Vợ chồng đích tôn

03/11/2011 20:20 GMT+7

Cha mẹ mất sớm, anh sống với ông nội là trưởng tộc, được ông lo chuyện hôn nhân. Nhưng rồi ông nội cũng về trời. Anh thuộc diện thừa tự theo lệ “xưa bày nay làm”.

Không dễ làm đích tôn

Chú Ba nói cháu là con trưởng duy nhất của anh chị Hai, đích tôn đấy! Cháu phải trông coi gia sản và làm sao sinh lợi để hương khói cho ông bà. Trống chú Ba đánh xuôi nhưng kèn thím Ba thì thổi ngược. Thím Ba mặt nặng trịch, nói giờ “văn minh” rồi, hổng đích tôn đích teo gì hết, cháu nào cũng là cháu, con tui đâu phải lỗ nẻ chui lên, nó cũng có tổ có tông chớ? Cô Bốn xen vào một câu lãng xẹt: Anh Ba nói có ý đúng mà chị Ba nói cũng không sai.

Chú Năm nói hễ nhận gia tài thì ngày giỗ ngày chạp phải lo mọi bề, chúng tôi không phải đậu tay đậu chân gì cả, phải cúng đàng hoàng chớ không thể đơn sơ mà được. Thím Năm nói hay là phần ai nấy cúng, nhiều ít tùy lòng. Cô Bốn lại nói cậu Năm có lý mà mợ Năm cũng hợp tình.

Dượng Bốn bực mình quát: Bà nói lung tung gì vậy? Ai cũng đúng, ai cũng hợp lý là sao? Rồi dượng hạ giọng nói, tui chỉ là thằng rể thôi, nhưng xin nói thật lòng, ai cũng có gia thất yên ấm rồi, đừng có ý này ý nọ mà tội nghiệp cháu nó. Với lại tài sản ông bà để lại có nhiều nhặn gì đâu? Chỉ là căn nhà cấp 4, miếng vườn nhỏ, mảnh ruộng mấy sào. Tui tán thành ý của anh Ba, giao hết cho cháu nó quản lý, chỉ vẽ cho nó làm ăn, cúng giỗ thì mấy anh em mình hỗ trợ cho vợ chồng nó. Mình là vai chú thím, cô dượng, thương nó không hết, sao nỡ toan tính thiệt hơn?

Tình cảm chân thành của ông rể làm những người so bì phải suy ngẫm. Cuối cùng ai cũng đồng ý với dượng Bốn.

Bỗng cô Bốn mắt đỏ hoe, mếu máo trách chồng: “Tui thương cháu lắm nhưng nói không rành rọt. Ông để về nhà hãy la rầy, sao lại nạt nộ trước “tập thể” làm tui mất mặt?”. Dượng Bốn cười hè hè: “Thì tui xin lỗi bà vậy, nhưng tui khuyên bà đừng có cái kiểu lẫn lộn đúng sai, hư việc hết”.

Ngày giỗ đầu của ông nội, cặp vợ chồng “đích tôn” lo lắm. Anh cặm cụi lên danh sách rồi chạy mời từng người suốt ngày mới xong. Chị a lô cho mấy đứa bạn đến ra món với “tiêu chí” ngon, lạ mà không phải tốn nhiều tiền. Mấy thím mấy cô vừa đóng góp tài chánh vừa tham gia nấu nướng. Vui thật.

Trước bàn thờ khói hương ấm cúng, anh lần đầu vận khăn đóng áo dài cứ lóng nga lóng ngóng. Khi cúi lạy, bàn chân cứ đè vạt áo. Chú Ba phải đứng gần nhắc lời khấn vái cho ông đích tôn khá lơ ngơ chuyện lễ nghi. Mọi người đứng nghiêm tưởng niệm người quá cố. “Phu nhân” đích tôn đứng bên chồng, xúc động nghĩ có ông mới gọi rằng bà, vậy mình cũng là... dâu đích tôn.

Tuy nhỏ mà... lớn

Giỗ chạp trong họ, anh chị đều được ngồi cùng mâm với mấy “ông lớn” hẳn hoi. Có hôm anh đi làm xa, chị đi ăn giỗ cứ phải ngồi mâm trên thì mọi người mới chịu. Chị được ăn, được nói, lại được… gói đem về. Nhưng chị cảm thấy ăn và nói khó quá. Phải ăn làm sao để vừa nữ tính, vừa tự nhiên, không phải ké né. Phải nói làm sao để mấy ông lớn gật đầu, để sắp nhỏ nghe theo là những điều cần phải để tâm.

“Run” nhất là mỗi lần họ hàng có chuyện xích mích, nhà anh chị là địa điểm họp giải quyết. Anh chị phải có ý kiến chí tình, chí lý. Nhiều lần hòa giải thành công, cặp vợ chồng còn khá trẻ này đã khẳng định được “thương hiệu” đích tôn của mình.

“Điệu” nhất là khi dự lễ hỏi, lễ cưới. Dù mức sống chưa khá giả, anh vẫn chững chạc với cà vạt, vét tông. Chị vẫn áo dài hoa duyên dáng. Cả hai như một cặp “đại gia”, được giới thiệu một cách trang trọng với ông bà sui: “vợ chồng cháu nó tuy nhỏ mà lớn lắm”.

Vui nhất là hôm ra mắt bảng “tông đồ” đóng khung và lồng kính trang trọng. Các cụ săm soi từng cái tên nguồn cội ông bà dẫn đến con cháu đề huề chi trên chi dưới rồi trầm trồ khen “vợ chồng bay làm đích tôn giỏi lắm”.

Trần Cao Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.