Vụ lừa đảo "đô la đen" ly kỳ - Kỳ 2: Theo dấu kẻ lừa đảo quốc tế

30/03/2008 22:57 GMT+7

Sau khi bị Jay Tessy Pedro (dùng hộ chiếu mang quốc tịch Lào để ra vào VN) lừa mất 18.500 USD vào ngày 14.3 và trốn thoát về hướng biên giới Campuchia, chị N.T.M.S (sinh năm 1974, cử nhân ngoại ngữ) đã nhờ một người quen ở TP.HCM liên hệ với một cán bộ điều tra có quan hệ với một thiếu tướng Campuchia, với mong muốn nhờ ông này kiểm tra thông tin xem Jay đi nước nào khi ra khỏi Campuchia. >> Kỳ 1: Cú lừa tình ngoạn mục

Người cán bộ điều tra này cho rằng, có dấu hiệu Jay là một trùm lừa đảo quốc tế chuyên dựng các vụ lừa đảo bằng "đô la đen" và có thể y đã nằm trong danh sách truy xét đặc biệt của Interpol quốc tế. Việc tìm ra tung tích đối tượng này phải có sự kết hợp của cơ quan cảnh sát các nước liên quan và cần có thời gian.

Chiều 30.3, đại tá Phạm Hỗ, Chánh văn phòng Interpol, Bộ Công an cho biết, trong thông tin ban đầu gửi tới ông, chị S. chưa nói rõ sự việc này liên quan đến tội phạm rửa tiền đô la đen mà chỉ nói rằng bị người tình nước ngoài lừa mất 18.500 USD. Vụ việc đang được làm rõ nhưng gặp khó khăn vì đối tượng lừa đảo dùng hộ chiếu giả. Đại tá Hỗ đề nghị chị S. gửi ngay toàn bộ chứng cứ, tài liệu liên quan vụ việc tới Văn phòng Interpol. PV Thanh Niên đã lập tức liên lạc và được chị S. cho biết sẽ cung cấp toàn bộ giấy tờ liên quan và xin được cộng tác chặt chẽ với Interpol VN để truy xét đối tượng lừa đảo.

Chị S. cho biết, buổi chiều 14.3 Jay trốn khỏi VN thì đến tối cùng ngày y đã có mặt ở Phnom Penh. Tối hôm đó, trong khi chị S. đang vào mạng để chat với các bạn bè, xem có ai hiến kế giúp đỡ tìm ra tên lừa đảo ở đâu không thì Jay xuất hiện và chat với chị S., nói rằng đang ở Vũng Tàu... Chị S. biết hắn nói dối nhưng vẫn giả như không biết và tiếp tục chat với Jay. Lúc đó có một bạn gái của chị cũng ngồi bên cạnh. Quá bức xúc vì vụ lừa đảo 18.500 USD, người bạn này nói với S. để chị ta chat với Jay một lát. Qua chat, cô bạn nóng tính này đã không tiếc lời mạt sát, nguyền rủa thủ đoạn lừa tình, lừa tiền đê hèn của Jay, thậm chí đe dọa rằng đã báo cảnh sát khắp nơi, kể cả Campuchia để truy lùng Jay. Tiếp theo, khi chat lại với chị S., Jay tỏ ra rất bực mình và có vẻ lo sợ, nên Jay không chat nữa. Mặc dù chị S. có hẹn Jay chat vào sáng sớm hôm sau nhưng cũng không thấy hồi âm.

Sau đó, chị S. đã đến Văn phòng Interpol VN để trình báo sự việc và cung cấp toàn bộ thông tin cho cơ quan này. Trong khi chờ đợi sự phản hồi của cơ quan Interpol, ngày 20.3, chị S. đã tự mình dò tìm tung tích của thủ phạm và viết e-mail cho Jay nói rằng chị vẫn thương nhớ hắn vàâ tin tưởng vào số tiền 500.000 USD thừa kế cùng chuyện rửa tiền đô la đen bằng hóa chất là có thật. Lập tức, Jay gửi e-mail lại với lời lẽ cũng rất nồng nàn yêu thương rồi yêu cầu chị S. gửi tiếp cho anh ta 20.000 USD nữa để mua hóa chất rửa nốt số đô la đen kia. Chị S. gửi thư cho Jay nói là hiện tại đã hết tiền mặt, nếu có phải thế chấp ngôi nhà chị đang ở cho ngân hàng để vay 50.000 USD, nhưng muốn vay nhanh tiền của ngân hàng thì phải chi phí khoảng 5.000 USD và chị S. yêu cầu Jay gửi về cho mình 5.000 USD để giải quyết việc này.

