VPF ở đâu khi CLB than như bộng, dọa bỏ giải?

06/08/2020 16:02 GMT+7

Dịch bệnh Covid-19 phức tạp buộc các giải đấu tạm dừng vô thời hạn khiến VPF than trời, còn các CLB án binh bất động lần thứ hai mà không biết đến bao giờ mới trở lại sân thi đấu.

Từ sau ngày 24.7, tất cả CLB hạng Nhất và V-League phải cửa đóng then cài do ảnh hưởng của Covid-19 khó lường với nguy cơ thắt lưng buộc bụng như hồi tháng 3 từng bị tạm ngưng gần hai tháng. Bây giờ đến lượt CLB than như bộng trong khi VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, BTC giải V-League và hạng Nhất) vẫn án binh bất động vì chưa tìm ra giải pháp nào khả thi nhất, kể cả hủy giải trong trường hợp bất khả kháng.
Bầu Đệ của đội Thanh Hóa (mới đây đòi bỏ giải và sau đó rút lại lời) từng đề nghị VFF và các nhà tổ chức giải VPF nên họp trực tuyến với 26 CLB chuyên nghiệp để tìm cách tháo gỡ mọi thứ, giảm thiểu thiệt hại tài chính cho CLB, không thì nguy to. Bởi đã hơn 10 ngày trôi qua, VPF chỉ thông báo hoãn giải và “quyết tâm tổ chức” dù không biết đến bao giờ bóng mới lăn.
VPF đã tính lại cột mốc 31.10 hoàn thành mùa giải sau đợt dịch lần đầu tiên, nhưng hiện tại chắc chắn sẽ phải di dời lần nữa. Rất may là AFF Cup 2020 dự kiến tổ chức vào cuối năm nay phải đẩy sang tháng 4.2021 giúp cho thời gian mưu cầu V-League và giải hạng Nhất có thể tái xuất rộng rãi hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà các nhà làm giải cứ im thin thít, lặn mất tăm trong sự hồi hộp của CLB.
Những đội bóng kiến nghị hủy giải như Nam Định, Hải Phòng, SLNA, Quảng Nam, Thanh Hóa không phải vô lý, bởi họ không có nguồn kinh phí dự phòng rủi ro như Hà Nội, Sài Gòn, hay thoải mái như HAGL. Hầu hết CLB đều rơi vào hoàn cảnh “chơi mùa nào xào mùa nấy”, khiến cho việc giải tạm dừng vô thời hạn dễ làm họ kiệt quệ khi phải trả lương, lót tay cho cầu thủ ngồi chơi xơi nước. Chưa kể nội binh hết hợp đồng sau ngày 31.10 sẽ phải ký lại sẽ tốn một khoản tiền lớn, hay kinh phí chi trả cho ngoại binh là một bài toán làm đau đầu các CLB.

CLB Sài Gòn đang đứng đầu bảng xếp hạng V-League 2020

Khả Hòa

Một số đội muốn hủy giải không chỉ vì mục đích an toàn sức khỏe tuyệt đối cho cầu thủ, mà bản thân họ gặp khó khăn tiền bạc thực sự, không phải do cách suy diễn “phản ứng tiêu cực là phá hoại” khi nằm cuối bảng sợ rớt hạng. Hồi tháng 3, nhiều đội bóng đã phải thỏa thuận giảm lương cầu thủ, hoặc chính cầu thủ tự giảm lương đỡ đần gánh nặng tài chính cho CLB.
HLV Vũ Tiến Thành của đội Sài Gòn đứng đầu bảng xếp hạng thì băn khoăn tại sao VPF không chịu họp trực tuyến và lắng nghe ý kiến của CLB để tính toán các phương án hay nhất, thậm chí là xấu nhất giúp thành viên của mình không bị động? Giả sử các giải bóng đá chuyên nghiệp bị hủy trong trường hợp bất khả kháng vì thiên tai, hay dịch bệnh Covid-19 thì cuộc chơi ra sao, chứ không phải “phá hoại” để dừng giải.
Quan điểm của CLB Sài Gòn là vẫn mong muốn giải về đích an toàn nhưng rất cần VPF phải tính đến khả năng hủy để chọn một giải pháp công bằng, như công nhận đội đứng đầu sẽ đại diện cho bóng đá Việt Nam đá giải cúp các CLB châu Á năm sau.
Cuối cùng, các nhà làm giải cũng cần phải có phương án hỗ trợ CLB thành viên, đồng thời là cổ đông VPF, như cái cách FIFA giúp đỡ 1 triệu USD cho thành viên VFF vượt qua khó khăn mùa dịch bệnh Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.