Vụ gãy dầm cầu Chợ Đệm: Sẽ giám định lại chất lượng toàn bộ cầu

11/03/2009 23:09 GMT+7

* Bộ Giao thông vận tải: Đây là tai nạn lao động Mời nghe đọc bài Hôm qua 11.3, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết đã thành lập đoàn công tác thứ 2 vào làm việc tại hiện trường để tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự cố gãy phiến dầm cầu Chợ Đệm thuộc dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Sáng sớm 11.3, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã chủ trì cuộc họp có sự tham dự của Thứ trưởng Thường trực Ngô Thịnh Đức và các đơn vị có liên quan về sự cố gãy dầm cầu Chợ Đệm, thuộc dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Bộ trưởng đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu nhanh chóng khắc phục sự cố để sớm đưa công trình vào thi công trở lại, đồng thời hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra để xác định nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục và xử lý nghiêm vi phạm nếu có; tổ chức tang lễ chu đáo và hỗ trợ gia đình công nhân thiệt mạng, tiếp tục chăm lo cho công nhân bị thương.

Bộ trưởng đặc biệt lưu ý Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD và CLCTGT), chủ đầu tư, lãnh đạo các ban quản lý dự án tăng cường kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thi công khác phải thực hiện nghiêm quy trình, quy phạm về an toàn lao động trong quá trình thi công và đảm bảo vệ sinh môi trường. Bộ GTVT thành lập ngay đoàn công tác thứ 2 gồm Cục trưởng Cục QLXD và CLCTGT, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Phó chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam, Thanh tra Bộ vào làm việc tại hiện trường để tiếp tục làm rõ nguyên nhân và trực tiếp giải quyết các công việc liên quan sau sự cố, sớm đưa công trình vào thi công. Sáng cùng ngày, ông Đặng Trung Thành, Phó cục trưởng Cục QLXD và CLCTGT đã có mặt tại hiện trường để kiểm định và đánh giá sự cố. Cầu Chợ Đệm vượt sông Chợ Đệm có tổng số 150 dầm phải thi công và đơn vị thi công đã lao được 141 dầm.

Tại sao dầm cầu bị gãy?

Sau khi xem ảnh phiến dầm cầu Chợ Đệm của dự án đường cao tốc TP.HCM bị gãy đôi đăng trên Thanh Niên và nhiều báo khác hôm qua 11.3, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về chất lượng công trình. Ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, nói: "Đây là vấn đề nghiêm trọng, làm cho người ta nghi ngờ về chất lượng của các công trình giao thông khác. Không kiên quyết làm rõ thì sẽ lớn chuyện nếu xảy ra sự cố sau này...".

Bộ GTVT hôm qua nhận định đây là tai nạn lao động xảy ra trong quá trình thi công. Theo Bộ GTVT, tai nạn xảy ra trong lúc đang hạ dầm vào gối và đang cân chỉnh cao độ, do công nhân sơ suất trong thao tác sử dụng thiết bị nâng hạ đã gây ra rung lắc, làm mất ổn định bụng dầm (dầm I 42) nên dầm bị xoắn và gãy rơi xuống sông. Tổng giám đốc một công ty cổ phần chuyên sản xuất dầm cầu bê tông cũng có nhận định tương tự. Theo ông này, dầm cầu Chợ Đệm là loại dầm bê tông cốt thép chữ I, chịu lực đứng tốt hơn lực ngang. Loại dầm này nếu thi công bất cẩn có thể bị xoắn và gãy. Ông Đỗ Ngọc Dũng - Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) - thì lý giải đặc điểm của bê tông rất giòn, nếu trong quá trình cẩu bị vênh sẽ lập tức xảy ra sự cố. "Một khối dầm bằng bê tông dù rất lớn nhưng chỉ cần rớt từ trên xe xuống trong quá trình vận chuyển cũng sẽ gãy ngay" - ông Dũng nói. Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định cơ quan chức năng sẽ vẫn tiến hành kiểm định chất lượng bê tông của khối dầm bị gãy. Đồng thời, sau khi hoàn thành công trình cũng sẽ tiến hành thử tải cầu, và trong quá trình thử tải có giám định lại chất lượng toàn bộ cầu.

"Yêu cầu về an toàn lao động trong thi công và đảm bảo vệ sinh môi trường đã được Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ nhắc nhở nhiều lần tại các cuộc họp giao ban Bộ, giao ban xây dựng cơ bản toàn ngành và các buổi thăm, làm việc tại hiện trường, nhưng rất đáng tiếc tai nạn đã xảy ra" - ông Nguyễn Văn Công, người phát ngôn của Bộ trưởng GTVT cho biết.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Dương Tuấn Minh - Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận - cho biết nhà thầu Tổng công ty xây dựng Thăng Long có trách nhiệm khắc phục các thiệt hại, đúc và lắp đặt lại các nhịp dầm cầu sao cho đảm bảo đúng tiến độ công trình và không ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.