Nhận được e-mail trên, Jay hồi đáp sẽ gửi cho chị S. 5.000 USD và sau đó sẽ gửi tiếp 5.000 USD nữa. Chờ không thấy Jay có động thái gì cả, chị S. gửi tiếp e-mail nữa, nài nỉ Jay chuyển lại  cho chị 1.000 USD để trang trải cuộc sống vì hiện tại rất khó khăn. Jay giả vờ đồng ý chuyển tiền nhưng sau đó lại nói rằng đã đặt cọc tiền mua hóa chất hết 17.000 USD, và Jay bảo chị S. đi vay mượn đâu đó được 18.000 USD để gửi cho hắn mua 1 lít hóa chất để rửa tiền.

Đã quen với cách nhử mồi của Jay, chị S. biết hắn chẳng bao giờ chuyển tiền cho mình, xong chị vẫn cố gắng giữ liên lạc với Jay để dò tìm tung tích xem hắn hiện đang ở nước nào. Chị S. gửi e-mail nói với Jay rằng sẽ thế chấp căn nhà đang ở của mình để vay tiền ngân hàng, bất chấp việc hắn không gửi tiền cho chị. Căn nhà này trị giá 50.000 USD thì sẽ vay được 25.000 USD. Để cho Jay tin tưởng, chị S. giả vờ đôi co với hắn rằng khi rửa tiền xong, có tiền thì phải trả lại cho chị 25.000 USD. Tất nhiên là Jay đồng ý, nhưng khi chị S. hẹn gặp hắn ở bất cứ nước nào đó để tận tay đưa tiền thì Jay loanh quanh không chịu nhận lời.

Hộ chiếu giả của kẻ lừa đảo

Sau đó, chị S. chịu "xuống thang", nói với Jay là sẽ chuyển tiền cho hắn mà không cần gặp mặt. Ngay lập tức Jay cho chị S. danh tính một người ở Malaysia và số tài khoản của người này tại một ngân hàng bên đó. Khi chị S. hỏi Jay địa chỉ của chủ tài khoản và địa chỉ của ngân hàng thì Jay chỉ cho biết địa chỉ của ngân hàng và số điện thoại di động của người Malaysia nói trên.

Chị S. quyết định gọi điện sang Malaysia để nhờ giúp đỡ. Chị S. đã xin được địa chỉ e-mail của Cảnh sát Hoàng gia Malaysia và chị đã gửi sang bên đó toàn bộ thông tin (bằng tiếng Anh) mà chị đã gửi cho Văn phòng Interpol ở Hà Nội (bằng bản tiếng Việt). Chị S. cho biết, khi thông tin gửi đến Cảnh sát Hoàng gia Malaysia thì ngay lập tức thông tin này được chuyển đến bộ phận Interpol và sau đó họ chuyển sang phòng tội phạm kinh tế của Interpol Malaysia. Cơ quan này có trả lời rằng, họ rất cám ơn và đánh giá cao vì chị S. đã gửi các thông tin về vụ lừa đảo của Jay cho họ, nhưng vì sự việc xảy ra ở bên VN nên theo luật pháp Malaysia là họ không được phép điều tra vụ này. Tuy nhiên, Interpol Malaysia cho biết đã thông báo vụ việc này tới tất cả các nhà chức tránh liên quan (kể cả cộng sự Interpol ở các nước khác), để nếu phát hiện thấy đối tượng tội phạm này ở đâu thì họ sẽ bắt giữ và nếu bắt được thì họ thông báo cho chị S. biết.

Khi biết cảnh sát Malaysia gặp khó khăn trong điều tra vụ việc này, chị S. nghĩ chỉ còn cách sẽ liên lạc với người chủ tài khoản (mà Jay có mối liên hệ), nói cho người này sự thật và nhờ anh ta ra tố cáo nơi ẩn náu của Jay cho cảnh sát Malaysia. Nhưng khi chị S. gọi điện cho người chủ tài khoản thì người đàn ông này một mực nói Jay là ngưòi đàn ông tốt. Chị S. hỏi Jay đang ở đâu thì người chủ tài khoản chỉ bảo là Jay đang ở nước ngoài chứ không ở Malaysia. Từ các thông tin trao đổi này, chị S. biết Jay và người Malaysia đã có thỏa thuận ăn chia số tiền của chị S. (nếu chị gửi vào tài khoản ở Malaysia).

