Thông tin từ Công ty Samsung cho biết, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh tăng vốn dự án tổ hợp Samsung Complex từ 670 triệu USD lên 1,5 tỉ USD. Samsung cam kết sẽ giải ngân toàn bộ vốn đầu tư ban đầu 670 triệu USD trong giai đoạn 2013 - 2015 và số vốn còn lại từ 2015 - 2020. Khi được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của Samsung Complex dự kiến sẽ từ 3 tỉ USD hiện nay lên 16 tỉ USD vào năm 2015. Đó là một trong số ít điểm sáng trên bức tranh FDI hiện nay.
|
Gây nhiều lo ngại
Nhìn lại vốn đăng ký đầu tư trong thời gian qua có thể thấy không còn những siêu dự án bất động sản quy mô vốn đến 4 - 5 tỉ USD. Những dự án lớn được cấp phép trong mấy tháng qua cao nhất cũng chỉ có quy mô vốn 1 tỉ USD. Phần lớn là những dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghệ cao mà Việt Nam đang nhắm tới. Chẳng hạn, dự án 1 tỉ USD xây dựng nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời của First Solar (Singapore) ở TP.HCM; dự án Công ty TNHH Wintek Việt Nam, tổng vốn 250 triệu USD do Samoa đầu tư ở Bắc Giang, sản xuất và gia công tấm cảm ứng, thiết bị tinh thể lỏng LCD modum...
Bất động sản kém hấp dẫn Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, vốn đăng ký 7 tháng qua có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (từ 29% vốn đăng ký 7 tháng năm 2010 lên 47% cùng kỳ 2011); lĩnh vực kinh doanh bất động sản trở nên kém hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ chiếm 3% tổng vốn đăng ký 7 tháng 2011 trong khi cùng kỳ năm trước là 23%. |
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, suy giảm của FDI toàn cầu đang ảnh hưởng rõ rệt đến dòng vốn vào nước ta. Các đối tác FDI truyền thống của Việt Nam cũng có sự thay đổi lớn, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... đã không nằm trong nhóm dẫn đầu, mà thường là Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc. Những nền kinh tế mạnh đã có những bất ổn nhất định, khiến FDI sụt giảm là hiển nhiên.
Thời điểm thích hợp để điều chỉnh
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định nếu kịp thời điều chỉnh các chính sách thu hút phù hợp với bối cảnh suy giảm FDI chung thì Việt Nam vẫn có thể đón nhận được nhiều dự án chất lượng. GS-TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng việc điều chỉnh định hướng và chính sách nhằm nâng cao chất lượng FDI nên ưu tiên cho các dự án công nghệ điện tử, tin học, dịch vụ cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe hiện đại, xây dựng hạ tầng kỹ thuật... Trên thực tế, dòng vốn FDI vào nước ta đã có dấu hiệu chuyển hướng tích cực khi chuyển sang lĩnh vực công nghệ cao, nhưng kết quả ban đầu này chưa thể hiện rõ quyết tâm của nhà quản lý mà chủ yếu do khách quan mang lại.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mại cũng nhận định thị trường và đối tác FDI cũng cần điều chỉnh. Tính đến nay có gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư khoảng 11.000 dự án tại Việt Nam. Nhưng những nước mạnh về công nghệ ở châu u có ít dự án. Mỹ là quốc gia hàng đầu thế giới về đầu tư nước ngoài, nhưng FDI vào VN không như mong muốn. VN thành công trong việc thu hút FDI của các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới như IBM, Intel, Canon, LG... Tuy vậy, số lượng các DN trong danh mục 500 tập đoàn hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam vẫn ít ỏi nếu so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Song song đó, trọng tâm thu hút FDI trong lĩnh vực phụ trợ phải được đẩy mạnh, không để tình trạng nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị... kéo dài. Có vậy giá trị gia tăng của FDI ở Việt Nam sẽ cao hơn. Nếu có chính sách cụ thể về khu công nghiệp phụ trợ, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thì thực sự mới thúc đẩy được giá trị gia tăng trong nước, góp phần cơ bản vào chống nhập siêu. Đồng thời, thông qua chính sách này, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tham gia được và qua đó nâng cao khả năng, trình độ vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
N.Trần Tâm
Bình luận (0)