Vụ kiện về chất độc da cam : Ba công dân Việt Nam sẽ thắng kiện?

09/02/2004 10:18 GMT+7

Ba công dân Việt Nam: bà Phan Thị Phi Phi – giáo sư Đại học Y Hà Nội; ông Nguyễn Văn Quý - cựu chiến binh; bà Dương Quỳnh Hoa – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam đã chính thức “đâm đơn” kiện khoảng 20 công ty của Mỹ, các đơn vị đã sản xuất chất độc da cam những năm 1960 – 1970 theo đơn đặt hàng của Chính phủ Mỹ để sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Đây là vụ kiện hy hữu trong lịch sử ngành tư pháp Hoa Kỳ, liệu ba công dân “tí hon” này có thắng nổi các “gã khổng lồ”?

Vì sao phải kiện?

GS-TS Nguyễn Trọng Nhân – Phó chủ tịch Hội Cứu trợ nạn nhân chất độc da cam, cơ quan đại diện cho ba cá nhân đứng đơn, cho biết: “Quân đội Mỹ đã rải chất độc, trong đó có chất da cam tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến năm 1971. Và cho đến nay ta vẫn tiếp tục phát hiện ra những kho chất độc mà Mỹ để lại ở một số nơi. Vấn đề tác hại của chất độc da cam, trong đó có nạn nhân của những chất độc đó, nảy sinh ngay từ khi rải. Sau này, chúng ta càng ngày càng thấy rõ tác hại của nó tới sức khỏe con người và môi trường.

Trong lịch sử pháp luật Hoa Kỳ đã có nhiều vụ kiện tương tự. Vụ kiện đòi các hãng sản xuất thuốc lá bồi thường là một ví dụ. Ngoài ra còn có nhiều vụ kiện tương tự mà các nguyên đơn là người không có quốc tịch Hoa Kỳ. Riêng đối với trường hợp nguyên đơn là các nạn nhân của chất độc màu da cam trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam thì một vụ kiện tương tự đã xảy ra vào năm 1985. Khi đó, tất cả các cựu chiến binh Hoa Kỳ bị nhiễm chất dioxin đã khởi kiện các công ty hóa chất nước này lên Tòa Thượng thẩm Liên bang Hoa Kỳ và đơn kiện được chấp nhận.
Tòa Thượng thẩm đã ra phán quyết buộc các công ty hóa chất phải chi một khoản tiền 180 triệu USD để lập quỹ bồi thường cho các cựu binh Hoa Kỳ. Đến năm 1997, số tiền này đã được chi hết cho việc bồi thường cho những cựu chiến binh là nạn nhân của chất độc màu da cam.
Tuy nhiên, đến năm 2003, các nạn nhân chất độc da cam Hoa Kỳ lại tiếp tục khởi kiện lên Tòa án Thượng thẩm Hoa Kỳ đòi bồi thường cho những trường hợp bệnh tật phát sinh sau khi việc bồi thường theo phán quyết 1985 chấm dứt, thậm chí là cho cả con cái của họ (thế hệ 1) và những thế hệ 2, 3… Điển hình là trường hợp của Daniel Stephenson, một cựu binh, phát hiện mình bị ung thư năm 1998. Ngày 9/6/2003, Tòa án Thượng thẩm Hoa Kỳ cũng đã chấp nhận đơn kiện này.

Để góp phần giải quyết hậu quả, khi Ngoại trưởng Mỹ Albright, sau đó là Tổng thống Clinton sang thăm Việt Nam, chúng ta đã có những trao đổi và đề nghị Mỹ giúp đỡ cho những nạn nhân chất độc hóa học, trong đó chủ yếu là chất độc da cam. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà sang thăm Mỹ cũng đã nêu vấn đề phía Mỹ cần có hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

“Thời gian qua, chúng ta đã thiện chí đề xuất với Mỹ giải quyết vấn đề này với con đường êm ả nhất. Nhưng phía Mỹ đã im lặng. Không phải vì họ thiếu tiền mà phía Mỹ chưa thấy được trách nhiệm của mình trong việc này nên bắt buộc những nạn nhân của chúng ta phải kiện” – ông Nhân nói.

