Sau một thời gian để các đối tác bên ngoài khu vực như Nhật Bản và Trung Quốc “tung hoành” tại Myanmar, các nước ASEAN đã tăng tốc tận dụng cơ hội từ Cộng đồng kinh tế chung để giành cơ hội tại thị trường đầy tiềm năng này, được dự đoán sẽ thu hút 100 tỉ USD vốn FDI trước thời điểm 2030. Theo thống kê, hiện còn hơn 100 dự án FDI ở Myanmar đang chờ được cấp phép và các nhà đầu tư ASEAN, trong đó có VN, sẵn sàng “xuống tiền” ngay khi có được cái gật đầu của chính phủ sở tại.
VN đón đầu viễn thông, tài chính
|
1,5 tỉ USD, con số lớn nhất mà tập đoàn này từng rót cho một dự án tại nước ngoài. Là nhà mạng di động thứ tư tại đây và cũng là đơn vị giành suất giấy phép cuối cùng trong lĩnh vực này, Viettel cho biết sẽ phủ sóng khắp Myanmar trong vòng 3 năm tới. Trước Viettel, VNPT hồi năm 2014 đã đặt văn phòng đại diện đầu tiên tại Yangon với những dự án cung cấp dịch vụ cho Bộ Quốc phòng, xây dựng và phát triển mạng cũng như dịch vụ vệ tinh cho các doanh nghiệp viễn thông địa phương. FPT, một tên tuổi lớn khác của ngành công nghệ Việt, vào năm ngoái đã được cấp giấy phép với hiệu lực 15 năm để tham gia thị trường màu mỡ này.
Về tài chính, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) vào tháng 3 chính thức mở chi nhánh tại Myanmar sau 6 năm tìm hiểu. Kiêm vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt ở Myanmar, BIDV góp phần quan trọng trong việc tăng tổng giá trị đầu tư của VN tại Myanmar lên 28 lần trong giai đoạn 2010 - 2015, đưa VN vào top 10 các nhà đầu tư hàng đầu tại nước này.
Mới đây, Giám đốc Phòng Thương mại châu Âu tại Myanmar (EuroCham Myanmar) Filip Lauwerysen đã mô tả VN như một tấm gương cho nước này cũng như là đối thủ của EU về đầu tư. “VN là một ví dụ hết sức thú vị. Mười hai năm trước, tôi thấy một TP.HCM chỉ ở ngang tầm Yangon hiện nay và tôi thật sự bất ngờ khi nhìn lại sau 12 năm với cách họ vận dụng thành công nguồn vốn nước ngoài để xây dựng và phát triển. Để rồi giờ đây, người Việt đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn trong khu vực và là đối thủ cạnh tranh với các nước châu Âu chúng tôi”, tờ Frontier Myanmar dẫn lời ông Lauwerysen nói.
“Tiểu Singapore” tại Yangon
Trong khi đó, sau một thời gian “mật phục”, Singapore nay đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Myanmar với tổng vốn đầu tư đạt 9,4 tỉ USD trong năm 2015. Vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế Yangon là có thể thấy ngay một tiệm Yakun, thương hiệu trà sữa và cà phê nổi tiếng của Singapore. Tại trung tâm thành phố lớn nhất Myanmar là hàng loạt những thương hiệu tên tuổi của đảo quốc sư tử Singapore từ thời trang như Charles & Keith, Iora... đến nhà hàng.
Keppel Land, một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Singapore, cũng nhanh chóng đặt dấu ấn với các khách sạn 5 sao tại Yangon và Mandalay còn thắp sáng đường phố, sân vận động, khách sạn và thậm chí tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Nay Pyi Taw là bóng đèn Krislite. Tầm phủ sóng của người Sing mạnh đến mức Đại sứ Singapore tại Myanmar Robert Chua từng tuyên bố một “Tiểu Singapore” đang hình thành ngay giữa Yangon, theo tờ The Business Times.
Thái Lan lại lựa chọn xâm nhập Myanmar bằng hàng tiêu dùng và năng lượng. Rất dễ bắt gặp các sản phẩm Thái tại các siêu thị, cửa hàng ở Yangon, từ bánh kẹo, dầu gội đến cái thau rửa chén và cả dép lào. Là láng giềng sát ngách nhau, hàng gia dụng Thái đã bén rễ và tạo được thị trường vững chắc tại Myanmar. Bên cạnh đó, các tập đoàn năng lượng Thái Lan đã bắt đầu rót những khoản vốn khổng lồ sang người hàng xóm. Mới nhất phải kể đến thương vụ được đồn đoán lên đến 1,3 tỉ USD của Tập đoàn PTT để mua lại 28,3% cổ phần trong khu mỏ Yadana từ Chevron, đại gia dầu khí Mỹ.
Bình luận (0)