Vỡ mộng nơi xứ người

18/11/2014 10:01 GMT+7

Những lao động ở Quảng Trị nghe “cò mồi” bỏ nhà, bỏ cửa ra nước ngoài lao động dù không có giấy tờ hợp pháp và không biết ngoại ngữ. Sang đến xứ người, họ vỡ mộng, nhưng đành nhắm mắt đưa chân...

Vỡ mộng nơi xứ người
Chồng đi xuất khẩu lao động rồi biệt vô âm tín, nhiều phụ nữ vùng cao H.Đakrông (Quảng Trị) không biết tính sao - Ảnh: Nguyễn Phúc

Làm thân “trâu ngựa”

Tiếp xúc với nhiều nạn nhân từng đi nước ngoài lao động “chui”, hầu hết họ đều nói với giọng đầy tiếc rẻ: “Biết vậy thà ở VN cuốc cày, nuôi heo nuôi gà còn hơn”. Điều này rất hợp lý vì hầu hết trong số họ, đều không có kết cục tốt đẹp mà thường phải đối diện với rất nhiều mối nguy, như bị chủ giam lỏng không cho ra ngoài, bị vắt kiệt sức, bị đánh đập, bị cắt lương... Không biết tiếng bản địa, không thạo tiếng Anh và cũng chỉ là một nhóm nhỏ trong số đông nhân công, những lao động này làm sao cãi được chủ (?). Chưa hết vì là đi “chui” nên họ luôn bị cơ quan chức năng sở tại truy đuổi gắt gao. Đó là chưa kể trong quá trình làm việc họ bị bệnh tật, tai nạn lao động... tất nhiên sẽ không ai lo.

Là nạn nhân của tay “cò mồi” Phan Văn Quy (38 tuổi, trú KP.1, thị trấn Cửa Việt, H.Gio Linh, kẻ đã bị lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị bắt và khởi tố về tội “Đưa người ra nước ngoài trái phép” tháng 3.2014), anh T.V, xã Gio Hải, H.Gio Linh kể lại rằng chuyến đi Trung Quốc vừa rồi đối với anh là “kỷ niệm” nhớ đời và khiếp đến già. Theo anh T.V, khoảng tháng 3.2014, nghe lời Quy dụ dỗ sang Trung Quốc làm việc với mức lương 8-10 triệu đồng/tháng, anh cùng với 25 người nữa (xã Gio Hải và Trung Giang, H.Gio Linh) lên xe đi với Quy ra Hà Giang. Đến nơi, với sự giúp sức của 2 người tên Trà và Phà (cùng trú Phố Là, H.Đồng Văn, Hà Giang), nhóm người do Quy dẫn đầu đã tổ chức vượt biên. Tuy nhiên, 15 người trong số này đã bị lực lượng tuần tra của Đồn biên phòng Phó Bảng (Hà Giang) phát hiện, đẩy đuổi quay về nước. 11 người còn lại đã chạy lọt qua Trung Quốc, di chuyển tiếp 1 ngày đêm trên xe ô tô để vào làm việc tại công ty Thảo Minh (Quảng Đông), chuyên sản xuất đồ nội thất. Tuy vậy, sau 6 ngày, do sợ công an Trung Quốc truy quét nên chủ công ty đã yêu cầu 11 người này về nước. “Tôi là 1 trong 11 người cuối cùng trở về ấy. Lúc tới nhà mừng như chết đi mà sống lại. Bữa nay thì thôi, ở nhà chài lưới ven bờ kiếm con cá con tôm gì cũng được”, anh T.V nói.

Đen đủi hơn là anh H. (quê xã Cam Nghĩa, H.Cam Lộ). Giữa năm 2013, anh H. đi theo một người bạn sang Quảng Châu (Trung Quốc) làm bóng đèn. Dù công việc vất vả nhưng mức lương 8 triệu đồng/tháng đã làm anh H. nguôi ngoai. Tuy nhiên, tháng 10.2013, cảnh sát Trung Quốc ập vào nhà máy của anh và bắt giam anh cùng 27 người nữa vì không có giấy tờ hợp pháp. Suốt 1 tháng trời, anh H. nằm trong trại giam và không biết đời mình sẽ về đâu vì không biết tiếng nên không biết hỏi ai. May sao, sau đó, cơ quan chức năng Trung Quốc đã bắt anh ký vào bản cam kết nếu tiếp tục vượt biên sang Trung Quốc sẽ bị phạt nặng và đưa về đến biên giới VN.

