Vụ nước tương có chất 3-MCPD gây ung thư: Trách nhiệm Giám đốc Sở Y tế ở đâu?

03/06/2007 23:46 GMT+7

Việc chậm công bố các cơ sở sản xuất nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt quá tiêu chuẩn cho phép đã trở thành chủ đề chính trong cuộc đối thoại "Nói và làm" sáng 3.6 do HĐND TP.HCM tổ chức. Suốt gần 2 giờ, hầu hết các câu hỏi đều tập trung vào trách nhiệm quản lý của ngành y tế, mà cụ thể là Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thế Dũng.

"Khoa học chưa chứng minh 3-MCPD gây ung thư" (?)

Ngay đầu buổi đối thoại, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo nói: "Tôi nhận được nhiều ý kiến đề nghị xử lý trách nhiệm của người quản lý như thế nào cho đúng mức, nhất là những người cho phép những sản phẩm này tiêu thụ trên thị trường; những người có thông tin nhưng không báo cáo lên cấp trên, không công bố rộng rãi cho người dân biết". Và bà Thảo đề nghị Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thế Dũng cho biết ngay tiến độ kiểm điểm trách nhiệm của ngành y tế.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Lê Hiếu Đằng đề nghị ông Dũng nói rõ tác hại của 3-MCPD ở góc độ khoa học. Ông Dũng nói: "Việc cảnh báo nước tương có 3-MCPD là chất có thể gây ung thư mà báo chí nêu là đúng. Tuy nhiên về khía cạnh khoa học cho đến giờ phút này, dù có nhiều công trình nghiên cứu khoa học nhưng chưa có một công trình nào chứng minh được 3-MCPD gây ung thư cho người. Chính vì vậy, hiện cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư chưa xếp 3-MCPD vào nhóm các chất gây ung thư cho người".

Ông Dũng vừa dứt lời, ông Dương Văn Nhân (đại biểu HĐND) nói ngay: "Nếu nói như anh Dũng thì ta đâu cần cảnh báo làm gì?". Ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM cũng bức xúc: "Nói như Giám đốc Sở thì chất 3-MCPD về y học là đảm bảo cho người tiêu dùng. Tôi không đồng tình với cách trả lời như thế? Xin thưa là trong các cơ sở ngành y tế công bố, có cơ sở vượt 4.203 lần quy định". Ông Dũng trả lời: "Anh Minh nói là tôi bảo 3-MCPD không ảnh hưởng đến sức khỏe, tôi không dám nói như vậy. Tôi khẳng định từ đầu, việc cảnh báo bao giờ cũng quan trọng, cho đến khi khoa học chứng minh là nó có hay không có hại".

Chỉ là "thiếu sót làm phiền lòng bà con"

Ông Phạm Hoàng Hà, Giám đốc Sở Thương mại TP.HCM nói: "Chúng tôi đợi Sở Y tế công bố chính thức hãng nước tương nào, loại nước tương nào không đảm bảo yêu cầu thì chúng tôi sẽ tổ chức lực lượng, một mặt khuyến cáo doanh nghiệp phải ngừng sản xuất loại đó, nếu không sẽ xử lý; đối với hàng hóa lưu thông ra thị trường rồi thì chúng tôi thu hồi. Chúng tôi hy vọng ngành y tế mau chóng công bố danh mục các sản phẩm này".

Ông Nguyễn Văn Minh hỏi tiếp: "Quyết định phân cấp của Bộ Y tế thì có đến 11 đơn vị tham gia quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), dày đặc từ Trung ương đến xã, tại sao chúng ta chậm công khai cho người dân?". Ông Dũng trả lời: "Trước tháng 3.2005 chúng ta không có một quy định nào về vấn đề công bố này cả. Cho đến khi có quyết định của Bộ Y tế, tháng 3.2005, thì ngành y tế tích cực đi thanh tra. Qua thanh tra có kết quả, nhưng để công bố thì phải theo quy định cụ thể trách nhiệm của ai, người nào, thế nào, ai công bố. Chúng tôi đều có trách nhiệm báo cáo cho các cấp có thẩm quyền. Khi đến đầu năm 2007, thanh tra tiếp tục làm nữa. Thanh tra có suy nghĩ đi theo hướng luật khiếu nại tố cáo, chờ đợi, trong khi đó có biện pháp xử lý trước. Nhưng khuyết điểm là biện pháp xử lý, quy trình giám sát, tính triệt để thì chưa. Đó là cái dở của thanh tra".

