Hồi nhỏ, không hiểu sao tôi cả quyết rằng dì Ba sinh ra chỉ để… nấu bánh canh. Ngày nắng cũng như ngày mưa, tầm bốn rưỡi, năm giờ sáng là dì lạch cạch đặt gánh bánh canh dưới gốc đa đầu xóm.
>> Độc đáo bánh canh cua nguyên con ở Sài Gòn
>> Đi ăn bánh canh cá lóc Quảng Trị
Mùa hè không nói làm gì, mùa đông giờ đó trời còn lạnh ngắt, tối thui. Vậy mà dì vẫn lui cui với gánh bánh canh dưới ngọn đèn tù mù treo trên nhành cây. Khác với “ông Đồ” của Vũ Đình Liên: “Qua đường không ai hay”, dì ngồi chưa ấm chỗ đã thấy năm sáu người ghé vào: anh xe thồ, chị bán cá, ông nông dân, bà hàng rau, mấy học trò trường huyện. Người ngồi trên rễ cây đa, người ngồi đòn tre, người ngồi lên cục gạch đợi dì múc bánh canh. Bình dị vậy nên tôi cho rằng dân ăn bánh canh không hề… chảnh. Ai cũng húp bánh canh xoàn xoạt, khen tiêu nồng, hành thơm, ngò đượm, bánh canh dẻo, chả cá dai...
|
Có đến bốn năm người nấu bánh canh ở làng tôi, nhưng “đỉnh” nhất vẫn là dì Ba. Hỏi bí quyết, dì nói có gì đâu, nấu bánh canh cần có cái… tình. Ơ hay, bánh canh mà cũng tình hả dì? Dì nói chớ sao, miếng ngon nhớ lâu, nỗi đau nhớ đời mà. Có cái tình với người ăn nên mua cá làm chả phải lựa cá tươi, viên chả mới săn lại, ngọt từ ngoài ngọt vô.
Xay bột phải chọn gạo tốt thì bánh mới dai; ủ bột, nhồi bột cũng đợi đúng giờ đúng giấc. Sớm hay trễ một canh giờ thôi, con bánh canh hoặc là bở hoặc là chua, không vừa miệng người ăn được đâu. Tôi nói dì ơi, lớn lên con làm ông to, nhất định con phong dì cái chức đứng đầu ngành thanh tra thực phẩm. Dì xua tay nói thôi thôi, đứng đầu ngành… bánh canh của làng là sang lắm rồi.
Tuần trước, bạn tôi từ Sài Gòn về thăm quê. Nó nói nhớ bánh canh. Tôi với mấy thằng nữa, đều là “tín đồ” của dì Ba, mới hừng đông chưa rõ mặt người đã hú nó ra gốc đa ngồi với tô bánh canh bốc khói. Nó vừa ăn vừa nói trong khói bánh canh cay cay hương vị quê nhà.
Như một tác phẩm nghệ thuật, hình như món ngon cũng làm người ta… xúc động. Có người xuýt xoa: “Úi chu cha dì Ba ơi! Bánh canh của dì húp tới đâu… nhẹ đầu tới đó”. Hôm nào xóm có khách vãng lai, “sức mua” tăng đột ngột, đôi tay dì thoăn thoắt múc bánh canh, rắc gia vị trông cứ như… múa. Em gái tôi nói đó là vũ điệu bánh canh.
Có lần tôi hỏi sao dì không xây quán bán trước nhà cho gần. Dì cười, nói làng cho tiền, dì xây liền. Mà thôi, dì ngồi đây quen rồi. Giờ đổi chỗ, gốc đa nhớ… bánh canh thì tội lắm.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)