Giao thông thủy tiếp tục gián đoạn

Theo ghi nhận của Thanh Niên tại hiện trường ngày 11.3, trên cầu công nhân vẫn tiếp tục thi công các phần việc ở những khu vực còn lại, trừ nơi xảy ra tai nạn đang chờ huy động 2 cần cẩu nổi 80 tấn để tháo dỡ thanh dầm bị gãy. Công ty cổ phần bê tông 620 đã điều động cần cẩu từ Cần Thơ lên để giúp Tổng công ty Thăng Long tháo dỡ, phải mất 1 ngày di chuyển mới đến TP.HCM. Bộ GTVT cho biết việc tháo dỡ sẽ được tiến hành trong vòng 24 giờ.

Ông Trịnh Nam Sơn, Phó giám đốc Ban điều hành dự án thuộc Tổng công ty xây dựng Thăng Long, cho biết hiện cơ quan điều tra đang tiến hành kiểm tra hiện trường vụ tai nạn nên nhà thầu chưa thể tiến hành tháo dỡ nhịp dầm bị gãy nằm dưới sông như dự kiến. Ông Sơn khẳng định khi được sự đồng ý của cơ quan chức năng, nhà thầu sẽ tiến hành giải tỏa hiện trường lập tức nhằm đảm bảo lưu thông thủy qua đoạn sông xảy ra tai nạn. Theo ông Sơn, vụ tai nạn sẽ không làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình vì nhà thầu đang tiến hành đúc lại 2 dầm cầu bị hỏng và chỉ trong vòng 38 ngày tới có thể bắt tay vào lắp đặt các nhịp dầm. Đến nay, việc lưu thông trên đoạn sông Chợ Đệm xảy ra tai nạn - một trong hai tuyến giao thông thủy chính đi từ TP.HCM về miền Tây vẫn bị gián đoạn hoàn toàn. Các tàu thuyền lưu thông bị chặn ở hai đầu Bến Lức và Bình Điền (Long An) và sẽ phải lưu thông qua đường kênh nước mặn vào sông Cần Giuộc đến bến Phú Định. Ông Lê Hải Sơn - Trạm trưởng Trạm quản lý đường thủy nội địa Phú An, Đoạn quản lý đường sông số 10 -cho biết, hằng ngày đoạn sông Chợ Đệm có khoảng 150 tàu lớn qua lại, chưa kể các tàu thuyền nhỏ. Ông Sơn cho rằng đây là sự cố nghiêm trọng không kém sự cố sập cầu Bình Điền năm 1998.

Luật sư Trương Xuân Tám, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Ở vụ tai nạn sập dầm cầu Chợ Đệm, cơ quan điều tra có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự.

Theo quy định, người nào có hành vi vi phạm quy định, quy chuẩn về an toàn lao động, là một trong các nguyên nhân dẫn đến tai nạn thì phải bị chịu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về an toàn lao động” theo Điều 227 Bộ luật Hình sự, có hình phạt tối đa đến 12 năm tù. Nếu người nào có trách nhiệm về khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nghiệm thu công trình mà vi phạm quy trình, tiêu chuẩn… dẫn đến gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229 Bộ luật Hình sự, có mức hình phạt tối đa đến 20 năm tù”.

Một công nhân đã qua đời

Lúc 23 giờ 15 phút ngày 10.3, anh Trần Văn Thảnh – 26 tuổi, quê Nam Định, một trong 2 công nhân bị thương trong vụ gãy dầm cầu Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - đã qua đời. Ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết đã hỗ trợ cho gia đình anh Thảnh 3 triệu đồng, hỗ trợ gia đình anh Trần Đình Trung – công nhân bị thương còn lại - 2 triệu đồng.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Ngọc Dũng - Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) - nói, đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm lo toàn bộ chi phí cho gia đình công nhân Trần Văn Thảnh và tập trung cứu sống công nhân Trần Đình Trung đang nằm viện.

Cảnh sát điều tra khám nghiệm hiện trường

Chiều 11.3, một lãnh đạo của Công an H.Bình Chánh (TP.HCM) cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an H.Bình Chánh phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự (PC21) Công an TP.HCM cùng một số cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường. Vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân xảy ra vụ sập dầm cầu. Theo ghi nhận ban đầu, có thể do thao tác kỹ thuật của công nhân trong quá trình điều khiển hạ cáp để lắp dầm vào cầu không đồng bộ dẫn đến sự cố nói trên. (Đ.Huy)

Chiều 11.3, một lãnh đạo của Công an H.Bình Chánh (TP.HCM) cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an H.Bình Chánh phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự (PC21) Công an TP.HCM cùng một số cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường. Vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân xảy ra vụ sập dầm cầu. Theo ghi nhận ban đầu, có thể do thao tác kỹ thuật của công nhân trong quá trình điều khiển hạ cáp để lắp dầm vào cầu không đồng bộ dẫn đến sự cố nói trên. (Đ.Huy)

Mai Vọng –  Nguyễn Đình Mười - Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.