TNO

Vũ khí nào của Mỹ có thể khiến Việt Nam quan tâm?

24/05/2016 10:34 GMT+7

(Tin Nóng) Vũ khí Mỹ rất đắt tiền, và hầu như không tương thích với vũ khí Nga, do vậy Mỹ chỉ có thể cung cấp cho Việt Nam máy bay trinh sát biển hay phụ tùng của các loại khí tài của Mỹ mà Việt Nam thu được sau năm 1975, theo phân tích của Nikkei Asian Review (Nhật Bản).

(Tin Nóng) Vũ khí Mỹ rất đắt tiền, và hầu như không tương thích với vũ khí Nga, do vậy Mỹ chỉ có thể cung cấp cho Việt Nam máy bay trinh sát biển hay phụ tùng của các loại khí tài của Mỹ mà Việt Nam thu được sau năm 1975, theo phân tích của Nikkei Asian Review (Nhật Bản).

Sĩ quan Hải quân Việt Nam bay thử trên máy bay tuần tra biển và săn ngầm P-3C Orion của Không đoàn tuần tra 47 (VP-47) ở Kaneoha, Hawaii (Mỹ) ngày 13.4.2016 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Ngày 23.5.2016, tại cuộc họp váo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang ở Hà Nội, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam kéo dài hàng chục năm nay, kể từ sau năm 1975.

Dù vào tháng 10.2014, Mỹ nới lỏng phần nào lệnh cấm vận này khi cho phép cung cấp một số khí tài quân sự, nhưng vũ khí sát thương vẫn còn bị cấm cho đến hôm nay.

Tuy nhiên như nhiều bình luận của các chuyên gia quốc phòng thế giới, việc bỏ cấm vận hoàn toàn về vũ khí sát thương của Mỹ không có nghĩa là Việt Nam sẽ nhanh chóng mua sắm vũ khí Mỹ. Hiện lực lượng vũ trang Việt Nam sử dụng hơn 90% vũ khí, khí tài có nguồn gốc từ Liên Xô và Nga.

Trong bài báo ra ngày 20.5, Nikkei Asian Review cho rằng loại máy bay trinh sát biển và săn ngầm P-3C Orion và máy bay vận tải C-130H của Mỹ là những khí tài Việt Nam có thể quan tâm, theo lời một quan chức quân sự Mỹ giấu tên.

Sĩ quan Hải quân Việt Nam và Mỹ chụp ảnh lưu niệm bên chiếc P-3C Orion của phi đội Kiếm sĩ vàng (Golden Swordsmen) thuộc Không đoàn tuần tra 47 (VP 47) ở Kaneoha, Hawaii ngày 13.4 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Loại máy bay tuần tra biển P-3C Orion của Lockheed Martin có thể giúp Việt Nam thêm năng lực giám sát biển ở các khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hồi tháng 5.2015, khi hai chiếc P-3C của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản ghé thăm Đà Nẵng, có khoảng 70 sĩ quan quân đội Việt Nam đã lên thăm loại máy bay này.

Tuy nhiên vũ khí Mỹ rất đắt tiền, và không thể tương thích với vũ khí, khí tài Nga đang được Việt Nam sử dụng (chiếm đến 95%, từ máy bay chiến đấu, tàu chiến đến tàu ngầm). Nikkei Asian Review cho biết giá máy bay chiến đấu của Mỹ đắt hơn 4 lần giá máy bay chiến đấu cùng loại của Nga. Đạn dược, nhiên liệu, phụ tùng và dịch vụ bảo dưỡng của vũ khí Mỹ cũng khác với của Nga, do vậy việc thay thế từng phần là cực khó.

Với loại máy bay trinh sát biển và săn ngầm như loại P-3C Orion, Việt Nam không có yêu cầu trang bị công nghệ nhận dạng tàu ngầm từ tiếng động phát ra từ chân vịt của tàu, theo một quan chức tiết lộ với Nikkei Asian Review.

Ảnh hưởng trước mắt của việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam là có thể cung cấp phụ tùng thay thế cho các khí tài của Mỹ để lại Việt Nam sau 1975. Trong ảnh: Kiểm tra kỹ thuật trực thăng UH-1 do Mỹ chế tạo, ta thu được sau năm 1975 - Ảnh: Đỗ Tuấn

Chiến đấu cơ F-5 do Mỹ chế tạo, đang trưng bày tại Bảo tàng quân đội ở Hà Nội - Ảnh: AFP

 
Mẫu tàu tuần tra loại 45 feet của hãng Mỹ Metal Shark đóng cho Cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực xưởng Franklin (bang Louisiana), tháng 2.2016 - Ảnh: Metal Shark

Tạp chí Nhật Bản cho rằng ảnh hưởng ngắn hạn trước mắt từ việc bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ với Việt Nam là cơ hội cung cấp các phụ tùng thay thế cho các loại khí tài của Mỹ để lại ở Việt Nam sau 1975, như trực thăng và xe tăng, xe thiết giáp…

Còn truyền thông Nga cũng dè dặt cho rằng sắp tới vũ khí của Nga sẽ giáp mặt đối thủ mạnh mẽ là Mỹ tại thị trường Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.