thất bại tại vòng chung kết U.23 châu Á 2020 - giải đấu chỉ cách SEA Games 30 đúng 1 tháng (trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 30 giữa VN và Indonesia vào ngày 10.12.2019 còn trận đầu tiên của U.23 VN gặp U.23 UAE ở giải U.23 châu Á là vào ngày 10.1.2020). Ông Park từng thừa nhận: “Chúng tôi đã khởi đầu không tốt khi U.23 VN không vượt qua vòng bảng giải U.23 châu Á ở Thái Lan hồi tháng 1. U.23 VN đã không thể lặp lại kỳ tích là giành ngôi á quân như tại giải U.23 châu Á năm 2018. Có người vẫn hỏi tôi về nguyên nhân thất bại, nói thì vô cùng, vì thành bại trong bóng đá có nhiều yếu tố kết hợp. Nòng cốt đội hình vẫn là các cầu thủ U.22+2 giành HCV SEA Games 30. Tuy nhiên, chúng tôi có quá ít thời gian chuẩn bị. Các cầu thủ trụ cột, người thì chấn thương, người thì bị quá tải. Các đối thủ, kể cả những đội được đánh giá cao hơn như UAE hay Jordan, cũng chọn lối tiếp cận thận trọng quá mức khi đối đầu VN”.

Bất lợi chồng chất

Tuy mật độ thi đấu của vòng loại World Cup 2022 không dày như SEA Games 30, nhưng nên nhớ rằng các đối thủ của vòng loại World Cup đều ở cấp độ đội tuyển quốc gia, tính chất các trận đấu sẽ vô cùng khốc liệt, nhất là trong bối cảnh cục diện của bảng G chưa sớm ngã ngũ. Các đội dù đang chênh nhau về điểm số với lợi thế đang tạm nghiêng về VN (hiện VN đầu bảng G với 11 điểm, sau 2 trận hòa, 3 trận thắng), nhưng gió có thể đổi chiều bất kỳ lúc nào bởi các đối thủ của chúng ta đang có sự chuẩn bị rất kỹ và coi vòng loại World Cup như một cái đích lớn cần phải chinh phục. VN cũng coi vòng loại World Cup 2022 như cái đích lớn cần phải chinh phục, nhưng “đính kèm” theo đó là cái đích khác - phải vô địch AFF Cup thêm một lần nữa. Như vậy e rằng ông Park phải chịu gánh nặng thành tích quá lớn và có phần phi thực tế, nếu không muốn nói là ảo tưởng.

Ông Park không bị sức ép AFF Cup

Ảnh: Độc Lập

Bản hợp đồng được VFF và ông Park tái ký có thời hạn 3 năm, tính từ tháng 2.2020. Trong đó có một số điều khoản liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nếu ông Park không thỏa mãn yêu cầu của VFF cũng như ngược lại. Trước đây, một số HLV vì không đạt chỉ tiêu nên đã bị sa thải hoặc chủ động từ chức như HLV Hữu Thắng khi đội tuyển VN thất bại tại AFF Cup 2016. Tuy nhiên, với trường hợp của ông Park, việc thành bại tại AFF Cup lại không được coi là một trong những điều kiện để VFF đơn phương kết thúc hợp đồng. Giả dụ nếu không giành được HCV, ông Park vẫn tại nhiệm.                      L.P
Chưa kể đội tuyển có thể sẽ bất lợi về nhân sự trong hành trình vất vả vào cuối năm nay. Trận gặp Malaysia ngày 13.10, VN không có Duy Mạnh (bị chấn thương đứt dây chằng chéo đầu gối, phải nghỉ ít nhất 9 tháng), Đình Trọng (bị treo giò vì nhận thẻ đỏ tại giải U.23 châu Á 2020), chưa kể phải đá sân khách nên khó khăn càng chồng chất. Ông Park quyết thắng bằng mọi cách nhưng nếu không may sẩy chân thì 2 trận còn lại vào tháng 11 mang tính chất quyết định việc đi tiếp hay dừng lại tại vòng loại World Cup.
Còn ở AFF Cup, VN tuy có thể đã có Đình Trọng (hiện anh đang điều trị hồi phục) nhưng vẫn mất Duy Mạnh. Có thêm nguy cơ cao là thiếu cả thủ môn Văn Lâm và hậu vệ Văn Hậu nếu như hai cầu thủ này không được CLB chủ quản gồm Muangthong United (Thái Lan) và Heerenveen (nếu sắp tới đội bóng Hà Lan này tái ký hợp đồng) cho về thi đấu AFF Cup vì giải khu vực này không nằm trong hệ thống FIFA Day, không do FIFA quản lý.
Cũng nên nhớ rằng, do dịch bệnh Covid-19 mà các giải đấu quốc nội đã phải tạm hoãn. Cúp quốc gia dự kiến khởi tranh vào giữa tháng 5, còn vòng 3 V-League trở lại vào 31.5. Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) đã tạm xác định hạn chót để kết thúc V-League là 31.10. Nếu mùa giải năm nay vẫn có hai lượt đi và về thì các CLB sẽ chỉ còn 18 tuần để gói ghém 24 vòng còn lại của V-League. Trung bình các CLB sẽ phải đá với mật độ 5 ngày/trận, liền tù tì trong 4 tháng rưỡi mới đá xong V-League! Ấy là còn chưa tính đến việc phải thi đấu cả Cúp quốc gia.
HLV Phan Thanh Hùng (Than Quảng Ninh) âu lo: “VFF, VPF phải tính toán thay đổi thể thức thi đấu V-League năm nay để giảm khối lượng vận động cho các cầu thủ vì không thể nào đá dồn dập 5 ngày một trận suốt hơn 4 tháng trời, vì chắc chắn dẫn đến quá tải. Các tuyển thủ đa phần là trụ cột phải liên tục cày ải sẽ rất dễ dẫn đến chấn thương, ảnh hưởng lớn đến đội tuyển. Trong trường hợp vẫn áp dụng thể thức thi đấu như các mùa trước thì các cầu thủ được gọi lên tuyển sẽ khó lòng lấy lại sức, trong khi VN phải nặng gánh cả hai vai”.
Chủ tịch CLB Sông Lam Nghệ An Nguyễn Hồng Thanh cũng cho rằng nếu năm nay không điều chỉnh các giải đấu quốc nội thì tuyển VN rất khó đảm đương được cùng lúc hai nhiệm vụ nặng vào cuối năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.