Vụ nước tương có chất 3-MCPD gây ung thư: Nhà sản xuất đổ lỗi cho... người tiêu dùng(!)

30/05/2007 23:37 GMT+7

Liên quan đến vấn đề nóng bỏng - chất 3-MCPD có trong nước tương - hôm qua 30.5, Sở Y tế TP.HCM đã có buổi làm việc với các cơ sở sản xuất nước tương trên địa bàn TP. Tại buổi làm việc, các nhà sản xuất đã "nói lên sự thật" về một số yếu tố có liên quan đến chất 3-MCPD có trong sản phẩm của họ.

Vì người tiêu dùng thích tương "bẩn"?

Buổi làm việc không chỉ để Sở Y tế nghe các cơ sở có sản phẩm có chứa 3-MCPD vượt mức quy định báo cáo về việc thu hồi, xử lý tiêu hủy sản phẩm, mà còn để nghe các nhà sản xuất (SX) trình bày những vấn đề liên quan đến quy trình SX, những vướng mắc, khó khăn trong giai đoạn hiện nay...

Bà Kim Cương, đại diện Nosafood - đơn vị có sản phẩm vừa được công bố có hàm lượng 3-MCPD vượt mức rất cao, nói: "Vào quý 3 năm 2005, nhóm kỹ sư của công ty chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra quy trình SX nước tương sạch, đạt chuẩn về hàm lượng 3-MCPD, sản phẩm được bán ra trên thị trường cả nước. Nhưng, rất bất ngờ khi khoảng 1 tháng sau đó, hầu hết các đại lý đã trả lại loại nước tương này cho chúng tôi. Đến các đại lý tìm hiểu nguyên nhân thì chúng tôi được biết, có hai lý do khiến các nơi tiêu thụ trả lại hàng: giá thành loại nước tương này cao và mùi vị không được người tiêu dùng ưa chuộng, nên rất khó bán! Từ đó, chúng tôi phải SX song song với loại nước tương sạch là dòng nước tương theo công nghệ sản xuất cũ (loại này vừa bị thu hồi do hàm lượng 3-MCPD vượt mức quy định - PV). Nước tương sạch, đạt chuẩn 3-MCPD phần lớn là xuất khẩu, còn sản phẩm theo công nghệ cũ là để tiêu thụ trong nước! Tôi thấy, để nước tương có độ đạm càng cao theo sở thích của người tiêu dùng, thì hàm lượng 3-MCPD sẽ càng nhiều...!".

Tương tự, đại diện Mêkông, ông Phan Bảo Tâm trình bày: "Tôi muốn nhấn mạnh về khía cạnh độ đạm có liên quan đến hàm lượng 3-MCPD trong nước tương. Theo quy định, các nhà SX trong nước khi đăng ký buộc phải ghi hàm lượng đạm thấp nhất là từ 10 độ đạm. Còn các sản phẩm nhập từ nước ngoài thì không yêu cầu phải ghi hàm lượng đạm trên sản phẩm. Trong khi các nhà SX đều biết rằng, độ đạm càng cao thì hàm lượng 3-MCPD sẽ càng nhiều (để có độ đạm cao thì phải cho nhiều bánh dầu, khi đó phải cho nhiều acid cholohydric để thủy phân bánh dầu, và 3-MCPD đã sinh ra nhiều trong quá trình thủy phân đó - PV). Vấn đề này chúng tôi cũng đã phản ánh nhiều lần với cơ quan chức năng, nhưng vẫn không thay đổi, tạo cái vòng luẩn quẩn, khó khăn cho các nhà SX. Theo tôi, đây là mấu chốt của vấn đề để giải quyết tình trạng nhiều loại nước tương có 3-MCPD vượt quy định".

