Vụ “vòng titan thần diệu”: Mạng lưới lừa đảo mở 13 chi nhánh

12/11/2009 02:07 GMT+7

Liên quan đến vụ “ vòng titan thần diệu ” với nhiều dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng mà Thanh Niên đã thông tin, hôm qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ đã báo cáo sự việc lên UBND tỉnh, đồng thời có văn bản gửi Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương. Nghe đọc bài

Ông Nguyễn Kim Liên, Chi cục Quản lý thị trường  tỉnh Phú Thọ, cho biết sản phẩm vòng titan được Công ty Special TV Shopping (sau đây gọi tắt là STVS) kinh doanh theo mô hình thương mại điện tử. Theo đó, sản phẩm được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng và internet. Khi khách hàng có nhu cầu mua sẽ thông qua các số điện thoại trên quảng cáo đặt mua, sau đó người của STVS sẽ đến nơi giao hàng cho khách và nhận tiền. Đến thời điểm bị phát giác lừa đảo khách hàng, công ty này đã có chi nhánh ở 13 tỉnh, thành khắp cả nước, gồm: TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Huế, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Vũng Tàu, Vĩnh Phúc.

Đóng cửa trang web

Ngay sau khi bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, trang web của STVS tại địa chỉ http://stvshopping.com.vn/ đã không thể truy cập được. Mặt khác, trong những ngày gần đây, công ty này liên tục gửi thông báo đến các đài truyền hình đã ký hợp đồng quảng cáo đề nghị tạm dừng phát sóng với lý do: “Công ty đang tiến hành chỉnh sửa lại nội dung quảng cáo của đơn vị quảng cáo sản phẩm cho phù hợp hơn...”. Tuy nhiên, từ ngày 10.11, khi lần lượt gọi điện cho 10 đường dây nhận điện thoại đặt hàng tại Hà Nội của công ty này, tất cả các nhân viên nhận điện thoại vẫn “ca” đúng bài giới thiệu sản phẩm, nhưng... từ chối nhận đặt hàng.

Trao đổi với PV Thanh Niên, trưởng phòng quảng cáo một đài truyền hình địa phương cho biết clip quảng cáo về vòng titan có thời lượng 180 giây phát liên tục trong 3 tháng, trị giá hợp đồng lên tới 500-600 triệu đồng. “Số tiền quảng cáo vào loại rất lớn như thế, lại chi cho năm bảy đài, thử hỏi lãi từ việc lừa đảo của STVS đến mức nào?”, vị này hoài nghi.

 “Bùa hộ mệnh” mà STVS dựa vào đó để tăng lòng tin với các đối tác là bản “báo cáo kiểm tra đo lường” bằng tiếng Trung Quốc đối với “Vòng titan Phật Quan m” được một tổ chức có tên “SGS”, địa chỉ “196 Kezhu, Scientech Park Guangzhou Economic and Technology Development District Guangzhou, China” thực hiện vào ngày 3.11.2008, số: GZ0810148345/CHEM, kỹ sư Huang Fang, Sunny ký tên. Bản báo cáo này được STVS dịch sang tiếng Việt vào ngày 5.10.2009 tại Phòng Tư pháp Q.Đống Đa, Hà Nội. Đáng chú ý, ở mục 5, phần nội dung kết quả kiểm tra đo lường khẳng định “lắc tay này có chứa hàm lượng 999 (phần nghìn) ti-tan và giec-ma-ni-um, có tác dụng lưu thông máu, chống mệt mỏi, chống bức xạ” (?!).

Ngoài việc phát hiện sự gian dối về thành phần, tính chất của vòng đeo tay titan, cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị làm rõ tác dụng hỗ trợ sức khỏe theo như quảng cáo, nhưng đến nay chưa có câu trả lời. Trong khi đó, chiều hôm qua GS-TS Trương Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Đào tạo - Bộ Y tế, khẳng định tại VN không có vòng đeo tay nào dùng để chữa bệnh hay hỗ trợ sức khỏe lưu hành. “Về nguyên tắc các sản phẩm liên quan đến sức khỏe phải được chứng minh và phải được Bộ Y tế thẩm định, cấp phép rồi mới được lưu hành”, ông Dũng nói.

Một lãnh đạo của Vụ Trang thiết bị y tế, Bộ Y tế xác nhận, vòng titan chưa hề được cơ quan này thẩm định và “nó đơn thuần chỉ là đồ trang sức thông thường mà thôi”.

Đóng cửa và tháo chạy

Ngay sau khi Thanh Niên phản ánh, rất nhiều bạn đọc cả nước gọi điện, gửi thư phản ánh bức xúc họ bị lừa khi mua sản phẩm này.

