(TNO) Trung Quốc đang ngày càng giảm sự lệ thuộc vào Nga trong sản xuất tên lửa. Tuy nhiên, loại tên lửa hành trình diệt hạm tân tiến nhất trong hải quân Trung Quốc hiện nay vẫn do Nga cung cấp.
Tàu chiến của Nga và Trung Quốc trong một cuộc tập trận hồi tháng 5 vừa qua - Ảnh: Reuters
|
Trên đây chỉ là một ví dụ điển hình về sự hợp tác quân sự, tưởng rằng ngày càng lỏng lẻo do Trung Quốc tăng cường khả năng “tự cung tự cấp” vũ khí nhưng thực ra là rất chặt chẽ giữa 2 đất nước rộng lớn.
Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở tại Washington, Mỹ) vừa có một báo cáo chi tiết về các công nghệ quân sự mà Nga chia sẻ với Trung Quốc, giúp quân đội Trung Quốc tăng cường đáng kể năng lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo phân tích của CSIS, sự hợp tác với Nga giúp cho quốc gia đông dân nhất thế giới có thể mở rộng đáng kể năng lực hoạt động quân sự ở Tây Thái Bình Dương. Theo báo cáo, Mỹ đang theo dõi Trung Quốc ở Biển Đông rất sát sao, đặc biệt lo ngại trước các hành động của Trung Quốc trong thời gian qua.
Dẫu các tuyên bố về mặt ngoại giao cho thấy Mỹ đã rời khỏi chính sách trung lập trong vấn đề Biển Đông, nhưng CSIS dẫn một số nguồn tin cho rằng Mỹ vẫn không ở tư thể đủ mạnh để phản ứng một cách mạnh mẽ, quyết đoán trước các hành động của Trung Quốc.
Cái bắt tay giữa Nga và Trung Quốc đem lại lợi ích cho cả đôi bên - Ảnh: Reuters
|
Dẫu Nga, Mỹ, Trung Quốc có khả năng cùng bên nhau một cách êm thấm để làm những việc đại loại như đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran, sự đối đầu bên trong vẫn chưa bao giờ thôi tồn tại. Một ví dụ dễ thấy hiện nay là cuộc đối đầu Nga - Mỹ vẫn đang rất căng thẳng sau vụ Nga sáp nhập Crimea.
Chính vì vậy, sự hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc cũng được Mỹ quan tâm đặc biệt. Trang web Valuewalk.com dẫn báo cáo của CSIS cho thấy dưới sự hỗ trợ về mặt công nghệ của Nga, các tàu hải quân của Trung Quốc có thể tự vệ hiệu quả trước các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa tầm xa của Mỹ.
Mặc dù xuất khẩu vũ khí của Nga sang Trung Quốc đã giảm đáng kể từ năm 2006 do Trung Quốc ngày càng tăng cường năng lực tự sản xuất, chẳng hạn sản xuất tên lửa hành trình, tuy nhiên các tên lửa hành trình diệt hạm (ASCM) tối tân nhất của Trung Quốc vẫn do Nga cung cấp hoặc Trung Quốc chế tạo theo phiên bản của Nga như loại YJ-12, YJ-18, CX-1.
ASCM - với các cảm biến hoạt động hiệu quả ở tầm xa - đóng vai trò nổi bật trong việc giúp hải quân Trung Quốc phòng vệ. Nhưng ASCM không chỉ giúp phòng vệ. Theo CSIS, nó còn có thể giúp cả Trung Quốc và Nga tấn công các tàu hải quân tầm trung, thậm chí có thể tấn công các cơ sở quân sự của Mỹ.
Thêm một ví dụ khác: đội tàu chiến của Trung Quốc vẫn đang lệ thuộc rất nhiều vào công nghệ radar của Nga trong các hoạt động do thám và theo dõi. Báo cáo nhận định rằng nếu không bắt tay với Nga trong lĩnh vực này, Trung Quốc sẽ phải tự dựa vào năng lực bản thân và sẽ bị hạn chế đáng kể năng lực hoạt động.
Tàu khu trục Bystry của Nga đến Thượng Hải (Trung Quốc) tập trận hồi năm 2014 - Ảnh: Reuters
|
Dẫu Trung Quốc đã và đang đổ rất nhiều tiền của, công sức để cố gắng tăng cường năng lực tự sản xuất vũ khí, khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và Nga vẫn còn rất xa trong nhiều lĩnh vực. Năng lực chống tàu ngầm là một ví dụ điển hình nữa. Khác với Trung Quốc, Nga là nước rất rành về tàu ngầm và không thiếu kinh nghiệm tiến hành các chiến dịch chống tàu ngầm của Mỹ hoặc các mục tiêu khác.
Chính vì thế, sự hợp tác quân sự của Nga và Trung Quốc, theo nhận định của CSIS sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Bình luận (0)