Ngày 12.7, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn lãnh đạo các sở, ngành về các vấn đề cử tri quan tâm, nhất là vấn đề xây dựng ta luy, quy hoạch.
Chỗ nguy cơ sạt lở thì không cấp phép xây dựng
Trả lời đại biểu, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, cho biết đô thị Đà Lạt hay các đô thị khác đều phát triển theo xu hướng xanh, bền vững, vì vậy đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các đồ án quy hoạch. Đồ án lớn thì có đánh giá môi trường chiến lược, đồ án nhỏ thì có báo cáo tác động môi trường. Tất cả các vấn đề được đặt ra trong giải pháp thực hiện quy hoạch sẽ xác định trên cơ sở tác động đó.
Cũng theo ông Trung, việc cấp phép xây dựng đã được tỉnh phân cấp, Sở Xây dựng chỉ cấp phép công trình cấp 2, còn lại tất cả các công trình khác đều do cấp huyện cấp phép. Kè ta luy chắn đất, bảo vệ đất là công trình không theo tuyến trong đô thị, theo quy định bắt buộc các công trình này cấp phép phải có đầy đủ các hồ sơ về thiết kế kỹ thuật, hồ sơ khảo sát địa chất, địa hình và được thẩm định kết cấu trước khi cấp phép xây dựng. Khi đảm bảo an toàn rồi mới cấp phép.
Đà Lạt nóng lên, sạt lở, lũ lụt: 'Lỗi không chỉ của quy hoạch kiến trúc'
"Sở cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết cho các địa phương. Cụ thể, đối với các bờ kè ta luy, nếu như không xây kè thì phải đảm bảo độ dốc 1 - 1. Nếu như đất đó là đất tốt thì không xây kè ta luy, nếu không thì phải xây kè ta luy và chiều cao bờ kè ta luy không vượt quá 4 m. Đối với các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở, không an toàn thì không cấp phép xây dựng", ông Trung nói.
Phát biểu giải trình các vấn đề liên quan, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhìn nhận hoạt động cấp phép xây dựng, quản lý hoạt động xây dựng ở một số địa phương còn hạn chế, thậm chí còn buông lỏng và đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp sạt lở sập ta luy vừa rồi ở đường Hoàng Hoa Thám (P.10, TP.Đà Lạt) hậu quả làm 2 người chết, 5 người bị thương, hư hại nhiều căn nhà là rất đau lòng.
"Tôi khẳng định từ tư vấn đến giám sát, thiết kế, đến thi công đều có vấn đề. Vụ việc đã giao Công an TP.Đà Lạt khởi tố vụ án, tiến hành điều tra với tinh thần không có trường hợp nào ngoại lệ. Đây là bài học kinh nghiệm xương máu trong công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, địa phương và nhất là ý thức chấp hành văn bản chỉ đạo của cấp trên trong quá trình thực hiện. Với tình hình diễn biến thời tiết ngày càng bất thường nữa nên xảy ra việc như vừa qua là đáng tiếc", ông Hiệp nói.
Lâm Đồng còn 163 điểm nguy cơ sạt lở
Cũng tại cuộc họp, ông Trần Văn Hiệp còn cho hay, qua rà soát, toàn tỉnh có 73 vị trí có nguy cơ bị ngập, 163 vị trí có nguy cơ sạt lở đất, đã di dời 94 hộ, còn 150 hộ nữa, đang tiếp tục di dời.
Liên quan vụ sập ta luy vừa qua, ông Hiệp cho biết thêm đã chỉ đạo kiểm tra lại lịch sử, nguồn gốc của lô đất, rồi việc hợp thửa như thế nào, việc cho phép đổ trên 5.000 tấn đất, rồi thêm các cơn mưa nữa thì lên mười mấy ngàn tấn, nhưng với tường vây rất chông chênh như vậy là không được. Vi phạm cả lộ giới an toàn lưới điện, làm ra ngoài ranh giới cho phép, làm ta luy thì không theo quy định của tỉnh, khoảng cách giữa các ta luy cũng không đúng.
Ông Hiệp cho hay sẽ siết chặt công tác quản lý trật tự đô thị, đất đai, đặc biệt là Đà Lạt, Bảo Lộc và vùng phụ cận. Sẽ bàn về vấn đề quy chuẩn quy hoạch, phải đưa vào khuôn phép. Chúng ta đang cho phép xây cao 19 m, nhưng lý ra Đà Lạt nên tinh ý đây là ở những nơi đất bằng phẳng, không có khả năng sạt trượt, chứ đặt ở vị trí sạt trượt, cộng thêm 3 tầng hầm nữa là 28 m thì bản thân nó không chịu được sức nặng của chính nó thì sẽ tạo ra những cung trượt, vệt trượt.
"Phải đấu nối để có những ống chuyển nước thải sinh hoạt chứ để thấm như lâu nay là rất nguy hiểm. Nhìn bằng mắt thường một số công trình (cả ta luy) sao tôi thấy nó rủi ro bất trắc, quá sợ đi, phải rà soát lại, cần thiết thì thu hồi toàn bộ, kể cả giấy phép xây dựng", ông Hiệp nói.
Bình luận (0)