Vùng trời không bình yên

01/12/2013 03:05 GMT+7

An toàn hàng không trở thành vấn đề gây chú ý sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông.

Vùng trời không bình yên
Mỹ đã phái 2 chiếc oanh tạc cơ B-52 xâm nhập ADIZ của Trung Quốc - Ảnh: US Air Force

Ngày 1.9.1983, một chiếc máy bay chở khách của hãng Korean Air Lines ở Hàn Quốc bị chiến đấu cơ Liên Xô bắn hạ khi bay lạc vào không phận nước này. Toàn bộ 269 người trên chuyến bay thiệt mạng. Vụ việc làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của cộng đồng quốc tế và dẫn đến việc bổ sung điều 3 bis vào Công ước về hàng không dân dụng quốc tế (thường gọi là Công ước Chicago) nhằm cấm các quốc gia sử dụng vũ lực với máy bay dân dụng. Thế nhưng, ngày 3.7.1988, một chiếc máy bay chở khách của Iran trên đường từ Tehran đến Dubai bị tên lửa của tàu chiến Mỹ USS Vincennes bắn hạ khi bay qua eo Hormuz. Toàn bộ 290 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Vụ việc được xem như là sự vi phạm nghiêm trọng điều 3 bis của Công ước Chicago.

Một dạng nguy cơ khác xuất hiện tại hòn đảo bị chia cắt Cyprus, nơi các nhân viên kiểm soát không lưu miền bắc và miền nam không liên lạc với nhau, dẫn đến việc đưa ra các chỉ thị chồng chéo và trái ngược, gây bối rối cho các phi công. Dù chưa có thảm kịch nào xảy ra, giới chức hàng không thế giới cho rằng điều này làm tăng nguy cơ máy bay đâm nhau trên không. Trở lại hai thảm kịch trên, ở trường hợp của Liên Xô, nước này lầm tưởng đó là một máy bay do thám. Còn tàu chiến Mỹ cho rằng máy bay của Iran là máy bay thù địch. Với tốc độ cao của máy bay và khoảng thời gian ngắn ngủi để xử lý thông tin, nguy cơ dẫn đến các vụ đối đầu không thể kiểm soát là có thật. Bởi thế, việc Trung Quốc đơn phương lập nên Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông với những lời giải thích mơ hồ làm dấy lên nhiều thắc mắc và hoài nghi về động cơ của nước này. 

ADIZ là gì ?

Ngày 23.11, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố thành lập ADIZ tại Hoa Đông và ban hành bộ quy tắc áp dụng cho các máy bay nước ngoài bay vào khu vực. Ba ngày sau đó, Mỹ đã điều hai oanh tạc cơ B-52 xâm nhập ADIZ của Trung Quốc mà không báo trước. Đây có thể xem là vụ đối đầu chiến lược đáng kể nhất giữa hai nước kể từ năm 1996, khi Chủ tịch Trung Quốc lúc ấy là ông Giang Trạch Dân ra lệnh lập một số vùng cấm để thử tên lửa ở eo biển Đài Loan, khiến Mỹ phải điều hai tàu sân bay đến khu vực.

Theo tờ The New York Times, không có điều ước quốc tế nào xác định kích thước hoặc các quy định của ADIZ. Khu vực này xuất hiện từ những năm đầu của Thế chiến thứ hai, và được thiết lập ở khoảng 20 quốc gia, nổi tiếng nhất là Mỹ và Canada với Vùng nhận dạng phòng không Bắc Mỹ. Chính Washington cũng từng vạch ra ADIZ của Hàn Quốc và Nhật Bản, một di sản từ vai trò quân sự của Mỹ tại khu vực thời Chiến tranh lạnh.

Vì không có cơ sở trong công pháp quốc tế và không được giám sát bởi một tổ chức nào nên các quốc gia có định nghĩa và quy định khác nhau về ADIZ. Nhìn chung, ADIZ thường mở rộng ra bên ngoài không phận của một quốc gia để cho phép quân đội có thời gian ứng phó với máy bay thù địch đang bay đến. Nhiều nước trong số đó yêu cầu máy bay quân sự nước ngoài phải nhận diện và báo cáo kế hoạch bay khi tiến vào ADIZ để xác định xem đó có phải là nguy cơ với an ninh quốc gia hay không. 