Dùng chính căn cứ, tư liệu của Mỹ để kiện

Theo giáo sư Nhân, chứng lý để ta khởi kiện không phải ở đâu xa mà chính là những tư liệu, bằng chứng mà Mỹ từng công bố trên báo chí. Chính quân đội Mỹ đã công bố từng rải 76 triệu lít chất độc da cam/dioxin vào Việt Nam những năm 1961 – 1971. Ngoài ra còn có nhiều tư liệu khảo sát, nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ về hậu quả, nạn nhân của chất độc da cam được công bố trên báo chí.

Đặc biệt, ba người đứng đơn kiện cũng chính là bằng chứng sống về di hại của chất độc da cam. Họ mang trong mình những bệnh thuộc danh mục bệnh tật mà Viện Hàn lâm khoa học Mỹ và Viện Y học Mỹ đã thừa nhận là hậu quả của việc sử dụng chất độc da cam. Cụ thể, năm 1999, bà Dương Quỳnh Hoa đã được một giáo sư Mỹ đưa máu qua Đức để xét nghiệm, kết quả nồng độ chất độc dioxin ở trong máu là 20 ppt (1 ppt bằng một phần nghìn tỉ gram). Tính ngược trở lại, vào những năm 1970, nồng độ dioxin trong máu của bà Hoa khoảng 300 ppt (tỷ lệ dioxin cho phép tối đa trong máu ở các nước công nghiệp là từ 6-8 ppt). Giáo sư Nguyễn Thị Phi Phi, từng ở các chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi, liên tiếp bị sảy thai 4 lần trong các năm từ 1971 – 1973. Ông Nguyễn Văn Quý, quê Hải Dương, hiện đang sống tại Hải Phòng, có hai con đều bị dị tật bẩm sinh, bản thân ông bị ung thư phổi.

Khả năng thắng kiện rất cao

Ông Lê Thanh Sơn - luật sư điều hành Hãng luật AIC - Lawyers & Consultants (Việt Nam) cho biết: Trước hết, cần phải hiểu rằng đây là một vụ kiện dân sự, nghĩa là các nạn nhân chất độc màu da cam khởi kiện các công ty hóa chất đã sản xuất ra dioxin được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (khoảng từ 1961 – 1971) để đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe. Bị đơn của vụ kiện này là các công ty hóa chất Hoa Kỳ chứ không phải là Chính phủ Hoa Kỳ. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này là Tòa Thượng thẩm Liên bang chứ không phải là Tòa án Quốc tế.

Những em bé dị tật - nạn nhân của chất độc da cam ở Quảng Nam.

Việc khởi kiện các công ty hóa chất của Hoa Kỳ là hoàn toàn có cơ sở pháp luật. Pháp luật Hoa Kỳ quy định rất rõ ràng về nghĩa vụ pháp lý của các công ty đối với sản phẩm mà mình sản xuất. Luật pháp Liên bang Hoa Kỳ cũng có quy định rất rõ về quyền khởi kiện của người nước ngoài sử dụng hoặc bị ảnh hưởng bởi sản phẩm của nhà sản xuất. Nhà sản xuất phải đền bù thiệt hại, kể cả cho người nước ngoài vì những độc hại do sản phẩm của mình gây ra.

Theo ông Sơn, để nắm chắc phần thắng trong vụ kiện như thế này, nguyên đơn phải xây dựng hồ sơ bệnh án đầy đủ và thuyết phục. Đây là yếu tố quyết định việc tòa án có chấp nhận đơn kiện hay không.

Việc xây dựng hồ sơ bệnh án phải làm công phu, bao gồm cả những tư liệu, hình ảnh hoặc băng video… “Như chúng ta đều biết, dioxin mặc dù là chất “độc nhất trong các chất độc”, nhưng lại có khả năng tự phân hủy và thải ra ngoài theo thời gian. Do đó, rất khó để xác định được những dị tật, tổn hại sức khỏe của các nạn nhân là do dioxin gây ra, đặc biệt là đối với các nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba.

Vì vậy, việc cần làm ngay là xây dựng hồ sơ bệnh án cho các nạn nhân đời đầu (thế hệ gốc và thế hệ 1) trước khi những nạn nhân này qua đời. Sau đó hoàn thiện hồ sơ về các thế hệ 2, 3… Việc làm này cần có sự hỗ trợ rất lớn từ các bác sĩ, chuyên gia, tổ chức y tế nước ngoài và quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ” – ông Sơn nói.

(Theo Pháp Luật TPHCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.