Tâm huyết của những người soạn thảo đề án thành lập VPF là làm trong sạch và phát triển bóng đá VN - Ảnh: Ngô Nguyễn |
Việc thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Sự ra đời và tồn tại của VPF không chỉ mang lại cho đời sống bóng đá VN một khởi đầu mới mà còn tác động đến nhiều lĩnh vực khác của xã hội.
Khẩn trương xin Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cấp phép
“Quản lý Công ty VPF rất đơn giản, thậm chí không thể phức tạp bằng tập đoàn và những công ty con mà tôi đang điều hành. VFF chưa quen nên thấy khó, nhưng với những ông bầu như chúng tôi, mô hình công ty này cũng tương tự như một đơn vị tổ chức sự kiện, có thu - chi và kiểm toán như bất kỳ công ty nào khác. VPF không lệ thuộc vào VFF. VFF cũng là cổ đông như mọi cổ đông khác”. Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai, đã khẳng định như vậy với Thanh Niên vào ngày hôm qua.
Vì trụ sở VPF sẽ đặt tại Hà Nội nên ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch CLB Hà Nội ACB, sẽ có trách nhiệm chính trong việc cùng VFF đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cấp phép hoạt động. Theo ông Đoàn Nguyên Đức, “tuần sau, chúng tôi sẽ bàn kỹ hơn về những chi tiết cụ thể của đề án, trong đó có điều lệ hoạt động của công ty, vì so với những doanh nghiệp khác, VFP là mô hình đặc thù bóng đá”.
Trước vấn đề đang được quan tâm là ai sẽ nắm chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng như Tổng giám đốc (TGĐ) VPF, ông Đức nói: “Thực ra, khi soạn thảo đề án, 6 ông bầu chúng tôi đã chọn được hai nhân vật chủ chốt này, nhưng chưa thể tiết lộ vào lúc này. Song TGĐ là người ngoài VFF, có năng lực, rất am hiểu bóng đá, luật thể thao và là một trí thức”. Ông Đức cho biết thêm: “Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói rất đúng, vì TGĐ là người rất quan trọng, quyết định sự thành bại của VPF nên mức lương phải từ 10.000 USD/tháng trở nên”.
VPF ra đời chính là sự thay đổi mạnh mẽ về “thượng tầng kiến trúc” của cấp quản lý là VFF và còn đòi hỏi thêm sự đổi mới của “hạ tầng cơ sở” là các CLB |
||
Ông Phạm Ngọc Viễn - Phó chủ tịch VFF |
||
Người hâm mộ có thể đóng góp cổ phần
Trong đề án, điều 7, điều 9 có viết rõ: “Sau khi VPF ra đời, mọi hoạt động của giải bóng đá chuyên nghiệp tại VN sẽ do Công ty VPF chịu trách nhiệm và tự chủ về tài chính. Từ mùa giải 2012, các CLB không phải đóng lệ phí hằng năm (hiện tại là 200 triệu đồng - PV), không phải trả chi phí trực tiếp cho BTC, trọng tài, giám sát. Căn cứ vào kết quả hoạt động, thu chi tài chính minh bạch công khai hằng năm, các CLB và VFF được chia lãi theo tỷ lệ góp vốn”.
Thanh Niên đã đặt câu hỏi với ông Đức: “VPF sẽ tự chủ về tài chính như thế nào?”. Câu trả lời rất thẳng thắn: “Không thiếu gì cách kiếm tiền. Để tránh lỗ, ngoài số vốn được huy động từ các cổ đông theo như điều lệ, VPF sẽ bán bản quyền truyền hình, bán quảng cáo, tổ chức những sự kiện nổi bật. Ví dụ như có thể thuê Arsenal đến VN với giá 1 triệu USD. Tiền bán vé và quảng cáo thu về 2 triệu USD, như vậy lãi 1 triệu USD”.
“Người hâm mộ có thể đóng góp cổ phần vào VPF được không?”. Ông Đức nói ngay: “VPF còn là công ty của công chúng. Nếu được sự đồng ý của Hội đồng quản trị, chúng tôi có thể sẽ cho phát hành 10 tỉ đồng ra ngoài và người dân có thể mua cổ phần”.
