Vụ khủng bố ở London: Cuộc truy lùng thủ phạm

23/07/2005 00:19 GMT+7

*Cảnh sát bắn chết một người Nam Á trong ga tàu điện ngầm Không người chết, không ai phải vào bệnh viện, chỉ một người bị thương nhẹ, nhưng sự cố đặt bom tại 3 ga tàu điện ngầm và trên 1 xe buýt hôm 21.7 đủ khiến người dân London thêm một lần nữa rơi vào tâm trạng lo sợ, hoài nghi, chẳng biết tiếp theo sẽ xảy ra điều gì.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý?

Nhiều quan chức an ninh Anh cho rằng, vụ đặt bom hôm 21.7 xem ra có nhiều điểm tương đồng với vụ khủng bố đẫm máu xảy ra cách đây nửa tháng. Hung thủ cùng sử dụng những quả bom tự chế và giấu chúng trong ba-lô. Cả hai vụ có cùng mục đích là giết người và gieo rắc sợ hãi khi cho những quả bom nổ tung gần như cùng lúc tại những địa điểm giống nhau (dưới đường tàu điện ngầm và trên xe buýt).

Nhìn vào bản đồ, các quan chức an ninh Anh giật nảy mình khi  4 vị trí đặt bom hôm 21.7 tạo thành hình dấu thập, y hệt vụ 7.7 trước đó. Những chiếc ba-lô được sử dụng để giấu bom cũng cùng một kiểu dáng như vụ trước. Kết quả phân tích sơ bộ bom do các chuyên gia pháp y đưa ra cho thấy: Bom dùng trong vụ 21.7 nhỏ hơn so với vụ trước đó nhưng cũng là bom tự chế bằng TATP, một loại thuốc nổ không ổn định được chế tạo từ hỗn hợp thô các hóa chất được bày bán công khai trên thị trường như axit, acetone, peroxide. Tất cả những điều này khiến người ta không thể không nghi ngờ là 2 đợt tấn công đều do một tổ chức thò tay vào. Tuy nhiên, trong ngày 21.7 vừa rồi, bọn khủng bố chỉ thành công trong việc tạo ra tâm lý sợ hãi nhất định trong lòng dân chúng London vì không có quả bom nào phát nổ như kế hoạch của bọn chúng.  Các báo cáo ban đầu cho rằng, quả bom do một hành khách để lại trên tầng 2 chiếc xe buýt số 26 ở đường Hackney phía đông London đã nổ nhưng tình báo Anh sau đó đã bác bỏ điều này.

5 phát đạn ở cự ly gần

Người dân Anh hôm qua lại thêm một lần phải chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng khi cảnh sát bắn chết một người đàn ông Nam Á ngay trước mắt họ tại ga tàu điện ngầm Stockwell, phía nam London, khá gần nhà ga Oval vừa bị đặt bom một ngày trước đó. Các nhân chứng cho biết, ông này bị cảnh sát rượt rồi bị trượt chân. Ngay lập tức, cảnh sát xô ông ta xuống sàn nhà và bắn 5 phát. Lúc đó ông mặc áo khoác dày và không mang theo túi xách. Khỏi phải nói cũng biết những người chứng kiến kinh hãi ra sao, nhất là sau 2 vụ khủng bố vừa qua. "Ông ta chết như một con cáo bị dồn vào chân tường"- một nhân chứng run rẩy kể lại. Một hành khách tên là Briony Coetsee thì kể: "Chúng tôi đang ở trên tàu, đột nhiên có tiếng la lớn: "Ra ngoài! Ra ngoài!" sau đó là mấy tiếng súng nổ. Hành khách trên chuyến tàu được sơ tán ngay lập tức". Đường tàu này đã được lệnh tạm ngưng hoạt động. Các phương tiện truyền thông đại chúng ở Anh đưa tin người đàn ông kể trên là một nghi can trong vụ tấn công hôm 21.7.

Truy lùng thủ phạm

Cảnh sát Anh đang tiến hành cuộc truy lùng thủ phạm trên diện rộng đối với 4 kẻ đặt bom (tình nghi là người Anh gốc Pakistan) đã trốn thoát. Các hình ảnh và thông tin liên quan đến thủ phạm được khuyến khích gửi đến trang web www.police.uk hoặc thông báo đến số điện thoại đường dây nóng của cảnh sát Anh: 0800 789 321. Trước đó, ngay sau khi sự cố xảy ra, 2  nghi can (1 trên đường Tottenham Court, 1 trên đường Downing) đã bị bắt, nhưng 1 người đã được thả còn người bị bắt trên đường Downing vẫn bị giam giữ để điều tra.

Mỹ và châu u lo sốt vó

Vụ 21.7 tại London chính là một thông điệp cảnh báo mạnh mẽ nhất về khả năng đe dọa thường xuyên của khủng bố. Liên minh châu u (EU) đã khẳng định như vậy hôm 21.7 đồng thời cho rằng điều này có nghĩa là chẳng ai được an toàn cả. Tại Pháp và Tây Ban Nha, các quan chức có cuộc họp khẩn cấp ngay đêm 21.7 để củng cố tình trạng báo động hiện đang ở mức cao nhất, đồng thời tái xác định các mối đe dọa đến các đất nước này. Trong khi cuộc điều tra thủ phạm vụ 7.7 vẫn chưa có tiến triển đột phá nào, sự cố hôm 21.7 thật sự càng làm ngột ngạt hơn bầu không khí lo sợ đang bao trùm châu u.

Mỹ vẫn giữ mức báo động màu cam (cao thứ 2) nhưng cho biết sẽ khám xét đột xuất túi xách, ba-lô của bất kỳ hành khách nào đi tàu điện ngầm tại thành phố New York, nơi có 4,5 triệu lượt khách lên xuống 486 nhà ga tàu điện ngầm mỗi ngày. Lệnh khám xét cũng được áp dụng đối với hành khách đi xe buýt và xe lửa. Người nào từ chối khám xét sẽ không được lên xe hay tàu. (BBC, NYTimes)

Uyên Phi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.