Trong khi đó, rất nhiều lao động “chui” quê H. Cam Lộ  sau khi về quê cho hay, khi vượt biên qua Trung Quốc họ thường được “môi giới” vào các cơ sở khai thác than, lâm sản, phát nương rẫy... với điều kiện làm việc hết sức vất vả cùng sự quản lý gắt gao của chủ. Thời gian làm việc của họ mỗi ngày phải từ 10-12 tiếng/ngày. Cá biệt, có những nhà máy vì sợ cảnh sát “sờ gáy” nên giam lỏng các lao động “chui” trong nhà xưởng, không cho ló mặt ra ngoài. Không chịu được đọa đày, kham khổ, nhiều người phải chấp nhận mất một khoản tiền để trả cho các bên “môi giới” mới được về nước bình yên.

Vỡ mộng nơi xứ người
Vì tin lời đi Lào chỉ bán cà phê, 2 thiếu nữ này đã bị bán vào “động mại dâm” - Ảnh: N.P

Bán dâm thay vì bán cà phê

Xuất khẩu lao động “chui” tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đối với mọi người, nhưng đặc biệt nguy hiểm nếu nạn nhân là nữ giới. Ngoài khả năng bị bóc lột sức lao động như nam giới, họ còn có khả năng bị bán vào những động mại dâm nếu gặp phải những tay “cò mồi” ác độc.

Vụ việc mà Thanh Niên ngày 5.10 vừa thông tin là ví dụ điển hình cho sự ghê tởm của nạn buôn người nhưng cũng là bài học cho những thiếu nữ nông thôn khát khao được xuất ngoại, kiếm việc làm. Nếu không có sự giải cứu kịp thời của các lực lượng chức năng phía VN và nước bạn Lào, không biết cuộc đời của 2 thiếu nữ đó sẽ đi về đâu. Liên quan đến vụ việc, lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ 2 “tú bà” xuyên quốc gia là Phạm Thị Tuyến (39 tuổi, quê xã Diễn Yên, H.Diễn Châu, Nghệ An, tạm trú Sê Ta Muộc, H.Mường Phìn, Savannakhet, Lào) và Phan Thị Bích Thủy (57 tuổi, trú thị trấn Quỳ Hợp, H.Quỳ Hợp, Nghệ An). Được biết, Tuyến sang Lào mở quán karaoke trá hình và yêu cầu Thủy ở quê nhà tuyển nhân viên. Lập tức, Thủy đi rêu rao khắp xóm làng là có người quen ở Lào, nếu ai có nhu cầu Thủy sẽ kết nối giúp để đưa sang phụ bán cà phê với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Rất nhiều gia đình đã trao con gái cho Thủy, trong đó có gia đình em Q.T.T (13 tuổi, quê H.Quỳ Hợp) và C.T.S (17 tuổi, quê ở H.Kỳ Sơn, Nghệ An).  Sau khi được giải cứu thoát, cả T. và S. đều bị tổn thương nặng về thể xác lẫn tinh thần, trong đó S đi phải đi cấp cứu, các bác sĩ phát hiện S. có thai ngoài buồng trứng và đã bị vỡ, nên bác sĩ phải cắt bỏ vòi trứng phía bên phải sát sườn tử cung.

Khi găp lại con, bà V. (mẹ của T.) mếu máo than trời: “Cũng tại người ta dụ dỗ ngọt quá mà mẹ con tui thì thiếu hiểu biết, lại nghèo nên mới đi theo. Biết vậy thà đừng mơ “xuất ngoại”, ở nhà mẹ con rau cháo qua ngày nuôi nhau”.

Xuất khẩu lao động chính ngạch cũng lắm “sự cố”

Rủi ro ít hơn nhưng không có nghĩa là người lao động an toàn 100% khi được xuất khẩu lao động chính ngạch. Tháng 10.2011, Thanh Niên đã ghi nhận trường hợp anh Hồ Văn Văn (SN 1990, trú thôn Ruộng, xã Hướng Hiệp, H.Đakrông) tử nạn tại Malaysia sau khi được một đơn vị được cấp phép có trụ sở ở Hà Nội đưa sang nước này lao động. Hay trường hợp của Hồ Văn Diên (23 tuổi, quê thôn Chân Rò, xã Đakrông) đi xuất khẩu lao động Malaysia từ năm 2010, gửi về nhà chỉ 10 triệu đồng và từ năm 2013 đến nay bặt vô âm tín, không rõ sống chết. Chính vì thế, số lượng người đi xuất khẩu lao động chỉ tính riêng ở H.Đakrông giảm dần, cụ thể: 2009 có 96 người, 2010 có 197 người, 2011 chỉ còn 32 và năm 2013 thì dưới 5 người.

Nguyễn Phúc

>> Lao động Việt Nam rời Libya về nước an toàn: Ám ảnh xứ người
>> Làm thêm ở xứ người
>> Chuyện xứ người: Tội “nuôi” trẻ cho mục đích tình dục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.