Vụ lãnh đạo Alibaba bị bắt: Chính quyền địa phương không thể vô can với “dự án ma”

20/09/2019 07:00 GMT+7

Việc để Công ty Alibaba vẽ hàng loạt “ dự án ma ” ở nhiều tỉnh thành suốt thời gian dài, thậm chí không ít “ dự án ” đã được làm đường, phân lô..., nhiều bạn đọc cho rằng phải truy trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Gần 1 năm qua, Báo Thanh Niên liên tục có những bài viết phản ánh các “dự án ma” của Công ty Alibaba tại nhiều tỉnh, thành như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai. Thế nhưng, một số chính quyền địa phương những nơi này đã vào cuộc thiếu quyết liệt, để “dự án ma” tồn tại thời gian dài khiến Alibaba càng lộng hành, người dân thêm thiệt hại.
Tại Đồng Nai, thời gian qua Công ty CP địa ốc Alibaba đã rao bán đất nền của 29 “dự án ma”, dù cho đến nay UBND tỉnh Đồng Nai vẫn khẳng định chưa ban hành bất cứ quyết định giao đất hay cho thuê đất nào để Alibaba thực hiện dự án. Trong số 29 dự án được rao bán, hiện trạng hầu hết đang là đất nông nghiệp hoặc đất rừng chưa được xây dựng cơ sở hạ tầng. Riêng một số dự án ở Long Thành, đặc biệt tại xã Long Phước (có đến 20 dự án), thì Alibaba cho xây dựng trái phép văn phòng giao dịch và làm hạ tầng giao thông...
PV Thanh Niên đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai để làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương khi Công ty Alibaba rao bán dự án “ma” trong thời gian dài nhưng đều không nhận được câu trả lời. Trong khi đó, tại buổi họp báo vào chiều 15.3.2019 do UBND tỉnh và Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức, trả lời PV Thanh Niên về trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để cho Công ty Alibaba san lấp mặt bằng, làm đường giao thông, dùng ô tô đưa khách hàng đến “dự án” để giao dịch mua bán... trong thời gian dài, ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành (nay là Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN H.Long Thành), nói: “Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã yêu cầu xử lý nghiêm khắc về vấn đề này. Nhiều cán bộ đã bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, khiển trách, điều chuyển công tác...

Do buông lỏng quản lý ở địa phương”.

Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Công ty CP địa ốc Alibaba rao bán 7 “dự án ma” tại TX.Phú Mỹ. Qua điều tra ban đầu của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ ngày 23.4.2017 - 9.10.2018, Công ty Alibaba đã nhận góp vốn đầu tư của hàng ngàn khách hàng, với tổng cộng 3.333 nền đất, thu về số tiền hơn 770 tỉ đồng. Ngày 19.9, trả lời PV Thanh Niên về trách nhiệm của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ, cho biết: “Hiện nay các “dự án ma” mà Công ty Alibaba phân lô, bán nền trên địa bàn đã được các xã, phường xử lý, cưỡng chế, cuốc đường nhựa do làm không xin phép cơ quan chức năng, để trả lại hiện trạng đất ban đầu. Để xảy ra tình trạng vi phạm này do có sự quản lý lỏng lẻo của các phòng, ban và UBND xã, phường, nơi có “dự án ma”. UBND TX.Phú Mỹ đã chỉ đạo lãnh đạo các địa phương tự kiểm điểm trách nhiệm của mình, xem đây là bài học để rút kinh nghiệm. Sắp tới, tùy vào mức độ vi phạm, UBND TX.Phú Mỹ sẽ có hình thức xử lý nghiêm”.
Còn tại Bình Thuận, Công ty CP địa ốc Alibaba rao bán 2 “dự án ma” trên địa bàn H.Hàm Tân, gồm: Alibaba Thắng Hải NewTimes City (35 ha) và Alivenice City (179 ha) với khẩu hiệu quảng bá “vượt qua khủng hoảng, vươn đến thành công”. Công ty Alibaba đã đưa nhiều ô tô, chở hàng trăm khách hàng từ nhiều nơi đến xem dự án. Thậm chí, các xe ô tô chở khách hàng chạy vào sân của UBND H.Hàm Tân nhằm “lòe” những người có nhu cầu mua đất rằng dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Trong khi đó, động thái của chính quyền địa phương cũng chỉ là cắm bảng cảnh báo cho người dân biết “dự án ma”, công khai số điện thoại của chính quyền xã để người dân cần thông tin liên hệ, giao công an xã canh chừng không cho bất cứ người nào vào các khu “dự án ma” san ủi, hay làm đường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.