Việt Nam thử nghiệm thuốc điều trị bệnh nhiễm nCoV

11/02/2020 07:26 GMT+7

Các chuyên gia đang nghiên cứu, thử nghiệm hiệu quả và tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị bệnh nhiễm nCoV dựa trên phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Sáng 10.2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) đã họp triển khai công tác phòng chống dịch do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo, chủ trì.
Trong cuộc họp này, TS Lê Quang Hòa, đại diện nhóm nghiên cứu thử nhanh để phát hiện nhiễm nCoV của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đã trình bày kết quả nghiên cứu.
Đại diện Bộ Y tế cho biết ngoài nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, một số đơn vị khoa học trong nước cũng đã nghiên cứu sản xuất kit thử nhằm đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm phát hiện người bị nhiễm nCoV và đã đạt được một số kết quả.

Sẽ thử nghiệm kit “phát hiện nhanh” trên mẫu bệnh phẩm

Kết luận cuộc họp, Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư phối hợp với các nhóm nghiên cứu và các đơn vị liên quan đánh giá về mặt hiệu quả, an toàn sinh học… để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, triển khai sản xuất kit thử xét nghiệm nCoV. Chiều 10.2, nhóm nghiên cứu của TS Lê Quang Hòa đã làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư về các thủ tục để được nghiên cứu trên mẫu bệnh phẩm.
Cũng trong hôm qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra công tác phòng chống dịch nCoV tại Vĩnh Phúc - địa phương có 9 trường hợp dương tính với nCoV và 54 trường hợp nghi ngờ được cách ly và giám sát, 249 trường hợp có liên quan tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính được theo dõi… Trước tình hình này, tỉnh Vĩnh Phúc cũng trưng dụng Trường Quân sự tỉnh làm khu giám sát tập trung những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, có sức chứa 500 người.

Việt Nam có thêm 3 người khỏi virus nCoV | Bản tin về virus corona ngày 10.2.2020

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương này đang lập bệnh viện dã chiến với khoảng 300 giường để phòng chống dịch. Bệnh viện dã chiến tận dụng hạ tầng của Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phúc, với khuôn viên rộng, giao thông thuận lợi, cách xa khu dân cư. Trong ngày 10.2, khu vực này đã được vệ sinh để lắp đặt giường bệnh và thiết bị kỹ thuật, sẵn sàng điều trị 300 bệnh nhân. Tại Vĩnh Phúc, đến ngày 10.2 đã cách ly thêm 70 trường hợp, đều là người dân tại huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), đã tiếp xúc gần các bệnh nhân dương tính với nCoV.
Cùng ngày, Bộ KH-CN cho biết Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã ký quyết định giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trung tâm cảnh giác dược và một số đơn vị thực hiện đề tài độc lập cấp nhà nước “đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus Corona mới (nCoV)”.
Đây là 2 loại thuốc từng được sử dụng trong điều trị và phòng ngừa nhiễm HIV/AIDS. Nhằm xây dựng phác đồ điều trị nCoV, các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu sẽ thử nghiệm trong 4 tuần hoặc trên 10 người bệnh. Từ đó sẽ báo cáo đánh giá hiệu quả đáp ứng lâm sàng, cận lâm sàng, virus học, tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm nCoV được điều trị theo phác đồ nền của Bộ Y tế. Mục tiêu của nghiên cứu là trong vòng 12 tháng sẽ làm rõ hiệu quả và tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm nCoV dựa trên phác đồ điều trị của Bộ Y tế; đồng thời đề xuất phác đồ sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm nCoV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.