Sẽ hay hơn nếu không phải là “tìm kiếm tài năng”
Những ai theo dõi Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s Got Talent có lẽ đã không còn lạ với cách chọn tài năng của chương trình. Theo đó, đích nhắm đến dường như bao giờ cũng thể hiện tính nhân văn hơn là nghệ thuật. Và sự thật là, ngoài tính giải trí, chương trình còn hướng đến việc khích lệ những người VN bình thường có nỗ lực, nhiệt huyết và tài năng (dù chỉ một chút) có thể tự tin thể hiện bản thân. Sau gần 2 kỳ phát sóng, có thể thấy ý nghĩa thứ 2 của chương trình đã trở thành chủ đạo.
|
Bởi xem Vietnam’s Got Talent, người ta thấy ở đó sự xúc động, chia sẻ, đồng cảm, thương cảm, cảm phục… nhiều hơn là hài hước hay thán phục trước những tài năng. Nói cách khác, những “tài năng” theo hướng vượt qua khiếm khuyết bản thân, vượt lên chính mình đã luôn được ủng hộ và vì thế ấn tượng để lại với khán giả sâu đậm hơn so với các “tài năng” còn lại. Nếu mùa đầu tiên có Phương Anh với hình ảnh trong trẻo và hồn nhiên khi hát trên chiếc xe lăn, thì hiện nay người xem cũng rưng rưng với những nỗi niềm và đam mê của Dương Quyết Thắng - chàng trai không tay đánh đàn bài Đứa bé. Ngoài việc gây xúc động mạnh, tiết mục này cũng nhận được số bình chọn cao nhất từ khán giả và thẳng tiến vào chung kết.
Không chỉ vậy, trong đêm công bố kết quả top 3, Quyết Thắng cũng nhận được thêm tin vui, khi chính sự can đảm bước lên sân khấu Vietnam’s Got Talent mà một bệnh viện ở Đà Nẵng đã đề nghị giúp Thắng gắn đôi tay giả trong khuôn khổ dự án Phục hồi chức năng của người khuyết tật - dự án nước ngoài đã có mặt trên 20 quốc gia. Vậy nên, nếu chương trình không phải là Tìm kiếm tài năng, mà là “khơi dậy đam mê” hay gì đó… với ý nghĩa tương tự, có lẽ nó sẽ thành công hơn cả mong đợi.
|
Có nên tìm kiếm liên tục ?
Ra mắt mùa đầu tiên vào năm 2007 nhưng đến mùa thứ 3, Britain’s Got Talent mới tìm được tài năng như Susan Boyle, dù cô chỉ giành ngôi vị Á quân. Thế nên người xem VN có lẽ cũng không hy vọng nhiều với chương trình này, bởi cùng Vietnam’s Got Talent, gần chục chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng chuyên môn khác đã và đang diễn ra, liên tục (và thực tế cho thấy các chương trình này cũng ngày càng đuối sức vì tài năng đâu mà cung cấp cho kịp).
Đáng nói, các tài năng về nhảy múa, ca hát đã đổ dồn sang những cuộc thi chuyên về từng lĩnh vực, vậy nên xem những tiết mục trên sân khấu của Vietnam’s Got Talent chỉ giống như thưởng thức một chương trình tạp kỹ. Song, như đã nói, do hướng đến giá trị khai phá và khuyến khích tiềm năng trong những con người bình thường nhất, nên điều đọng lại ở sân chơi này là câu chuyện của các thí sinh chứ không phải tài năng của họ. Dù qua những nhận xét của giám khảo, các thí sinh rất tuyệt vời, xuất sắc, nhưng thật sự những khen ngợi ấy chỉ “vừa vặn” với một cuộc vượt qua chính mình, chứ chưa thể thành hiện tượng.
Vì vậy, với Vietnam’s Got Talent, người ta vẫn thích thú theo dõi, vì đang hào hứng xem hàng xóm mình, anh bán kẹo kéo trong khu phố mình, anh nông dân ở thôn, xã mình… lên tivi biểu diễn như thế nào; rồi ủng hộ vì tình làng nghĩa xóm. Nhưng nếu năm nào cũng chỉ bấy nhiêu câu chuyện vốn không còn lạ với công chúng nữa, hẳn những người làm chương trình cũng cần cân nhắc lại.
Thi Vietnam’s Got Talent, bán kẹo kéo đắt hơn Ngoài Quyết Thắng, một trường hợp khác cũng ý nghĩa và thú vị không kém, là sau những lần xuất hiện trên sân khấu Vietnam’s Got Talent, chàng trai bán kẹo kéo mê những điệu nhảy Michael Jackson Trần Trọng Tân không không chỉ được khán giả biết đến và yêu thương hơn (dù đã chia tay sau bán kết 3), mà còn giúp anh tăng thu nhập với nghề của mình. |
Nguyên Vân
>> Hai thí sinh đầu tiên vào chung kết Vietnam’s Got Talent
>> Vietnam’s Got Talent: Khi các cụ già nhảy hip hop
>> Vietnam’s Got Talent": Nhiều tiết mục mở màn ấn tượng
>> Vietnam’s Got Talent 2: Hồi hộp chờ đón tập đầu tiên phát sóng
>> Vietnam’s Got Talent: Xuất hiện nhiều bộ môn mới lạ, ấn tượng
>> Giám khảo "Vietnam’s Got Talent" bị thử thách lòng can đảm
>> Thanh Bạch hào hứng gặp gỡ thí sinh "Vietnam’s Got Talent
Bình luận (0)