Vụ nghi vấn 9 container 'rác thải' lọt qua cửa hải quan: Giám định 'thần tốc'

27/11/2019 07:42 GMT+7

12 cỗ máy móc 'khổng lồ' trong 9 container được Công ty CP giám định hàng hóa Duy Hoàng (TP.HCM) giám định và cấp chứng thư giám định chỉ trong... 1 ngày.

Cụ thể, chứng thư giám định số CT11190855 và 11190856 do Công ty CP giám định hàng hóa Duy Hoàng (gọi tắt là Công ty Duy Hoàng) được cấp trong ngày 18.11. Trong khi đó, theo biên bản chứng nhận số 921/BB-HC12 do Chi cục Hải quan quản lý hàng xuất nhập khẩu ngoài KCN Bình Dương (gọi tắt là Chi cục Hải quan ngoài KCN) lập lúc 8 giờ ngày 18.11 xác định: “Được sự phân công của lãnh đạo chi cục, chúng tôi tiến hành mở niêm phong thực tế lô hàng thuộc tờ khai số 102946368712/A12 và tờ khai số  102933923744/A12 của Công ty TNHH K.J và bàn giao hàng hóa cho công ty giám định tiến hành giám định chất lượng máy móc thiết bị nhập khẩu theo quy định”. Biên bản kết thúc vào lúc 8 giờ 20 phút cùng ngày. Vậy là trong 1 ngày, 12 danh mục máy móc thiết bị đã được Công ty Duy Hoàng giám định xong!

Kiểm tra thông tin 9 container “rác thải” lọt qua cửa hải quan

Vụ nghi vấn 9 container “rác thải” lọt qua cửa hải quan

Các vết trầy xước trên tem mác không trùng khớp với thân máy móc

Ảnh: Hải quan cung cấp

Nhiều điểm bất thường

Phải kiểm tra kỹ xuất xứ bộ điều khiển điện, động cơ, mô tơ...

Khi xem những hình ảnh được chụp lúc kiểm hóa, nhiều người am hiểu về máy móc trong ngành gỗ không khỏi bất ngờ. “Các nhãn mác gắn trên máy móc có dấu hiệu thay đổi rất nhiều, bị dán nhãn mác khác”, giám đốc một công ty gỗ ở Bình Dương thường xuyên nhập khẩu máy móc trong ngành gỗ nói. Cũng theo người này, quan sát bằng mắt thường cũng thấy các loại máy móc của Công ty K.J được nhập về rất cũ, có thể được sản xuất cách đây vài chục năm. Máy được sơn lại nhiều lần, không giống máy mới được sản xuất tháng 8.2018 như trong tem mác ghi. Để biết chính xác được niên đại của các máy móc này thì phải kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ của bộ điều khiển điện, động cơ (vì bộ điều khiển điện này phải đồng bộ với máy móc). Ngoài ra, trên các mô tơ, động cơ của máy đều có ghi rõ số hiệu, năm sản xuất, nếu kiểm tra kỹ sẽ xác định niên đại của máy.
Việc giám định “thần tốc” như vậy liệu có cho kết quả chính xác? Câu trả lời đang chờ giám định lại khi đoàn thanh tra của Cục Hải quan Bình Dương vào cuộc. Tuy nhiên, xung quanh việc giám định, thông quan lô hàng này bước đầu cho thấy có quá nhiều bất thường.
Cụ thể, khi nhập 12 “cỗ máy” này về VN, Công ty TNHH K.J khai báo “tình trạng mới 100%” nhưng sau đó Chi cục Hải quan ngoài KCN phát hiện “máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu” nên yêu cầu bổ sung giám định. Ngay từ đầu doanh nghiệp đã có sự gian dối, nhưng không hiểu vì sao phía hải quan lại dễ dàng chấp nhận chứng thư giám định được thực hiện chỉ trong vài tiếng đồng hồ (?!).
Theo hình ảnh mà Cục Hải quan Bình Dương cung cấp (chụp lúc kiểm hóa), nhiều tem mác của các máy móc đã bị lột ra sau đó dán tem mác mới vào và còn để lộ vết sơn, đinh vít của tem mác cũ. Nhiều tem mác mới được gắn bằng keo rồi lấy bột gỗ trét vào chỗ keo lan ra ngoài cho… mau khô. Tem mác mới được gắn vào sau đó chà cho trầy xước để giống với tem mác cũ. Đó là chưa kể một số tem mác đã bị mất ngày tháng, tên máy móc, số model… nhưng không hiểu sao Công ty Duy Hoàng vẫn giám định và cấp chứng thư “thần tốc”.

Hai tem mác được gắn trên cùng một máy, nghi dán nhầm

Ảnh: Đỗ Trường

“Bị vụ này, chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên”

Chiều 26.11, trả lời PV Thanh Niên, ông Chung Văn Đông, Giám đốc Công ty Duy Hoàng, nói: “Ban đầu lô hàng được doanh nghiệp khai là hàng mới nhưng khi về cảng kiểm tra, hải quan phát hiện đây là lô hàng cũ nên yêu cầu giám định. Đây là lý do mà Công ty TNHH K.J thuê chúng tôi giám định để cấp chứng thư cho lô hàng”. Theo ông Đông, sau khi nhận được yêu cầu giám định, công ty cử nhân viên xuống hiện trường để giám định các thông số kỹ thuật liên quan đến thiết bị máy móc. “Tất cả thông số liên quan đến máy được nhân viên giám định ghi nhận từ name plate (bảng tên) dán trên thân máy. Sau đó kết hợp với tra cứu những thông số trên mạng, đối chiếu phù hợp với quy định mới cấp chứng thư giám định”, ông Đông nói và cho hay thông thường việc ghi nhận, kiểm tra ở hiện trường mất chừng 1 ngày, sau đó thêm 1 - 2 ngày để kiểm tra đối chiếu thông số trên máy. Tuy nhiên, do lô hàng xuất xứ từ Mỹ là nước có trình độ kỹ thuật tiên tiến thuộc nhóm G7 nên việc giám định “thoáng hơn” so với máy móc xuất xứ từ Trung Quốc. Công tác giám định cũng tập trung vào các máy chính theo yêu cầu của khách hàng chứ không giám định vào linh kiện máy móc (?!).
Về nghi vấn tem mác trên máy bị tẩy xóa, thậm chí bị thay đổi mà PV Thanh Niên đặt ra, ông Đông cho rằng “khó xảy ra vì quy định ở Mỹ rất chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc việc này. Khi lô hàng về các cảng ở trong nước đều qua hệ thống camera hành trình của hải quan giám sát. Mọi hình ảnh về tác động lên máy móc đều được camera ghi lại đầy đủ để sau này khi xảy ra sự cố sẽ đem ra đối chiếu”. “Việc ra chứng thư, chúng tôi đều dựa theo những thông tin ghi trên bảng tên dán trên máy. Quy định cũng cho phép ghi như vậy mà giờ anh nói không chấp nhận thì chúng tôi cũng trắng tay luôn. Tôi khẳng định về quy trình giám định, chúng tôi làm chặt chẽ và đang chờ thông tin từ hải quan. Trước mắt tôi chỉ cung cấp thông tin như vậy thôi. Cuối năm bị vụ này, chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên”, ông Đông than.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.