Khi niềm hy vọng vào cảnh sát Malaysia trở nên mơ hồ, chị S. cũng muốn thử xem Jay có thực sự ở Malaysia hay không, chị nhắn tin cho người Malaysia và nói rằng nếu anh ta muốn biết Jay là người xấu như thế nào thì hãy cho chị S. địa chỉ e-mail để chị gửi thông tin về Jay, nhưng người này từ chối. Khi chị S. hỏi Jay đang ở đâu, thì người Malaysia lúng túng bảo rằng Jay đang ở Pháp, không có số điện thoại. Chưa đầy 5 phút sau đó, lúc 15 giờ 25 ngày 25.3, chị S. nhận được e-mail của Jay và anh ta vào ngay mạng để chat với chị. Jay bảo chị làm anh ta "điên mất" vì chuyện chị  hỏi người chủ tài khoản những điều liên quan đến Jay. Lúc đó, chị S. khẳng định chắc chắn là Jay đang ở Malaysia. Sau đó, Jay vẫn liên lạc, giục chị S. chuyển tiền càng sớm càng tốt

Chị S. cho biết, có thể xác định là Jay đã từ Bangkok chuyển sang sống ở Malaysia để hoạt động, vì thế ngoài việc gửi thông tin cho Interpol Malaysia, chị S. cũng đã gửi thông tin về vụ việc này tới trụ sở Interpol quốc tế tại Pháp. Tuy nhiên, chị đã nhận được thông báo của cơ quan này cho biết, trụ sở  Interpol tại Pháp không xử lý các vấn đề của các cá nhân và đề nghị chị gửi thông tin cho Interpol VN. Khi Interpol VN yêu cầu hệ thống Interpol quốc tế thì họ sẽ tiến hành truy xét.

Cho đến nay, chị S. vẫn đang một mình cố dò tìm tung tích của Jay trên mạng internet và vừa phát hiện ra việc có tới 91 người (đa phần là phụ nữ) đều có địa chỉ ở các nước thuộc vùng Đông Nam Á nằm trong danh sách "nhắm tới" của tên trùm lừa đảo quốc tế này.

Tang vật mà Công an TP.HCM thu giữ được - Ảnh: Đàm Huy

Báo Thanh Niên đã nhiều lần phản ánh về các mánh khóe lừa đảo đô la đen và thông qua đó, Công an TP.HCM cũng đã khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm này. Các vụ đã từng xảy ra trên địa bàn TP.HCM, trong đó đa số nạn nhân là nữ và thủ phạm là người da đen, gồm:

- Ngày 6.6.2006, Công an Q.1 lập biên bản xử lý Tony (quốc tịch Nigeria). Trước đó, chị T.K.H (ngụ ở Vũng Tàu, bán cà phê) đã quen với 3 người khách nước ngoài (trong đó có Tony) đến uống cà phê, tự xưng là người Cuba đến VN làm ăn. Sau một thời gian quen biết, họ gợi ý nhờ chị H. đứng tên chủ khách sạn, nhà hàng (đang chuẩn bị xây dựng ở Vũng Tàu), sau đó chia lợi nhuận. Nghe vậy, chị H. nhận lời ngay. Nhưng để có tiền kinh doanh, họ đã đặt vấn đề mượn chị H. 20.000 USD để mua hóa chất về tẩy rửa... 1 tỉ USD nhuộm đen đang ký gửi ở một công ty chuyển tiền. Chị H. đã gom 7.000 USD đưa cho những người này và sau đó họ bỏ trốn.

-  Tháng 5.2006, chị N.T.A (ngụ ở P.26, Q.Bình Thạnh) lên mạng chat quen được một người đàn ông nước ngoài (tự xưng là người Brazil). Sau 1 tuần làm quen, người này hẹn gặp chị A. ăn tối, uống cà phê trên đường Đề Thám, Q.1. Người đàn ông này nói đang thừa hưởng một tài sản 6,5 triệu USD và nhờ luật sư chuyển vào VN 500.000 USD (để qua mặt cơ quan chức năng VN nên phải nhuộm màu) để kinh doanh. Người này đã ngỏ ý mượn chị A. 40 ngàn USD để mua hóa chất về tẩy rửa USD đen. Và kết cục đã lừa được chị A. 1.500 USD.

- Năm 2006, bằng thủ đoạn tương tự, 3 "phù thủy" người nước ngoài khác cũng đã lừa của chị P.T.V (ngụ ở P.5, Q.11) lấy 30.000 USD.

- Ngày 21.9.2006, Công an TP.HCM bắt được Philip, quốc tịch Nigeria. Trước đó, tháng 7.2006, bạn của Philip quen chị V.T.T.T (40 tuổi, tạm trú ở Q.Thủ Đức) trên mạng. Sau đó, bạn của Philip giới thiệu chị T. cho Philip để liên lạc mượn 75 triệu đồng mua hóa chất về rửa 500 ngàn USD. Họ hứa sau khi rửa tiền xong sẽ cho chị T. 50 ngàn USD. Chị T. đã đi vay mượn người thân, bạn bè được 25 triệu đồng và bán 2 chiếc nhẫn hột xoàn được 1.000 USD đưa hết cho Philip.

- Ngày 22.7.2006, ông K.H.Y (43 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) đến trình báo với trực ban hình sự - Công an P.Bến Nghé (Q.1) về việc bị nhóm người da đen lừa lấy 50.000 USD cũng bằng kịch bản tẩy rửa đô la đen.

Đàm Huy

V.C

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.