Việt Nam đã là ‘công xưởng lớn của thế giới’

Chí Hiếu
Chí Hiếu
05/12/2018 06:50 GMT+7

Hôm qua 4.12, Diễn đàn doanh nghiệp VN thường niên (VBF) 2018 chủ đề “Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu” đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đối tác xứng tầm
Nhấn mạnh đây là kênh đối thoại chính sách quan trọng giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN), Thủ tướng cho biết ông “lắng nghe không sót ý kiến nào” đồng thời nhắc nhở lãnh đạo các bộ ngành, địa phương rằng các vấn đề mà DN phản ánh “phải được đưa lên trang đầu trong sổ tay của người điều hành”.
Bình luận về chủ đề của diễn đàn, Thủ tướng cho rằng cần xem đây như là sự dịch chuyển tự nhiên của những dòng hải lưu. “Có những dòng hải lưu lạnh và cũng có những dòng hải lưu nóng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những dòng “hải lưu thương mại” để đẩy con thuyền của chúng ta đi nhanh hơn đến đích”, Thủ tướng chia sẻ.
Nhận định thương mại thế giới đang đứng trước nhiều thử thách lớn, song người đứng đầu Chính phủ khẳng định với sự lạc quan của những người ủng hộ toàn cầu hóa, đề cao lợi ích của thương mại tự do thì luôn tìm thấy các cơ hội hợp tác rộng mở với dòng chảy chính là hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa.
“VN giờ đã là một “công xưởng lớn” của thế giới và là một điểm tựa cho nhiều tập đoàn đa quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh tại khu vực và trên toàn cầu”, Thủ tướng khẳng định đồng thời dẫn chứng về sự có mặt của hàng loạt cái tên hàng đầu thế giới đang sản xuất tại VN như Samsung, Intel, Canon, Toyota, Honda, Nike… “Đó là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của VN”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Chính phủ, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn tư nhân trong nước cũng cho thấy môi trường kinh doanh của VN hoàn toàn có thể ươm mầm nên những DN lớn, có tầm cỡ và khả năng cạnh tranh, là đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế.
Một minh chứng khác, theo Thủ tướng, là việc ngày càng nhiều sản phẩm của VN xuất hiện trên bản đồ xuất khẩu của thế giới, trong đó nhiều mặt hàng giữ vị trí top đầu như gạo, hồ tiêu, cà phê và hiện có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 1 tỉ USD/năm với tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng là rất lớn. Song Thủ tướng cũng lưu ý rằng, “mỏ vàng nông nghiệp” đầy tiềm năng vẫn chưa được khai thác hết và đang chờ các đối tác ngoại cùng hợp tác.
Cùng chia sẻ vấn đề này, đại diện Hiệp hội DN Mỹ tại VN (AmCham) cho rằng ngay bây giờ đã nhìn thấy được những cơ hội to lớn ở VN trong các lĩnh vực kinh doanh trong và ngoài nước khi tận dụng sự căng thẳng trong thương mại giữa Mỹ - Trung. Theo AmCham, căng thẳng này đã làm nổi bật rủi ro của các cơ sở sản xuất tập trung ở một quốc gia đơn lẻ và DN đang kích hoạt việc tái tổ chức chuỗi cung ứng.
Cải cách thực chất
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để VN có thể tiếp tục tận dụng tốt cơ hội này? Đại diện AmCham cho rằng không có lý do gì mà các nhà đầu tư rời khỏi VN nếu các thủ tục hành chính phi hiệu quả được kiểm soát. Cùng với đó là khung pháp lý và chính sách thuế được ổn định và có thể dự đoán được.
Còn các DN Nhật tại VN thì nhấn mạnh Chính phủ cần chú trọng yếu tố xây dựng chuỗi giá trị công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực chế tạo của VN. Theo các nhà đầu tư Nhật, hiện VN có 50 DN lắp ráp ô tô, 45 công ty sản xuất khung gầm, thân xe cùng trên 210 DN sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô “là một con số quá thấp nếu so với con số 2.500 DN sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô tại Thái Lan”.
Phản hồi giới DN, Thủ tướng cho biết Chính phủ ưu tiên tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm. Một là, quyết tâm giữ vững sự ổn định chính trị xã hội và nền tảng kinh tế vĩ mô bởi đây “là một lợi thế so sánh nổi trội của VN trong bối cảnh thế giới đầy bất trắc và sự suy giảm nghiêm trọng niềm tin”. Hai là tiếp tục tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ba là, Chính phủ sẽ dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0. Trong đó, cùng với khoa học công nghệ thì giáo dục và đào tạo nhân lực cũng sẽ được đầu tư mạnh mẽ.
Một cuộc khảo sát gần đây của AmCham với các DN Mỹ ở Trung Quốc cho thấy 1/3 đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài, và “VN đang có được lợi ích từ các DN đó” khi một nửa trong số này đang cân nhắc coi Đông Nam Á là lựa chọn đầu tiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.