'Vỡ' quy hoạch điện mặt trời: Gỡ nút thắt cổ chai về lưới điện

Chí Nhân
Chí Nhân
16/07/2019 07:25 GMT+7

Theo ông Jonas Hagemann, việc tắc nghẽn chỉ xuất hiện tại những khu vực tập trung nhiều nhà máy sản xuất điện trong khi lượng điện tiêu thụ và công suất truyền tải đều thấp.

Liên quan hệ thống đường dây truyền tải quá tải, Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Jonas Hagemann, Cố vấn kỹ thuật dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, thuộc Chương trình hỗ trợ năng lượng Bộ Công thương/GIZ.

Nút cổ chai về lưới điện

Là một bên tham gia hỗ trợ Bộ Công thương VN trong lĩnh vực điện, GIZ có nhận định gì về tình trạng quá tải lưới điện và giải pháp cho tình trạng này?
       Ông Jonas Hagemann
Những số liệu mới đây do Tập đoàn điện lực VN (EVN) công bố cho thấy các nhà máy điện mặt trời được xây dựng với tốc độ khá nhanh, tổng công suất điện nối lưới của các nhà máy điện mặt trời tăng từ 150 MWp lên 4.460 MWp. Trong khi đó, việc xây mới cơ sở hạ tầng để phân phối và truyền tải điện thường tốn nhiều thời gian hơn.
Tuy nhiên, việc tắc nghẽn chỉ xuất hiện tại những khu vực tập trung nhiều nhà máy sản xuất điện trong khi lượng điện tiêu thụ và công suất truyền tải đều thấp. Các dự án điện mặt trời đã nối lưới không được phân bố đồng đều trên khắp VN. Một số “điểm nóng” như tỉnh Ninh Thuận hoặc Bình Thuận có nhiều dự án điện mặt trời. Sự tắc nghẽn cổ chai lưới điện hầu hết xảy ra tại những vùng này.
VN vẫn có nhiều tiềm năng để các nhà máy điện gió và điện mặt trời hòa lưới điện tại các địa phương khác. Đó là lý do vì sao dự thảo hiện tại cho quy định mới về giá điện mặt trời hòa lưới của Bộ Công thương bao quát các khu vực khác nhau, nhằm phân bố công suất lắp đặt điện mặt trời trên phạm vi toàn quốc, không chỉ tập trung vào 2 hay 3 tỉnh thành.
Một cách khác nhằm giảm tắc nghẽn truyền tải là lắp đặt nguồn điện mặt trời gần phụ tải điện. Bằng cách này, điện mặt trời không bị ảnh hưởng nhiều bởi hệ thống truyền tải và phân phối điện.
Năng lượng tái tạo có hạn chế là công suất không ổn định, gây rủi ro lớn về nguồn và cần có nguồn dự phòng để đảm bảo an toàn lưới điện. Kinh nghiệm nào từ phía Đức có thể áp dụng ở VN?
Năm 2018, tại Đức, hơn 40% sản lượng điện được sản xuất là từ các nguồn năng lượng tái tạo, hầu hết là năng lượng gió, mặt trời và sinh khối. Nhưng 40% này chỉ là con số bình quân tính cho cả năm. Do đặc tính của thời tiết, sản lượng điện do các nhà máy điện gió và điện mặt trời sản xuất ra thường không ổn định. Có những thời điểm nguồn năng lượng tái tạo sản xuất ra hơn 100% sản lượng điện của hệ thống (vào buổi trưa) nhưng hai ngày sau, sản lượng đó chỉ còn là 15% (vào ban đêm).
Tuy nhiên, giống như chúng ta có dự báo thời tiết cho ngày mai, việc sản xuất điện gió và điện mặt trời cũng có thể dự đoán được. Các đơn vị vận hành hệ thống truyền tải điện (TSO) tại Đức đang sử dụng thông tin dự báo ngắn hạn chính xác về năng lượng gió và mặt trời để có thể quản lý hệ thống điện. Phương pháp dự báo điện gió và mặt trời tiên tiến nhất có thể dự đoán sản lượng điện của ngày hôm sau (ngày tới), với độ chính xác cao, hơn 95%. Với dữ liệu này, TSO có thể lập lịch huy động sản lượng điện phát của các nhà máy điện khác (ví dụ, nhà máy nhiệt điện) trong ngày kế tiếp. Các đơn vị vận hành hệ thống điện của VN hiện cũng đang phát triển các hệ thống dự báo sản lượng điện như vậy.

Cần có khung pháp lý cho tư nhân đầu tư lưới

Nhiều ý kiến trong nước đề nghị Chính phủ cần “mở cửa” để tư nhân tham gia đầu tư giống như xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Về mặt pháp lý, việc xây dựng và vận hành đường dây truyền tải mới sẽ chỉ thuộc quyền của EVN và các công ty con (EVNNPT hoặc các công ty điện lực khác). Tuy nhiên, các đơn vị này lại đang vận hành với nguồn tài chính eo hẹp bởi lẽ giá điện thấp, nợ đọng kéo dài và vốn chủ sở hữu thấp.
Nguồn vốn tư nhân đầu tư vào hệ thống truyền tải/phân phối điện có vẻ là một giải pháp khả thi nhưng để thực hiện được, khung pháp lý hiện tại cần phải được thay đổi đáng kể. Lấy ví dụ: so với việc đầu tư vào nhà máy điện, doanh thu của đường dây truyền tải không đến từ việc bán điện trên thị trường mà từ việc thu một khoản phí cho việc sử dụng công suất truyền tải (giá truyền tải điện).
Tại VN, giá truyền tải là một khoản thu đồng nhất cố định để có thể truyền tải điện đến bất kỳ điểm nào trong hệ thống truyền tải khu vực. Nói một cách ngắn gọn, “giá truyền tải điện hằng năm sẽ được áp dụng đồng nhất trên toàn quốc, không phân biệt khoảng cách địa điểm truyền tải và phân phối”. Như vậy, khoảng cách truyền tải, việc tắc nghẽn lưới điện và các chi phí cần thiết khác để vận hành hệ thống truyền tải sẽ không được tính đến. Với cơ chế này, giá truyền tải cho khoảng cách 50 m và 50 km sẽ giống nhau mặc dù chi phí đầu tư sẽ cao hơn nhiều.
Vì vậy, nên khuyến khích tăng cường môi trường đầu tư của EVN và các công ty con đối với cơ sở hạ tầng truyền tải điện. Cụ thể là giá truyền tải cao hơn, khung pháp lý rõ ràng và hiệu quả hơn.
GIZ đang hỗ trợ VN xây dựng “Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng”, cụ thể việc này như thế nào?
Ý tưởng cơ bản của Lưới điện thông minh là việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào toàn bộ hệ thống điện (hay "mạng điện") nhằm cho phép dữ liệu được trao đổi qua lại trong mọi hoạt động của hệ thống điện: khâu phát điện, truyền tải điện và tiêu thụ điện.
Các công nghệ Lưới điện thông minh tăng cường năng lực quản lý thông minh đối với hoạt động phát và tiêu thụ điện thông qua việc chủ động giám sát các nhà máy điện, việc nguồn lưu trữ điện và các phụ tải điện linh hoạt. Điều này cũng cho phép các dạng năng lượng tái tạo, như năng lượng gió hay mặt trời, được hòa lưới với quy mô lớn vào lưới điện quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.