VPF lên sàn chứng khoán, tại sao không?
Ông Đức khẳng định: “Tiêu cực, đi “đêm”, trọng tài có vấn đề về tư tưởng. Bóng đá VN chết vì những tệ nạn này. Và tôi dám chắc, khi có VPF, sẽ không còn hiện tượng tiêu cực nữa khi mọi thứ buộc phải công khai, minh bạch. Tôi xin nhấn mạnh rằng VPF ra đời với mục tiêu tối thượng là làm trong sạch và phát triển bóng đá VN. Khi giải đấu lành mạnh, thu hút được khán giả đến sân đông, công ty có lãi. Và lúc đó, hoàn toàn có quyền niêm yết trên sàn chứng khoán. Đưa VPF lên sàn chứng khoán, tại sao không?”.
Về vấn đề cá độ hợp pháp có thể sẽ được Chính phủ phê duyệt vào những năm tới, ông Đức cũng nói luôn: “VPF là để phục vụ giải ngoại hạng và hạng nhất. Nếu Quốc hội thông qua đề án cá độ hợp pháp bóng đá trong nước, trong đó có 2 giải đấu này thì dĩ nhiên VPF sẽ nắm luôn. Những gì liên quan mật thiết đến VPF, VPF sẽ chịu trách nhiệm”.
Còn ông Phạm Ngọc Viễn - Phó chủ tịch VFF, Trưởng ban Bóng đá chuyên nghiệp - cũng đưa ra một tương lai khá sáng: “VPF ra đời chính là sự thay đổi mạnh mẽ về “thượng tầng kiến trúc” của cấp quản lý là VFF và còn đòi hỏi thêm sự đổi mới của “hạ tầng cơ cở” là các CLB. Nếu các CLB cũng chuyển biến mạnh mẽ thì sự đồng bộ sẽ đem đến cho thị trường bóng đá VN một tiềm năng không nhỏ. Biết đâu, khi hai giải đấu phát triển lành mạnh, lượng khán giả lớn, sẽ là yếu tố thúc đẩy các cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt đề án cá độ bóng đá hợp pháp trong nước”.
Cần tính toán kỹ, đỡ bị động về sau Ông Cao Sỹ Kiêm (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN , nhận định: “Nếu VFF thấy không đủ sức và khả năng kiểm soát được giải chuyên nghiệp, muốn bóng đá VN khởi sắc, tránh những biểu hiện tiêu cực cả về đạo đức, nâng chất lượng của ban tổ chức, ban trọng tài, đội ngũ trọng tài như vừa qua, phải cải tổ mạnh mẽ và đưa ra những phương án khắc phục. Khi xác định tự cải tổ là giải pháp không có khả năng thực thi thì nên chấp thuận giải pháp thành lập VPF, theo hướng mà khu vực và thế giới đã làm. Có một điều cần xác định sớm, đã là kinh doanh thuần túy vì lợi ích vẫn sẽ có sự bắt tay nhau. VFF và trên VFF là Tổng cục TDTT không làm rõ ràng, minh bạch, chỉ đạo sát sao sẽ nặng về kinh doanh chạy theo lợi nhuận quá, nảy ra vấn đề mới. VFF vẫn chiếm tỷ lệ cổ phần 36,4%, qua quyền phủ quyết vẫn có thể minh bạch hóa các quyết định của công ty này với bóng đá VN. Tôi nghĩ trong giai đoạn bàn thảo này cần tính kỹ, mổ xẻ cặn kẽ các khả năng để giải quyết, đỡ bị động về sau. Muốn VPF thành công phải phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của 14 CLB và vai trò quản lý của nhà nước thể hiện qua vị trí VFF trong công ty. Tuy nhiên, các ông bầu đã thể hiện những mong muốn khá tích cực, tiến bộ để ngăn chặn các tiêu cực như đưa ra các quy định chặt về mặt tài chính…”. Mai Hà (ghi) |
Lan Phương
Bình luận (0)