Vụ án “nợ điều lệ” - Bài 3: Không thể thắng kiện?

30/09/2009 01:17 GMT+7

Trên thực tế, ai cũng biết rằng không nhà đầu tư nào lại muốn đối đầu với chính quyền địa phương, nếu như họ có thể tìm được phương án nào khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Ngày 5.11.2007, Tổng giám đốc Bitex ở thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Thiện, chính thức phát đơn khởi kiện UBND tỉnh BR-VT ra trước TAND tỉnh này với yêu cầu hủy bỏ Giấy chứng nhận đầu tư số 491032000030 cấp cho Công ty cổ phần Baria Serece do ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp ký. Theo đơn kiện, phía Bitex khẳng định giấy chứng nhận này hoàn toàn sai pháp luật vì không có dự thảo điều lệ có đầy đủ chữ ký của các cổ đông sáng lập; không có quyết định của HĐQT quyết định chuyển đổi DN với các nội dung chủ yếu: Thời hạn và điều kiện chuyển tài sản, phần góp vốn cổ phần, trái phiếu của DN có vốn đầu tư nước ngoài thành tài sản góp vốn, cổ phần, trái phiếu của DN chuyển đổi, phương án sử dụng lao động, thời hạn thực hiện chuyển đổi; không có danh sách các cổ đông sáng lập với chữ ký kèm theo...

Tuy nhiên phải mất hơn một tháng sau, đến ngày 13.12.2007 TAND tỉnh BR-VT mới quyết định thụ lý vụ án này. Trong quá trình điều tra kéo dài, ngày 11.1.2009, thẩm phán thụ lý đã nhận được văn bản giải trình của Sở KH-ĐT tỉnh BR-VT, do chính Phó giám đốc Mai Ngọc Thuận ký. Văn bản này thừa nhận đúng như thực tế đã diễn ra là hồ sơ chuyển đổi của Liên doanh Baria Serece không có bản điều lệ với chữ ký đầy đủ của các cổ đông sáng lập, đồng thời cũng nói rõ hồ sơ chuyển đổi theo quy định của Nghị định 101/2006/NĐ-CP bắt buộc phải có bản dự thảo điều lệ phù hợp với pháp luật về DN và cũng xác nhận về nguyên tắc, DN phải nộp đầy đủ hồ sơ thì cơ quan cấp chứng nhận đầu tư mới làm thủ tục cho DN.

Theo thông tin mới nhất chúng tôi nhận được, sáng nay 30.9, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM với HĐXX do ông Vũ Lai Bằng, thẩm phán TAND tối cao, làm chủ tọa sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của Bitex và Việt Hà trong vụ án này. Thanh Niên sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc những diễn biến tiếp theo.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 3.7.2009 của TAND tỉnh BR-VT, ông Thuận, lúc này là Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ, được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền tham gia tố tụng với tư cách người bị kiện, đã tái xác nhận những nội dung trên. Ông Thuận cũng cho biết, sau khi nhận được khiếu nại của Bitex, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản yêu cầu Chủ tịch HĐQT Baria Serece giải quyết những vướng mắc trong nội bộ để đạt sự đồng thuận về việc chuyển đổi công ty. Ngoài ra, Sở KH-ĐT còn đề nghị được làm trung gian nhằm chỉnh sửa, bổ sung bản dự thảo điều lệ cho phù hợp với quy định hiện hành, nhưng không được sự đồng ý của Bitex và Việt Hà.

Với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đại diện Công ty Việt Hà giải thích sở dĩ không đồng ý với bản dự thảo điều lệ là vì bản dự thảo này chưa hợp lý, cần phải chỉnh sửa nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là phải định giá tài sản liên doanh xong mới tiến hành cổ phần hóa; các tỷ lệ phần trăm về biểu quyết, việc phát hành và chuyển nhượng cổ phiếu cũng như một số điều khoản bản dự thảo nêu ra chưa phù hợp với pháp luật quy định. Đặc biệt, ngoài việc bị sự chèn ép của các thành viên khác trong liên doanh, kể từ ngày Công ty cổ phần Baria Serece hoạt động Việt Hà cũng hoàn toàn không nhận được sự phân chia lợi nhuận...

Đến đây tưởng không phải mất thêm thời gian nữa vì luật đã quy định một đằng nhưng Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT lại áp dụng một nẻo. Và sự bất hợp pháp của Giấy chứng nhận đầu tư số 491032000030 do UBND tỉnh cấp cho Công ty cổ phần Baria Serece cũng không cần phải bàn cãi, vì nó ra đời trên cơ sở một bộ hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ và đang có tranh chấp.

Thế nhưng kiểm sát viên Vũ Thị Thoa, với tư cách đại diện cơ quan công tố đồng thời kiểm soát hoạt động tư pháp cấp tỉnh, một mặt phê phán nặng nề hai nhà đầu tư Bitex và Việt Hà là “thiếu thiện chí trong việc xây dựng công ty, gây khó khăn cho hoạt động và phát triển Công ty cổ phần Baria Serece”, mặt khác đã ngợi ca hết lời rằng sau khi Công ty cổ phần Baria Serece thành lập thì hoạt động của công ty phát triển, doanh thu tăng, quyền lợi của các cổ đông được đảm bảo... Và cuối cùng đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) bác đơn kiện của Bitex.

Rồi sau khi nghị án, HĐXX của TAND tỉnh BR-VT do thẩm phán Đặng Văn Ý làm chủ tọa cũng đi đến kết luận: “Công ty Bitex khiếu kiện yêu cầu UBND tỉnh BR-VT thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư số 491032000030 đã cấp cho Công ty cổ phần Baria Serece, là ý kiến riêng của Công ty Bitex và Việt Hà, đi trái lại nguyện vọng của tất cả cổ đông, làm ảnh hưởng đến các đối tác đầu tư nước ngoài làm ăn với Công ty cổ phần Baria Serece, làm mất uy tín của Nhà nước ta nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy HĐXX nhất trí với quan điểm của Viện Kiểm sát không chấp nhận yêu cầu khiếu kiện của Công ty Bitex và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Công ty Việt Hà”.

Đáng nói hơn, để bảo vệ “tính hợp pháp” cho Giấy chứng nhận đầu tư số 491032000030, HĐXX đã áp dụng điểm b, khoản 3, điều 104 Luật Doanh nghiệp năm 2005! Trên thực tế, nguyên văn điều luật này là: “Đối với quyết định về loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu điều lệ công ty không có quy định khác thì phải được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định”.

Điều khoản trên nói rõ phải dựa vào tỷ lệ do điều lệ công ty quy định. Nhưng trong trường hợp của Công ty cổ phần Baria Serece thì đâu có điều lệ đâu mà dựa vào? Hơn nữa, “kéo” điều luật này vào đây có hợp lý không khi mà những căn cứ pháp lý UBND tỉnh BR-VT tham chiếu để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Baria Serece là Nghị định 101/2006/NĐ-CP, Nghị định 88/2006/NĐ-CP, Nghị định 108/2006/NĐ-CP... Và tất cả những văn bản pháp luật ấy đều không có điều khoản nào cho phép doanh nghiệp “nợ điều lệ”?

Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.