Các CLB đón nhận thông tin Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) mua bảo hiểm thân thể cho cầu thủ (Thanh Niên ngày 5.11 đã thông tin) với thái độ phấn khởi xen lẫn thận trọng, thậm chí có CLB còn tỏ ra... hoài nghi.
|
Anh Khoa bị đá thô bạo dẫn đến chấn thương nặng và phim chụp do bệnh viện ở Singapore cung cấp (ảnh dưới) - Ảnh: Đông Nghi
|
“Ôi, được như rứa thì mừng quá. Chúng tôi ủng hộ nhiệt liệt, mà còn sẵn sàng cho VPF đặt biển quảng cáo đơn vị bảo hiểm trên sân Vinh nữa. CLB sẽ không còn thấp thỏm lo nghĩ lấy tiền đâu chữa trị nếu không may cầu thủ dính chấn thương nặng”, ông Hồ Văn Chiêm - Giám đốc điều hành CLB SLNA thốt lên. Hơn ai hết, vào thời điểm này, ông Chiêm cùng lãnh đạo CLB SLNA và cầu thủ Quế Ngọc Hải đang đau đầu “chạy” khoản tiền hơn 800 triệu đồng trả cho Trần Anh Khoa (SHB Đà Nẵng).
Còn ông Nguyễn Húp, Giám đốc điều hành CLB QNK Quảng Nam, nói: “Tình trạng chấn thương không đến mức xảy ra như cơm bữa ở đội của tôi. Nhưng cứ mỗi khi có cầu thủ bị đứt dây chằng, CLB đi tong luôn vài trăm triệu đồng, cũng rất xót ruột. Giờ thì yên tâm hơn rồi”.
CLB Hải Phòng mùa 2015 cũng tốn một khoản kha khá để trả 3 ca mổ đầu gối cho Minh Châu, Anh Tuấn và Khánh Lâm. Do vậy Chủ tịch CLB Trần Mạnh Hùng mừng rơn: “VPF mua bảo hiểm thân thể cho 720 cầu thủ tham dự 3 giải, nghĩa là đã bắt kịp xu thế phát triển của bóng đá thế giới. Chúng tôi ủng hộ 100%”.
Ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng đoàn bóng đá CLB Hoàng Anh Gia Lai, tuy ủng hộ VPF nhưng lại đưa ra một quan điểm rất hữu ích: “VPF đã thể hiện tính chuyên nghiệp và trách nhiệm cao đối với những nhân vật chính của các giải đấu - là cầu thủ. Tuy nhiên, VPF cần phải hết sức thận trọng và lường trước những trường hợp cầu thủ cố tình đá láo, có ý đồ triệt hạ đối phương, vì “ỷ” vào chuyện đã có bảo hiểm trả tiền cho “nạn nhân”. VPF phải đàm phán kỹ với đơn vị bảo hiểm, nhất thiết không chi trả, để cầu thủ mắc lỗi phải chịu một phần lớn trách nhiệm. Cầu thủ cố ý đá bậy, đá vô trách nhiệm mà lại vô can, thì không thể chấp nhận được. Cũng giống như bảo hiểm xe hơi vậy, công ty bảo hiểm chỉ chi trả nếu xảy ra sự cố bất khả kháng của tài xế, để tránh tình trạng lái xe cố ý đâm xe vào cột điện hay tự gây hỏng hóc để đòi bồi thường”.
Ông Tấn Anh nói tiếp: “Việc mua bảo hiểm thân thể cho cầu thủ, rất có thể sẽ trở thành con dao hai lưỡi. VPF cần suy tính thật thấu đáo và có cách tổ chức tốt vì sẽ làm nảy sinh tính chủ quan rất xấu ở cầu thủ. Theo tôi, chuyện mua bảo hiểm chỉ nên đặt ở hàng thứ 3 chứ không phải là điều quan trọng nhất. Hai biện pháp căn cơ nhất để giải đấu được “ngon lành” phải là trọng tài thật giỏi, thật nghiêm, có tâm và trình độ cao. Kế đó là vấn đề giáo dục cầu thủ. Nếu dồn tiền để mua bảo hiểm mà bỏ lỏng hai yếu tố vừa nêu, thì có khi lợi bất cập hại”.
Bảo hiểm thân thể cầu thủ không phải "bùa hộ mệnh"
Nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá Becamex Bình Dương (sắp được chuyển giao giữ chức Tổng giám đốc VPF) Cao Văn Chóng cho hay: “Việc mua bảo hiểm thân thể cầu thủ là cách để bảo hiểm “gánh đỡ” rủi ro cho chính cầu thủ đó và hỗ trợ về tài chính cho các đội bóng.
Vừa rồi, Bình Dương phải chi 100 triệu đồng cho ca phẫu thuật của Abass mà nếu có bảo hiểm do VPF mua thì chúng tôi đã không phải mất tiền. Nhưng nên hiểu rằng, bảo hiểm thân thể không phải “bùa hộ mệnh” và mang tính tuyệt đối với tất cả những ca chấn thương.
Gánh rủi ro nhưng mức độ gánh đến đâu, còn phụ thuộc vào “gói” mua vì trong bảo hiểm thân thể, có rất nhiều loại “sản phẩm”, gói mua khác nhau. Sắp tới, VPF sẽ tiếp tục đàm phán với một số công ty bảo hiểm và sẽ cố gắng mua được gói càng có giá trị cao càng tốt để đem lại lợi ích lớn cho cầu thủ và các CLB”.
|
Bình luận (0)