Vĩnh biệt nhạc sĩ Tố Hải - người đã đi cùng 'sông Đắk Krông…'

04/07/2022 17:56 GMT+7

Sinh ra ở Bình Thuận , hơn 40 năm sống ở Nha Trang nhưng tên tuổi của nhạc sĩ Tố Hải lại gắn với tên một dòng sông tận… Quảng Trị dù ca khúc Sông Đắk Krông mùa xuân về của ông lại bắt đầu từ vùng rừng Quảng Nam. Ông vừa ra đi sáng ngày 7.4 ở tuổi 85 tại Nha Trang, sau một thời gian lâm bệnh nặng.

Cho đến tận năm 80 tuổi, đều đặn mỗi sáng, nhạc sĩ Tố Hải ghé lại quán cà phê cóc cạnh Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa trên đường Yersin, Nha Trang để tán gẫu với anh em văn nghệ. Trong “câu chuyện kháng chiến” muôn thuở của những người từng đi qua chiến tranh, bao giờ Sông Đắk Krông mùa xuân về luôn chiếm một chỗ. Cũng đúng thôi, trong cơn lốc của đoàn quân giải phóng tiến về các đô thị miền Nam mùa xuân năm 1975, luôn luôn có giai điệu của “Sông Đắk Krông…” đi cùng. “Cái suối đổ về sông/ cái sông ra biển lớn/ Ta nối tấm lòng dân/ bằng tình yêu cách mạng…”. Lời ca ấy, giai điệu ấy từng tiếp lửa cho những sư đoàn, binh đoàn trong những ngày đầu xuân năm 1975 rầm rập tiến về Sài Gòn.

Nhạc sĩ Tố Hải

trần đăng

Nhưng ca khúc nổi tiếng ấy đã phải lận đận đến 7 năm ròng rã (1968-1975), đã cùng người nhạc sĩ lội qua những cánh rừng bom xăng làm rụi cháy và trắng xóa hóa chất của thuốc khai quang mà Mỹ đã trút xuống Trường Sơn. Trong một lần trò chuyện với nhạc sĩ Tố Hải, tôi có hỏi ông là tại sao bài hát lại mang tên “Sông Đắk Rông mùa xuân về”, vì dòng sông ấy tận ngoài Quảng Trị mà những giai điệu đầu tiên của ca khúc lại khởi phát từ đất Quảng Nam? Ông vỗ vai tôi, cười vang: “Lại cái câu hỏi ấy! Không biết bao lần tôi phải giải thích với các nhà báo”.

Rồi ông kể: “Năm Mậu Thân 1968, tôi nghe cấp trên nói rằng sắp về Đà Nẵng rồi, anh em chuẩn bị tinh thần mà tiếp quản. Tám năm nằm rừng, luôn đối mặt với đói khát và đạn bom, nghe nói thế, trong tôi như vỡ òa. Một giai điệu reo vui thức dậy: “Chim kơ-tia bay tới/nghiêng cánh chào Đắk Krông…”. Tiếng của đồng bào Tây nguyên, “đăk” có nghĩa là “nước”, “krông” có nghĩa là “lớn”. Cách mạng ở thế “triều dâng” rồi, lớn mạnh rồi. Nhưng chim kơ tia vừa mới nghiêng cánh chưa kịp chào sự lớn mạnh “triều dâng” ấy thì chúng tôi bị địch dồn ép tưởng chừng như không qua được sau Mậu Thân. Bài hát đành dang dở, tôi xếp vào đáy ba lô rồi vượt Trường Sơn ra Bắc cùng đứa con trai 2 tuổi. Cho đến năm 1975, trận Ban Mê Thuột mở màn như đánh thức giai điệu từ 7 năm trước. Tôi đã tự giam mình suốt một buổi chiều để hoàn thành bài hát “Sông Đắk Krông mùa xuân về” rồi mang thẳng đến Đài tiếng nói Việt Nam. Ca sỹ Kiều Hưng-giọng ca vàng dạo đó như chắp thêm cho ca khúc của tôi bay theo kịp bước chân của đoàn quân giải phóng”.

Sinh năm 1937 tại Bình Thuận, Tố Hải đi theo cách mạng từ rất sớm. Năm 13 tuổi, ông đã giữ một chân liên lạc, năm 16 tuổi ông gia nhập quân đội cho đến ngày tập kết ra Bắc 1954. Nhưng năm 1960, ông đã có mặt tại một cánh rừng thuộc huyện Trà My phía tây Quảng Nam, là thành viên của Đoàn văn công giải phóng Khu 5. Nói thế để thấy rằng, Tố Hải hoàn toàn không được đào tạo chính quy cho mãi đến năm 1970, ông mới ra Bắc để theo học trường âm nhạc một cách bài bản. Tuy nhiên, năng khiếu bẩm sinh đã đưa tên tuổi của Tố Hải nổi tiếng khắp miền Nam từ rất sơm với ca khúc Lời ca không tắt viết về nữ anh hùng Trần Thị Vân (Gò Nổi-Điện Bàn-Quảng Nam). Bài hát này đã nhận được giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam năm 1965.

Sông Đắk Krông mùa xuân vềLời ca không tắt là những ca khúc đã đưa Tố Hải đến với Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012.

Bây giờ thì Tố Hải đã cùng dòng sông mà ông từng lội qua suốt tuổi thanh xuân với khát vọng thống nhất đất nước, đang nhập vào biển cả của nhân dân mình. Xin vĩnh biệt ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.