Việt Nam qua mắt giáo sĩ phương Tây: Đất kinh kỳ

28/03/2016 07:00 GMT+7

Với bút danh Thiện Chân, trên Tạp chí Thanh Nghị, từ số 2 năm 1941 đến số cuối cùng năm 1945, dịch giả Nguyễn Trọng Phấn (1900 - 1996), đã tuyển dịch và giới thiệu những tài liệu về xã hội VN từ thế kỷ XVII do các giáo sĩ phương Tây từng đến VN dưới triều đại vua Lê - chúa Trịnh - chúa Nguyễn ghi chép lại.

Chân dung giáo sĩ Alexandre de Rhodes - Ảnh: T.LChân dung giáo sĩ Alexandre de Rhodes - Ảnh: T.L
Với bút danh Thiện Chân, trên Tạp chí Thanh Nghị, từ số 2 năm 1941 đến số cuối cùng năm 1945, dịch giả Nguyễn Trọng Phấn (1900 - 1996), vốn là cán bộ khoa học của Viện Viễn Đông bác cổ của Pháp tại VN, đã tuyển dịch và giới thiệu những tài liệu về xã hội VN từ thế kỷ XVII do các giáo sĩ phương Tây từng đến VN dưới triều đại vua Lê - chúa Trịnh - chúa Nguyễn ghi chép lại. Các tài liệu này vừa được tập hợp trong cuốn sách Xã hội VN từ thế kỷ XVII (NXB Tổng hợp TP.HCM). Thanh Niên xin trích giới thiệu với độc giả.
Điều làm cho vua xứ Bắc có thế lực khiến các vua lân cận khiếp sợ, là số dân đông vô kể ở bảy trấn dưới quyền vua cai trị, cứ xem số người thường ở Kẻ Chợ là nơi vua lập triều đình thì đủ biết.
Đi ngả nào cũng thấy vướng
Tuy rằng kinh kỳ dài hơn sáu nghìn bộ (1 bộ = 2,125 m, 6.000 bộ = 12,75 km - PV) ngang cũng chừng bấy nhiêu, phố xá rộng rãi, mười hay mười hai cỗ ngựa có thể ung dung đi ngang nhau được, thế mà mỗi tháng hai kỳ - vào rằm, mùng một là ngày dân nghỉ lễ - ta thấy trong tỉnh đông người qua lại khắp mọi phố đến nỗi đi ngả nào cũng thấy vướng. Thành thử người nào cũng bị xô đẩy, bị cản, bắt buộc mất nhiều thì giờ mà chả đi được mấy bước đường.
Do đấy và căn cứ vào vài điều phỏng đoán khác, người ta thường ước dân số kinh kỳ được một triệu người.
Người Bắc có tục ăn trầu là thứ có lợi cho sức khỏe và có vị ngon, bao giờ họ cũng giắt vào thắt lưng một giỏ con hay một bao đầy trầu cau, ra đường gặp bạn bè thì mở ra, rồi sau khi đã chào nhau rất lễ phép, mọi người nhận lấy một miếng trầu têm sẵn của người kia mà ăn. Vì thế trong tỉnh kẻ nào hơi khá giả thì sai đầy tớ sửa sắm thứ quà nhỏ ấy, đem biếu lẫn nhau để tỏ tình thân mật; còn thường dân không có kẻ hầu têm sẵn ở nhà thì đã có tới năm vạn hàng bán trầu lẻ rải rác khắp kinh thành.
Bìa sách Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII
Nhìn áo lính biết lòng trung thành
Tôi không thấy có gì đáng khen và lạ bằng sự quân lính xứ Bắc đông như thế, đặt dưới quyền lắm tướng như thế, hay hội họp canh gác, xếp hàng ngũ hoặc ở điện nhà vua hoặc ở vùng thôn quê luôn như thế, mà cả giữa những bữa khao nhà vua và các tướng ban cho họ vui cũng không bao giờ ai thấy họ cãi nhau, nói khích nhau, chửi bới khinh miệt nhau mà cũng không bao giờ ai nghe thấy nói đến sự họ đâm chém nhau.
...Tuy ta có thể cho sự điềm đạm ấy là do ở bản tính họ vốn lành, nhưng cũng phải nhận là một phần lớn do ở sự họ tôn kính và sùng bái vua và tướng. Họ gọi vua là thiên tử và sùng bái vua như một đấng thiêng liêng tự trên trời xuống để cai trị họ. Sự sùng bái ấy là căn bản cái tục họ theo hằng năm như sau đây.
Vào quãng tháng sáu nguyệt lịch - thường thường vào tháng tám của ta - vua ban một đạo dụ truyền cho quân tướng đúng ngày đến tuyên thệ tỏ lòng trung thành với vua... Ở các ngả đường chính trong kinh thành người ta thiết lập những hương án bày biện trang hoàng vẫn để thờ thần: Ở chính giữa hương án, đã biên nhời thề bằng chữ to, họ đứng dưới chân hương án cũng nom rõ; hứa sẽ trung với vua và nếu sai lời thì phải trăm nghìn thứ tai nạn... Muốn tránh sự hỗn độn vì lính đến thề rất nhiều và lễ tuyên thệ nội trong một ngày xong, người ta đặt rất nhiều hương án, mỗi hương án dành riêng cho mấy tướng và mấy đội lính, có một quan văn được cử ra thay vua để làm chủ lễ và để sau khi đã tuyên thệ rồi thì phát cho mỗi tên lính một mảnh giấy chứng nhận rằng họ đã thề và đã được nhận vào làm lính nhà vua.
Ai nói tiếng to, rõ ràng, quả quyết thì được chữ minh nghĩa là rõ. Ai nói nhỏ, giọng đục phải chữ bất minh nghĩa không rõ. Còn lại nói giọng vừa phải thì được chữ thuận nghĩa là thường. Những mảnh giấy ấy không phải là vô giá đâu: vì mỗi người lính, đợi lễ tất, đem giấy về cho chủ tướng (ông này thề xong là về ngay) thì được chủ tướng phát cho một chiếc áo vua ban. Ai có chữ minh thì được hạng áo tốt và dài; ai có chữ thuận thì được áo ngắn hơn bằng vải thường; ai phải chữ bất minh thì áo vải xấu và ngắn nữa. Thành ra suốt một năm, người ta trông áo mà biết được người lính nào trung nghĩa, tận tâm và được yêu quý trong hàng ngũ của nhà vua.
Nhà truyền giáo dòng Tên người Pháp Alexandre de Rhodes (1591 - 1660) tới Trung kỳ năm 1624. Tháng 3.1627 ông được cử ra lập giáo đoàn tại Bắc kỳ; tháng 5.1630 thì bị chúa Trịnh Tráng đuổi ra khỏi xứ Bắc. Alexandre de Rhodes quay về Trung kỳ rồi sang Áo Môn (Ma Cao - Trung Quốc), đầu tháng 2.1639 lại trở về Trung kỳ. Nhưng mấy năm sau chúa Nguyễn Phúc Lan cấm đạo thì Alexandre de Rhodes bị bắt và bị kết án tử hình, nhưng không bị chém mà chỉ bị trục xuất ra khỏi xứ (tháng 7.1645). Vào năm 1651, ông cho in cuốn Từ điển Việt - Bồ - La dựa trên các ký tự tiếng Việt của những giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý trước đó. Có thể coi đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.