Ông Minh cắt lời ông Dũng: "Pháp lệnh về VSATTP được ban hành ngày 26.7.2003, có hiệu lực từ 1.11.2003, trong điều 47 có nói rằng: Trong đoàn thanh tra, thanh tra viên có các quyền sau đây: ...đình chỉ hành vi vi phạm về VSATTP gây nguy hại hoặc có nguy cơ gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, và những hành vi khác gây thiệt hại đến an toàn Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Vậy tại sao không làm?". Ông Dũng: "Thưa với anh Minh là đình chỉ sản phẩm, lô hàng là có". Bà Phạm Phương Thảo nói ngay: "Theo những quy định của ngành thanh tra thì đâu đến nỗi bó tay không cho mình công bố. Trong quá trình thanh tra thì anh có thể giữ bí mật, không công bố, nhưng khi có kết luận thì ta cũng có quyền công bố chứ".

Ông Lê Hiếu Đằng nói: "Tôi được biết Thanh tra Sở trực tiếp thuộc giám đốc. Nói thanh tra không tròn trách nhiệm, vậy trách nhiệm của giám đốc thế nào?". Ông Dũng trả lời: "Dĩ nhiên là Giám đốc Sở chịu trách nhiệm toàn bộ ngành y tế rồi. Chứ không phải chỉ riêng thanh tra". Tuy nhiên, không thấy ông Dũng nói cụ thể chịu trách nhiệm như thế nào. Một giáo viên trường Nguyễn Khuyến gay gắt: "Những câu trả lời của ông giám đốc có phải là ngụy biện cho việc không làm tròn trách nhiệm của mình không? Tôi thấy các đại biểu hỏi rất rõ nhưng ông cứ trả lời loanh quanh". Đến lúc này ông Dũng mới nói: "Về vấn đề quản lý, dù chúng tôi hết sức nỗ lực, nhưng chúng tôi thấy mình còn nhiều thiếu sót làm phiền lòng bà con. Cho phép tôi thay mặt ngành xin lỗi bà con...".

Còn rất nhiều nước tương "chưa đăng ký"

Ông Nguyễn Văn Minh nêu vấn đề: "Sở tiếp nhận 2.000 hồ sơ sản phẩm, 69 cơ sở sản xuất nước tương. Nay mới kiểm tra công bố 17 cơ sở. Vậy những cơ sở khác, mặt hàng khác, đến khi nào công bố toàn diện?". Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Lê Thanh Hải cho biết: "Hiện ngành y tế đang thẩm định các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm để công bố cho người tiêu dùng biết cơ sở nào đạt tiêu chuẩn VSATTP để sử dụng. Còn rất nhiều cơ sở đến giờ này chưa đăng ký để thẩm định. Đến cuối tháng 6 này sẽ ngưng thẩm định. Sau tháng 6.2007, những đơn vị không đăng ký sẽ bị xử lý".

Chủ tịch Phạm Phương Thảo cho rằng vấn đề bất cập về luật pháp cần được hoàn thiện, nhưng quan trọng là phải đề cao trách nhiệm của nhà quản lý. "Trước mắt, cần tập trung chỉ đạo nhanh chóng thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm có chứa chất độc hại trong tháng 6.2007. Ngành y tế kiểm điểm trách nhiệm của mình và lãnh đạo TP cũng sẽ xem xét xử lý nghiêm khắc đúng với tình hình đang đặt ra" - bà Thảo nói.

Đức Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.