Lo sẽ như BOT Cai Lậy, Thái Nguyên chủ động đề nghị bỏ trạm thu phí Bờ Đậu

04/12/2017 10:15 GMT+7

Dù chưa thu phí, nhưng trạm BOT Bờ Đậu đã và đang gây ra một số nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn, nên UBND tỉnh Thái Nguyên đã chủ động đề nghị Bộ Giao thông vận tải dỡ bỏ trạm thu phí này.

Trao đổi với Thanh Niên sáng nay (4.12), ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, cho biết vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị xem xét giải quyết điều chỉnh hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư, dỡ bỏ Trạm thu phí BOT Bờ Đậu (Km77+922,5 quốc lộ 3); cho phép nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đặt trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đường Thái Nguyên - Chợ Mới.
Hoặc có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ ngân sách T.Ư cho nhà đầu tư phần doanh thu bị giảm do xóa bỏ trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ trên quốc lộ 3 cũ; kéo dài thời gian thu giá, tạo điều kiện hoàn vốn, tránh nguy cơ phá sản cho nhà đầu tư và tránh bức xúc trong nhân dân.
''Việc di dời trạm thu phí là thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ, chúng tôi chỉ căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương và đề xuất mà thôi. Dự kiến Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh sẽ có cuộc làm việc, lúc đó mới thống nhất được phương án'', ông Vũ Hồng Bắc nói.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng quốc lộ 3 đoạn Km 75 - Km 100 do Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) thực hiện theo phương thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 2700 tỉ đồng. Dự án này đặt 2 trạm thu phí cách nhau khoảng 1 km.
Một trạm đặt trên đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới và trạm Bờ Đậu đặt trên quốc lộ 3 cũ. Vị trí đặt trạm Bờ Đậu đã khiến các chủ phương tiện từ huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đi huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) theo quốc lộ 37 dù chỉ đi qua trạm BOT 2 km vẫn mất phí toàn tuyến. Do đó, dự án đã được thông xe kỹ thuật vào tháng 3 nhưng đến nay vẫn chưa thể thu phí bởi người dân đã nhiều lần tuần hành phản đối.

tin liên quan

Phải di dời Trạm BOT Cai Lậy
Theo các chuyên gia, để tháo 'ngòi nổ' BOT Cai Lậy, không để vấn đề kinh tế phát sinh thành bất ổn xã hội, cần đối thoại và di dời Trạm BOT Cai Lậy.
Trong khi đó, nhà đầu tư dự án đã nhiều lần có đơn gửi Thủ tướng đề nghị xem xét chỉ đạo có giải pháp thực hiện thu phí tuyến đường bởi dự án làm xong không có doanh thu nhưng phải trả lãi vay ngân hàng mỗi tháng hàng chục tỉ đồng.
Đáng chú ý, kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 8 cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) có nhiều sai phạm. Cụ thể, quy hoạch phát triển giao thông được phê duyệt thì tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) có chiều dài 28 km nhưng quyết định đầu tư đã phê duyệt quy mô đầu tư lên tới 40,7 km. Dự án khi phê duyệt đã lồng ghép việc làm đường cao tốc mới với việc cải tạo nâng cấp mở rộng từ Km 93 - Km 100 quốc lộ 3 cũ.
“Theo quy định về quản lý hệ thống giao thông thì việc cải tạo nâng cấp đoạn tuyến quốc lộ 3 phải thực hiện bằng nguồn quỹ bảo trì đường bộ, nhưng Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt ghép vào dự án BOT là không đúng quy định hiện hành”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, việc quyết định đầu tư ghép việc cải tạo, nâng cấp 7 km quốc lộ 3 với đầu tư xây dựng mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới và sẽ đặt thu phí ở 2 nơi là không hợp lý. Khi dự án đi vào khai thác, việc thu tăng mức phí đối với người sử dụng dịch vụ trên đoạn tuyến quốc lộ 3 để bù đắp vốn đầu tư đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới, trong khi họ không sử dụng dịch vụ trên tuyến đường này là sai nguyên tắc xác định giá, phí hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu theo quy định tại khoản 1 điều 33 Nghị định 108/2009/NĐ-CP. Theo Thanh tra Chính phủ, dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới có thời gian thu phí là 16 năm 1 tháng.
Mặc dù chỉ ra nhiều sai phạm lẫn bất hợp lý nhưng kết luận thanh tra không nêu hướng xử lý hay giải pháp cụ thể nào đối với Trạm thu phí BOT Bờ Đậu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.