Nhiều bạn đọc ở TP.HCM, Sóc Trăng... cho biết họ xem quảng cáo công hiệu vòng titan trên tivi và đặt mua vòng này qua số điện thoại 0838122222 với giá gần 1 triệu đồng/bộ. Sau khi đọc Báo Thanh Niên, họ gọi lại số điện thoại đã đặt mua thì không ai nghe máy.

Căn nhà 11/19 Hồ Đắc Di đóng cửa, tắt đèn tối om chiều 11.11 - Ảnh: Lê Nga

Truy danh bạ điện thoại từ tổng đài 1080, số điện thoại trên đăng ký của STVS, địa chỉ 11/19 Hồ Đắc Di (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) chiều tối qua PV Thanh Niên tìm đến địa chỉ này thì không thấy bảng hiệu công ty, cửa nhà khóa ngoài. Một phụ nữ nhà ở gần kể: “Hồi chiều thấy có hai phụ nữ đến la lối cho là đã bị lừa đảo, thấy mấy cô nhân viên thanh minh rằng "không có chủ ở đây" và không đồng ý trả lại tiền mua hàng. Sau đó, họ đóng cửa sớm căn nhà".

Trong một diễn biến khác, chiều qua, khoảng chục nhân viên chi nhánh STVS tại Đà Nẵng đã nháo nhào tỏa ra sân bay và bến xe trung tâm để tìm hai người nước ngoài quản lý chi nhánh có dấu hiệu bỏ trốn. Chị Trần Thị Nghĩa, nhân viên giao hàng STVS, bức xúc kể lại: “Sáng 11.11, sau khi đọc bài Lừa đảo trắng trợn về “vòng titan thần diệu” trên Báo Thanh Niên, nhiều nhân viên đã gọi điện cho hai quản lý của chi nhánh công ty tại Đà Nẵng để được biết sự tình, nhưng họ không nghe điện thoại. Đến trưa, chúng tôi liên lạc lại thì họ nói đang đi ăn trưa và hẹn buổi chiều đến giải quyết”. Đến 16 giờ cùng ngày, một nhóm nhân viên phát hiện hai người quản lý đang từ khách sạn H.H (gần bến xe trung tâm thuộc P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ) chuẩn bị vào bến xe để rời khỏi Đà Nẵng. Tại đây, hai bên đã xảy ra giằng co, và trước yêu cầu của các nhân viên, hai quản lý này đã phải trả tiền lương cho 4 nhân viên của chi nhánh (khoảng 6 triệu đồng). Sau đó, nhận thấy dấu hiệu bất thường của STVS, các nhân viên này đã báo Công an P.Hòa An đến giải quyết. Tuy nhiên, lực lượng Công an P.Hòa An đã không nhận được sự hợp tác từ hai người nước ngoài, dù theo các nhân viên hai người quản lý này nói tiếng Việt rất giỏi. Công an P.Hòa An cho biết do chưa đầy đủ cơ sở tạm giữ người nên phải giải tán đám đông và cho 2 người nước ngoài đi.

Một người dân ở Đà Nẵng với chiếc vòng “titan” trên tay - Ảnh: Nguyễn Tú

Chi nhánh STVS tại Đà Nẵng ở Lô 38 đường Lý Văn Tố, P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà, hoạt động được hơn 1 tháng nay. Ngoài 2 người nước ngoài quản lý ăn ở tại trụ sở, chi nhánh còn có 16 nhân viên tư vấn sản phẩm cho khách hàng và một đội ngũ nhân viên thời vụ đảm nhận việc giao hàng cho khách. Theo nhiều nhân viên của STVS, sau khi đọc Báo Thanh Niên, nhiều khách hàng đã liên tục gọi điện khiếu nại về việc giá của một bộ sản phẩm chỉ 4.000 đồng lại lừa phỉnh bán cho khách hàng với giá cả triệu đồng/bộ và không hề có công dụng chữa bệnh...

“Chúng tôi cũng không biết giải thích ra sao vì chỉ là người nhận điện thoại và đi giao sản phẩm. Còn thực hư chiếc vòng này như thế nào đến nay chúng tôi mới vỡ lẽ”, một nhân viên của STVS nói. Đáng ngạc nhiên, ngay quốc tịch của hai người quản lý những nhân viên này cũng không biết vì “mới vào làm một tháng nay nên chưa kịp hỏi”.

Lê Nga - Nguyễn Tú

Thái Sơn - Lê Tùng - Nam Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.