Ông Trang Tỷ - đại diện Công ty sản xuất gia vị và nước chấm Hậu Sanh - đơn vị vừa rút tên khỏi danh sách "Hàng VN chất lượng cao" (do có một loại sản phẩm nước tương không đạt chuẩn về hàm lượng 3-MCPD) cũng cho rằng: "Nếu dùng bánh dầu trong nước để sản xuất nước tương thì sản phẩm sẽ có hàm lượng 3-MCPD rất cao, vì đây là loại bánh dầu thô chưa được xử lý tách béo như bánh dầu ở các nước".

Theo các nhà sản xuất, nước tương càng cao độ đạm thì càng "giàu" 3-MCPD - Ảnh: D.Đ.Minh

Và từ những lý lẽ mang đầy màu sắc ngụy biện như trên, các nhà SX đề nghị cần bỏ quy định buộc phải ghi độ đạm trên sản phẩm nước tương. Bởi đây là loại nước chấm tạo thêm gia vị cho bữa ăn, chứ không phải sản phẩm bổ sung đạm!

Đâu là lương tâm của nhà sản xuất ?

Bà Kim Cương than: "Nếu sản xuất nước tương theo công nghệ mới, tiên tiến, đạt chuẩn 3-MCPD, thì sản phẩm sẽ không có hương vị như sở thích của số đông người tiêu dùng". Ông Trang Tỷ thì cho rằng: "Nếu nước tương chỉ 3, hay 4 độ đạm thì người tiêu dùng sẽ không dùng đâu, vì hương vị không đậm đà! Vì vậy, tôi nói thật, công ty chúng tôi có một loại nước tương tiêu thụ ở tỉnh, được ghi trên bao bì là 10 độ đạm (theo quy định). Nhưng, thực chất chỉ có 8,5 độ đạm, vì chúng tôi muốn hạ thấp độ đạm để kéo hàm lượng 3-MCPD giảm xuống để ít gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng!".

Hôm qua, Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi UBND các quận, huyện và các sở, ngành về việc tăng cường kiểm soát hàm lượng 3- MCPD trong nước tương. Theo đó, Sở đề nghị UBND các quận, huyện tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất nước tương trên địa bàn (đặc biệt tập trung vào các cơ sở thuộc phân cấp quản lý của quận, huyện, chú ý các hộ sản xuất nhỏ lẻ); thông báo việc đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở; tiến hành kiểm tra lấy mẫu kiểm nghiệm chất 3-MCPD... Sở Y tế cũng đặc biệt đề nghị UBND quận, huyện, các sở ngành liên quan tăng cường quản lý thị trường, tịch thu, xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh nước tương thuộc mặt hàng Sở Y tế không công nhận chất lượng...

Tóm lại, như các nhà SX trình bày, để đáp ứng yêu cầu sản phẩm đủ 10 độ đạm theo quy định và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng "khoái hương vị hấp dẫn", nên họ đã cho ra sản phẩm có hàm lượng 3-MCPD vượt mức cho phép! Cũng giống như ở mặt hàng bánh phở, giò chả, rất nhiều nhà SX cũng cho rằng để đáp ứng sở thích của người tiêu dùng (giò chả dai, giòn; bánh phở dai), nên đã cho hàn the vào dù biết rằng chất này rất độc hại cho sức khỏe. Đây là những lập luận không thể chấp nhận được!

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - Viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng (TP.HCM) - nói thẳng: "Nhà SX không thể lý giải, để đáp ứng nhu cầu, sở thích người tiêu dùng mà cho ra sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, như chất 3-MCPD trong nước tương gây biến đổi gien, ung thư! Nhà SX phải có trách nhiệm, ngay khi biết sản phẩm của mình đang lưu hành trên thị trường không đảm bảo chất lượng, thì phải khẩn cấp thông báo cho người tiêu dùng biết để họ không dùng nữa, đồng thời tự giác nhanh chóng đi thu hồi sản phẩm, không đợi cơ quan chức năng phải nhắc nhở như vừa qua (trong số 17 cơ sở có sản phẩm có 3-MCPD vượt mức cho phép được phát hiện, đến nay chỉ có 9 cơ sở báo cáo việc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm - PV). Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là đạo lý trong kinh doanh".

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.