Nguy cơ với hàng không dân dụng

Tuy nhiên, ADIZ của Trung Quốc khác biệt ở một số điểm quan trọng. Trước hết, nó chồng lấn với các vùng ADIZ hiện diện trước đó của Nhật Bản và Hàn Quốc và bao trùm khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Tokyo. Các máy bay ở trong khu vực chồng lấn có thể đối mặt với tình huống bối rối, chẳng hạn như phải báo cáo với bên nào. Bắc Kinh còn áp đặt những quy định mà các quốc gia khác không có, cụ thể là yêu cầu cả các máy bay không bay đến Trung Quốc phải báo cáo khi đi qua khu vực. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhấn mạnh điều này khi chỉ trích việc Trung Quốc lập ADIZ: “Mỹ không áp dụng thủ tục ADIZ với máy bay nước ngoài không có ý định tiến vào không phận quốc gia”.

Dù liên tục tổ chức họp báo trong những ngày qua, cả hai bộ Ngoại giao và Quốc phòng Trung Quốc vẫn chưa giải thích rõ ràng những ý định của Trung Quốc. Ví dụ, Bắc Kinh sẽ áp dụng “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp” gì nếu máy bay dân dụng không tuân thủ việc báo cáo theo đòi hỏi. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ vẫn đang tìm hiểu ADIZ nói trên có áp dụng cho máy bay dân dụng hay không.

Trong lúc chính phủ Trung Quốc từ chối đưa ra câu trả lời rõ ràng thì một số sĩ quan và học giả Trung Quốc đã có những bình luận mang tính kích động. Chẳng hạn thiếu tướng không quân Kiều Lương, Giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc, cảnh báo các máy bay phớt lờ quy định ADIZ có thể bị bắn hạ. “Nếu đối tượng xâm nhập khu vực không tuân thủ cảnh báo, các phi công của chúng tôi có quyền bắn hạ”, tờ South China Morning Post dẫn phát biểu của ông Kiều. Trước đó, chuyên gia Tôn Triết ở Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc cũng nhận định Bắc Kinh có thể buộc phải hành động để giữ thể diện nếu các máy bay nước ngoài liên tục phớt lờ ADIZ. 

Mỹ khuyến cáo các hãng hàng không tuân thủ ADIZ

Ngày 29.11, Bộ Ngoại giao Mỹ bất ngờ ra thông báo khuyến cáo các hãng hàng không nước này tuân thủ thủ tục ADIZ của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định việc này không thể hiện rằng Washington chấp nhận những đòi hỏi của Trung Quốc. Động thái Washington trái ngược với đồng minh Nhật Bản, vốn yêu cầu các hãng hàng không nước này từ chối yêu cầu của Bắc Kinh. Cùng ngày, Tân Hoa xã dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các chiến đấu cơ nước này đã cất cánh khẩn cấp để nhận diện 2 máy bay trinh sát Mỹ và 10 máy bay Nhật. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định nước này vẫn tiếp tục các hoạt động bình thường tại ADIZ của Trung Quốc ở Hoa Đông. Tờ The News York Times dẫn lời các quan chức chính quyền Mỹ cho biết họ quyết định tiếp tục triển khai hoạt động huấn luyện cùng các chuyến bay trinh sát tại đây để không hợp pháp hóa việc áp đặt quyền kiểm soát khu vực của Bắc Kinh và ngăn cản nước này thiết lập ADIZ tương tự ở biển Đông. Tờ Yomiuri Shimbun hôm qua đưa tin Mỹ và Nhật sẽ ra thông cáo chung yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ADIZ trong chuyến thăm Tokyo của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden.

 Sơn Duân

>> Nhật quyết phản đối vùng phòng không mới của Trung Quốc 
>> Báo Trung Quốc: Không nhân nhượng nếu Nhật thách thức vùng phòng không 
>> Trung Quốc điều tiêm kích tuần tra vùng phòng không mới
>> Trung Quốc sẽ hủy vùng nhận dạng phòng không mới trong vòng 44 năm 
>> Philippines lo ngại Trung Quốc lập vùng phòng không ở biển Đông 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.