Vững chãi Trường Sa - Kỳ 1: Tuổi 18 giữa sóng nước biển Đông

13/06/2013 10:00 GMT+7

(TNO) Trường Sa những ngày tháng mùa hè, thời điểm chúng tôi tháp tùng chuyến tàu của Bộ Tư lệnh Hải quân ra thăm, thật yên bình. Dù vậy, cảm xúc người đất liền vẫn nhìn thấy nơi những đảo nổi, đảo chìm Trường Sa hừng hực sức sống vươn mình lên trên mặt biển Đông. Ở nơi đó, với sóng và gió, những con người và những câu chuyện cứ mỗi ngày thêm sinh động, bồi đắp thêm vào trang sử được viết cho một vùng lãnh hải yên bình...

>> Thanh Niên với Trường Sa
>> Triển lãm ảnh "Báo Thanh Niên với Trường Sa
>> “Báo Thanh Niên với Trường Sa” đến trường học
>> Khai mạc triển lãm ảnh Báo Thanh Niên với Trường Sa
>> Hàng ngàn người xem triển lãm Báo Thanh Niên với Trường Sa

* Tuổi 18 giữa biển đảo Tổ quốc

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

(Trích bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của tác giả Nguyễn Việt Chiến) 

Hôm đoàn chúng tôi đặt chân lên đảo Đá Đông B, ai cũng bất ngờ khi nhìn thấy một chiến sĩ - tuổi còn rất trẻ với khuôn mặt rất thư sinh - đang làm nhiệm vụ canh giữ mốc chủ quyền trên đảo.

Một người trong đoàn hỏi: - Cháu tên gì?

Anh đáp: - Dạ, cháu tên Hoàng Thái Sơn ạ.

- Cháu bao nhiêu tuổi.

- Sắp 19 tuổi ạ!

- Ôi, 19 tuổi cơ à. Cháu chỉ hơn con của cô hai tuổi.

- Nhà cháu ở đâu?

- Dạ, nhà cháu ở Hà Nội.

- Nhà cô cũng ở Hà Nội. Vậy là ra đảo lại được gặp đồng hương. Cho cô chụp hình với chiến sĩ đồng hương trẻ nhất ở Trường Sa nào!

 Chiến sỹ Hoàng Thái Sơn
Chiến sĩ Hoàng Thái Sơn

Hàng hiếm nơi đảo xa

Đoạn tâm tình giữa chị Trần Thị Ninh, người cùng đi trong đoàn công tác số 8 ra thăm Trường Sa những ngày cuối tháng 4 vừa qua với chiến sĩ Hoàng Thái Sơn, hiện đang công tác trên đảo Đá Đông B thuộc quần đảo Trường Sa, được PV Thanh Niên Online ghi lại nhân chuyến đi Trường Sa vừa rồi.

Sơn sinh tháng 11.1994, ra công tác ở Trường Sa từ tháng 9.2012. Nghĩa là lúc đó, Sơn chuẩn bị tròn 18 tuổi. Lúc đầu, Sơn ở đảo Thuyền Chài, được hơn 8 tháng.

Gian khổ là thế, vất vả là thế; nhưng hình như cái nóng, cái gió của Trường Sa vẫn không thể làm mất đi dáng vóc thư sinh, khuôn mặt trắng trẻo của Sơn.

 
Việc có những em vừa tròn 18 tuổi xung phong ra Trường Sa là điều rất đáng quý và đáng trân trọng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, nếu các em có nhu cầu ở lại bộ đội chuyên nghiệp hay đi học, Bộ Tư lệnh Hải quân sẽ tạo điều kiện hết mức
Thượng tá Đỗ Minh Tuấn,
Phó trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Hải quân

Nhà ở quận Long Biên (TP.Hà Nội), học hết PTTH, Sơn là một trong số ít bạn trẻ tình nguyện xung phong đi nghĩa vụ. Bởi lý do, theo Sơn bộc bạch: “Lúc nhỏ, em thích làm chú bộ đội lắm!”.

Nhưng lúc biết tin mình được cử vào tham gia trại huấn luyện ở Cam Ranh để ra Trường Sa, anh lính trẻ Hà thành cũng không tránh khỏi tâm trạng băn khoăn, lo lắng.

“Lúc còn nhỏ, nhìn thấy nước em đã sợ rồi chứ huống hồ gì biển cả bao la như thế này! Nhưng ra đây một thời gian rồi thì cũng quên, thậm chí là... quen. Giờ, những lúc rảnh, mấy anh em còn hay rủ nhau câu cá xung quanh đảo để tăng gia thêm”, Sơn nói.

Ở đảo Tốc Tan C, tôi đã gặp chiến sĩ Lê Văn Giàu. Nhà ở Cần Giờ (TP.HCM), Giàu cũng là một chiến sĩ có mặt ở Trường Sa khi vừa bước qua tuổi 18. Cũng sinh năm 1994, nhưng Giàu đã có thâm niên hơn 15 tháng khoác áo lính ở Trường Sa.

Khác với vẻ thư sinh của Sơn, Giàu trông cứng cáp hơn. Có thể do gia đình vốn làm nghề biển nên Giàu đã quen với sóng gió, sông nước từ nhỏ.

