Vụ án Lã Thị Kim Oanh: Viện Kiểm sát bác bỏ tất cả các lời bào chữa

29/11/2003 09:11 GMT+7

Ngày 28/11, ngày thứ 11 của phiên tòa xét xử vụ án Lã Thị Kim Oanh, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) Nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa và 10 vị luật sư (LS) bào chữa cho các bị can đã tranh luận, nêu rõ những lập luận, chứng cứ để bảo vệ quan điểm của mình về tội danh các bị cáo. Chiều cùng ngày, tòa kết thúc phần thẩm vấn và cho các bị cáo nói lời cuối cùng trước khi nghị án. tòa sẽ tiến hành tuyên án lúc 8 giờ ngày 2/12.

VKS: đủ bằng chứng cấu thành tội tham ô của Lã Thị Kim Oanh

Trong phần tranh luận, đáp lại lập luận của LS Chu Khang (bảo vệ quyền lợi cho Lã Thị Kim Oanh) cho rằng, cơ quan điều tra đã không làm rõ Oanh chiếm đoạt số tiền 71 tỉ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân nào, cho nên không thể cho đó là tham ô, đại diện VKS nói: “thực tế Oanh đã nhận tiền từ các ngân hàng, tổ chức, cá nhân nhưng dựa vào chức danh, quyền hạn của mình lại không nhập quỹ, không vào sổ sách của công ty, đưa về nhà, tự ý quyết định sử dụng, chi tiêu... thì với những biểu hiện khách quan như vậy đã cấu thành tội danh tham ô. Còn về việc Oanh đã chi tiêu thế nào thì cơ quan điều tra chứ không phải Lã Thị Kim Oanh đi thu thập các loại chứng từ từ các đơn vị thi công, các nơi khác. Như thế là hoàn toàn khách quan và

Các bị cáo nói lời cuối cùng...
“Thưa tòa, tội tôi không phải là tội tham ô. Xin cho tôi điều kiện để tôi chứng minh và lập công chuộc lại lỗi lầm của mình”.
Bị cáo Lã Thị Kim Oanh
“Tôi chỉ có thiếu sót sai phạm về mặt hành chính, truy tố tôi thì rất oan.Tôi chỉ mong tòa minh xét đúng người, đúng tội, không để oan sai những người vô tội và không để lọt những người gây ra tội lỗi trong vụ án này”.
Bị cáo Nguyễn Quang Hà
“Chỉ vài giờ sau khi ký khống cho Oanh mà không được nhận tiền, tôi đã báo cáo sự việc này với cơ quan thanh tra mà vẫn bị tòa kết tội. Tôi chỉ còn biết tin vào sự công bằng và sự công minh của Hội đồng xét xử, mong tòa minh xét !”.
Bị cáo Phạm Tiến Bình
“Do trình độ nghiệp vụ kém nên phải làm theo mọi sự chỉ đạo của chị Oanh. Mong quý tòa xem xét lượng thứ”.
Bị cáo Đỗ Đức Thuần
“Việc bị cáo ký 2 văn bản đề nghị ngân hàng giúp đỡ Công ty Tiếp thị chỉ là thiếu sót khách quan, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Cả đời công tác, bị cáo không có khuyết điểm. Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử minh xét”.
Bị cáo Nguyễn Thiện Luân
“Tôi đã có 47 năm công tác, nay rất nhiều bệnh tật nặng, sức khỏe suy sụp mong tòa chiếu cố, xem xét”.
Bị cáo Huỳnh Xuân Hoàng
“Hành vi của tôi trong vụ án này không gây hậu quả về kinh tế vì chỉ ký khống số tiền chị Oanh đã chi tiêu trước đó rất lâu mà bản thân không hề được nhận tiền. Mong tòa công minh xem xét”.
Bị cáo Nguyễn Chính Nghĩa
“Tôi không nghĩ rằng mình lại có tội đến mức phải ra tòa. Mong Hội đồng xét xử xem xét lượng thứ”.
Bị cáo Phan Văn Quán
đúng pháp luật”. Đại diện VKS cho rằng: chỉ riêng việc chi tiêu hàng chục tỉ đồng không có chứng từ cũng đáng khép Lã Thị Kim Oanh án tử hình. Tuy nhiên, đại diện VKS cũng nói: “Có một số chi tiết (các khoản chi mà LS đưa ra có chứng từ... TN) chưa được kiểm tra đề nghị Hội đồng xét xử trong khi nghị án xem xét, quyết định”.

Đáng chú ý là bị cáo Nguyễn Quang Hà (nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT) đã cảm ơn VKS cho biết sẽ tiến hành khởi tố vụ án liên quan đến một số cán bộ ngân hàng, Bộ NN-PTNT, Cục Đầu tư Phát triển Hà Nội và một số cơ quan khác để làm rõ các hành vi phạm tội liên quan của họ đến vụ án Lã Thị Kim Oanh, vì từ đấy có thể làm sáng tỏ sự thực của vụ án ngày hôm nay.

LS: Công ty Tiếp thị nếu không đi vay thì lấy đâu ra tiền làm dự án?

Trong phần bào chữa, 10 vị LS đều cho rằng các bị cáo nguyên là quan chức Bộ NN-PTNT “vô tội”, “không phải chịu trách nhiệm", thậm chí “đã làm đúng nhiệm vụ được giao”... Lý lẽ chủ yếu là: nhu cầu vay vốn của Công ty Tiếp thị là "có thực và tiền vay ngân hàng đầu tư đã không bị mất đi”; việc ký xác nhận là đúng... LS Phạm Hồng Hải, người bào chữa cho nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân còn nêu một số công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và công văn ngày 25/3/1998 của Chính phủ cho phép Công ty Tiếp thị được “vay vốn tín dụng để đầu tư hoàn chỉnh khu Hội chợ triển lãm thương mại NN-PTNT”.

LS Nguyễn Huy Thiệp thì cho rằng: “Một công ty "còi" như Công ty Tiếp thị vốn chỉ có hơn 1 tỉ đồng mà được giao làm chủ đầu tư dự án hơn 80 tỉ đồng (gấp 80 lần vốn) thì nếu không đi vay thì lấy đâu ra tiền mà xây dựng các dự án”.

Phản bác lại các lý lẽ này, đại diện VKS đã dẫn ra các quy định tại Nghị định 15/NĐ-CP năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ quản lý của Bộ, trong đó quy định Bộ có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức công tác kế toán, kiểm tra vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; Nghị định 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng... Hơn nữa, “Chính Bộ NN-PTNT có quy định chủ đầu tư không được phép vay của các ngân hàng để đầu tư xây dựng mà chỉ các đơn vị thi công mới được phép vay”. Trong khi đó, các bị cáo Luân, Hà, Hoàng, Quán lại ký vào các văn bản xác nhận trái quy định cho Công ty Tiếp thị vay vốn và thiếu kiểm tra dẫn đến thất thoát.

Nguyễn Bình - Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.