Việt Nam - Nhật Bản tăng cường hợp tác đi vào chiều sâu

Vũ Hân
Vũ Hân
20/10/2020 05:58 GMT+7

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide , sáng 19.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Suga đã có buổi gặp gỡ với báo chí thông báo kết quả hội đàm.

Ủng hộ lập trường của Việt Nam ở Biển Đông

Hoan nghênh Thủ tướng Suga đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên sang thăm trên cương vị lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng điều này là một minh chứng cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp truyền thống giữa hai nước.

5 nội dung lớn

“Hai thủ tướng đã có cuộc hội đàm thành công với nhiều nội dung rất quan trọng, tiếp tục khẳng định quyết tâm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Nhật sâu rộng, khôi phục và đẩy mạnh hợp tác trong điều kiện bình thường mới trên tất cả các lĩnh vực”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và thông báo 5 nội dung lớn đạt được trong hội đàm.
Thứ nhất, hai bên nhất trí tăng cường tin cậy chính trị, tăng cường hợp tác thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là kinh tế.
Thứ hai, tiếp tục hợp tác khắc phục hậu quả của Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục các hoạt động hợp tác giữa hai nước. Hai bên thỏa thuận về việc áp dụng quy chế đi lại ưu tiên, nhất trí sớm khôi phục đường bay thương mại, thúc đẩy mở cửa thị trường đối với nhãn tươi của Việt Nam và quýt của Nhật.
Thứ ba, hai bên khẳng định tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, nông nghiệp... “Tôi khẳng định với Thủ tướng Suga rằng VN sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, nguồn nhân lực, môi trường chính sách để chung tay hợp tác cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết.
Thứ tư, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương. Thứ năm, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 trong các hoạt động trên biển; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Việt Nam - Nhật Bản tăng cường hợp tác đi vào chiều sâu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Suga Yoshihide đã có buổi hội đàm với kết quả đạt nhiều thỏa thuận quan trọng

Ảnh: Ngọc Thắng

Nơi để gửi thông điệp lần đầu tiên ra thế giới

Lý giải về việc chọn điểm đến Việt Nam, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết: “Là một quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực. Tôi chọn Việt Nam, vì Việt Nam là nơi thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”. Buổi hội đàm được Thủ tướng Suga đánh giá là “rất hữu ích và hiệu quả” và ông Suga cũng giới thiệu với báo giới 5 thành quả chính của hội đàm.

Ủng hộ lập trường của Việt Nam ở Biển Đông

 
Ngày 19.10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đang ở thăm chính thức Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng về quan hệ hai nước trong thời gian qua đã có những bước tiến mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả với sự tin cậy chính trị cao trên tất cả các lĩnh vực theo tinh thần của “Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản”.
Thủ tướng Suga Yoshihide bày tỏ khâm phục việc Việt Nam đã khống chế thành công đại dịch Covid-19; khẳng định Nhật Bản coi trọng vị trí của Việt Nam trong khu vực, luôn ủng hộ sự phát triển của Việt Nam; khẳng định chính quyền mới của Nhật Bản kế thừa, phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước xây dựng.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao lập trường của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông, trong đó có việc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Thủ tướng Suga Yoshihide đánh giá cao hoạt động tích cực, hiệu quả và trách nhiệm của Việt Nam trên vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Chủ tịch ASEAN 2020; khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; bày tỏ ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
TTXVN
Thứ nhất, Nhật Bản quyết định cung cấp vật tư hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam khắc phục thiệt hại do mưa lũ ở miền Trung.
Thứ hai, Nhật Bản và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về việc bắt đầu quy chế đi lại ngắn ngày và khởi động lại đường bay quốc tế 2 chiều.
Thứ ba là hợp tác để giải quyết các vấn đề khu vực, hai bên nhất trí sẽ thắt chặt hợp tác trên các vấn đề, bao gồm cả Biển Đông và CHDCND Triều Tiên.
Thứ tư “hai bên đã cơ bản đạt được thỏa thuận chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng, là một bước tiến lớn trong hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước; tôi tin chắc rằng hợp tác quốc phòng giữa hai nước sẽ tiếp tục được thúc đẩy”, theo Thủ tướng Suga.
Thứ năm là hợp tác trong lĩnh vực kinh tế cũng có bước phát triển với việc ký kết 12 văn kiện trên các lĩnh vực kỹ thuật số, môi trường, năng lượng, cơ sở hạ tầng.
Nhật Bản chuyển giao công nghệ quốc phòng nào phụ thuộc vào nhu cầu của Việt Nam.

Chuyển giao công nghệ quốc phòng cho Việt Nam

Chiều 19.10, sau khi hai Thủ tướng kết thúc hội đàm, ông Yoshida Tomoyuki, Thư ký báo chí của Thủ tướng Suga Yoshihide cũng đã gặp gỡ báo chí trong nước và các hãng tin nước ngoài tại Việt Nam. Theo ông Yoshida, hai Thủ tướng bắt đầu hội đàm vào lúc 8 giờ 45 ngày 19.10, cuộc hội đàm khoảng 75 - 80 phút, dài hơn kế hoạch.
Rất nhiều các câu hỏi trong buổi gặp gỡ tập trung vào thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng của Nhật Bản cho Việt Nam, mà theo thông báo ban đầu của ông Yoshida là lãnh đạo hai nước đã đạt được đồng thuận trên hầu hết các vấn đề quan trọng.
Trả lời cụ thể hơn các câu hỏi như liệu báo chí có thể gọi đây là thỏa thuận để Nhật Bản bán vũ khí và công nghệ quốc phòng cho Việt Nam, các thiết bị và công nghệ cụ thể nào sẽ được chuyển giao, thời điểm chuyển giao dự kiến…, ông Yoshida cho biết: Nhật Bản muốn đảm bảo các thiết bị và công nghệ quốc phòng sẽ được sử dụng để đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực, không chuyển giao cho bên thứ 3 mà không có sự đồng ý của Nhật Bản… Hai nước đang đàm phán để khẳng định các yêu cầu đó. Hai nhà lãnh đạo đã đạt được đồng thuận ở hầu hết các vấn đề quan trọng của thỏa thuận, nhưng để đi đến ký kết và thực sự chuyển giao, còn cần làm rõ một số chi tiết. Về việc Nhật Bản sẽ chuyển giao cho Việt Nam công nghệ hay thiết bị cụ thể nào phụ thuộc vào nhu cầu của Việt Nam và các đàm phán tiếp theo.
Ông Yoshida cũng cho biết hai Thủ tướng chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình gần đây tại Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi đang diễn ra những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng. Hai thủ tướng chia sẻ quan điểm về vấn đề trên và Thủ tướng Suga khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết thách thức.
“Cả Việt Nam và Nhật Bản đều đối mặt với thách thức an ninh ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, bởi hành động đơn phương của bên thứ 3 nhằm thay đổi hiện trạng, trái với các nguyên tắc về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và thông qua đối thoại. Vì thế, chúng ta cần đoàn kết với nhau để giải quyết thách thức này. Thế giới đang đối mặt với sự thay đổi đáng kể trong môi trường an ninh, dù chưa phải những đe dọa lập tức dẫn tới xung đột, nhưng nếu chúng ta cứ mặc kệ, chúng ta sẽ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng hơn trong tương lai. Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ nhận định về tình hình. Chúng tôi tin rằng Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản trong lĩnh vực này”, ông Yoshida nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.