Trả lời thắc mắc của tôi, Giàu bộc bạch, ngay từ nhỏ, cậu nhóc Giàu đã theo ba từ Cần Giờ giong thuyền ra Vũng Tàu đánh cá. Do vậy, những ngày đầu ở Trường Sa, Giàu ít bỡ ngỡ và dễ bắt nhịp hơn một số chiến sĩ đồng ngũ khác.

 Chiến sỹ Lê Văn Giàu
Chiến sĩ Lê Văn Giàu

Thượng tá Đỗ Minh Tuấn, Phó trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Hải quân) cho biết những chiến sĩ tuổi 18 ở Trường Sa không nhiều, thậm chí là rất hiếm.

Giong thuyền ra Trường Sa… đánh cá

Những ngày đầu ra đảo, Sơn - chàng công tử thư sinh đất Hà thành - nhớ quay quắt những hình ảnh đứa em gái, gia đình nhỏ của mình và cả cô người yêu đồng trang lứa.

Em gái Sơn năm nay học lớp 2. Bố mẹ bận công việc cơ quan nên mặc nhiên Sơn trở thành “bảo mẫu” của em gái mình. Nhiều hôm không nhờ được ai trông, Sơn “tha” luôn cả em gái vào trường. Anh vào lớp còn em gái lủi thủi chơi một mình dưới sân trường. Tan trường, Sơn lại đưa em về nhà.

 
Đêm 30 tết ở Trường Sa vui lắm nhưng nhớ mẹ và đứa em gái lắm anh ạ. Nhà có hai anh em, em đi rồi không biết ở nhà ai chở nó đi học đây

Chiến sĩ Hoàng Thái Sơn

Rồi Sơn khoe cô bạn gái PTTH ngày nào giờ đã thành người yêu của mình, hiện đang học Đại học tại Hà Nội.

“Cô ấy học khá hơn nên được cô giáo phân công kèm cặp em trong việc học. Ban đầu, cũng chỉ coi nhau như bạn bè mà rồi thương nhau lúc nào chẳng hay”, Sơn nói.

Ra đảo, 2-3 tháng tàu mới cập đảo một lần, viết thư không tiện nên mọi liên lạc với người yêu ở đất liền, Sơn đều phải thông qua điện thoại.

Thế là chiều chiều, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh lính trẻ lại tìm một nơi nào đó tĩnh lặng tâm sự với người yêu cho bớt nỗi nhớ nhung.

May mắn là giữa muôn trùng khơi, ra đảo hơn nửa năm, Sơn đã có ngay cái Tết cổ truyền trên đảo để làm vốn sống cho mình. Theo lời kể của chàng trai này, khi đó, anh em tự gói, nấu bánh chưng, tự tay làm cây mai, đào cho giống Tết ở đất liền. Rồi đêm 30 Tết, anh em quây quần bên nhau hát hò cùng với nhịp sóng vỗ, cùng vui đón Tết...

“Đêm 30 Tết ở Trường Sa vui lắm, nhưng vẫn cứ nhớ mẹ và đứa em gái lắm, anh ạ! Nhà chỉ có hai anh em, em đi rồi không biết ở nhà ai chở nó đi học đây...”, Sơn bộc bạch.

Ở đảo, dù xa, vừa lo nhận nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, nhưng Sơn vẫn canh cánh trong lòng và còn phải lo cho gia đình, lo cho cô bạn gái PTTH ngày nào, giờ đã thành người yêu của anh. Bạn gái Sơn hiện đang học Đại học Nội vụ và là niềm động viên để Sơn hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đảo.

Sơn cho hay sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở Trường Sa, có thể Sơn sẽ tiếp tục phấn đấu vươn lên trong môi trường bộ đội chuyên nghiệp hoặc sẽ cố gắng ôn luyện để thi đậu vào một trường sĩ quan quân đội.

“Dù con đường nào đi nữa thì sau này dứt khoát em cũng theo nghiệp nhà binh”, Sơn chia sẻ.

Khác Sơn một chút, nhưng ước mơ của Giàu cũng rất giản hơn. Ra quân, anh chàng này sẽ tiếp tục về nhà tiếp quản con tàu của cha để kế nghiệp sự nghiệp đánh bắt cá của gia đình.

“Con tàu của gia đình hiện vẫn là tàu nhỏ nên chưa thể đi xa được. Nhưng nếu công việc làm ăn thuận lợi, biết đâu gia đình sẽ sắm tàu to hơn và một ngày nào đó có khi em sẽ đưa tàu ra đánh cá ở những ngư trường ở gần Trường Sa”, Giàu cười, nói với chúng tôi như thế khi chia sẻ về ước mơ của mình. (Còn tiếp)

Bài, ảnh: Trung Hiếu

>> Tặng quà cho chiến sĩ Trường Sa
>> Triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa
>> Rau xanh, nước ngọt cho Trường Sa
>> Triển lãm tranh từ thiện góp tiền giúp trẻ em Trường Sa
>> Trung Quốc không hề có Hoàng Sa - Trường Sa
>> “Hoàng sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”
>> Không gian Trường Sa - Hoàng Sa tại Festival Biển 2013
>> Cận cảnh" cuộc sống người dân trên quần đảo Trường Sa
>> Đề nghị đưa Trường Sa và Hoàng Sa vào Hiến pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.