Vượt qua căng thẳng hậu tốt nghiệp

10/10/2011 14:25 GMT+7

Sau khi tốt nghiệp ĐH-CĐ, các tân cử nhân, kỹ sư bước vào cuộc sống mới với nhiều thử thách, không ít người bước đầu hụt hẫng khi thực tế “không là mơ”.

Tình trạng thất nghiệp, sự khó khăn về tài chính khi không còn nhận hỗ trợ từ gia đình là một trong những yếu tố khiến nhiều bạn trẻ rơi vào buồn chán. Nếu như không biết cách chia sẻ và giải quyết mà để tình trạng đó kéo dài thì stress là điều không tránh khỏi. 

Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, biểu hiện ban đầu là cảm giác mệt mỏi kéo dài, mất ngủ và dằn vặt, bất an. Khi không có lối thoát sẽ dẫn đến hiện tượng trầm cảm với biểu hiện khí sắc trầm buồn, không có sở thích bất cứ điều gì, hết năng lượng, mất sức lực. Nguy cơ stress dẫn đến trầm cảm dễ xảy ra đối với những người hướng nội, có nhiều tâm sự nhưng không biết cách chia sẻ với gia đình, bạn bè. Tình trạng bức bách, chèn ép nếu để lâu sẽ rất nguy hiểm vì làm con người rơi vào trạng thái cô đơn, suy sụp, mất năng lượng và quẫn trí.

 
Nhiều thử thách còn ở phía trước sau niềm vui tốt nghiệp - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Hiện tượng trầm cảm ở người trẻ hiện không hiếm, bác sĩ Thắng khuyên: “Đối với người trẻ, lứa tuổi đang sung sức và nhiều mục tiêu, hãy tập sống tích cực, chọn cho mình nhiều cách giải quyết một vấn đề để biết thích nghi với mọi hoàn cảnh, tình huống trong cuộc sống”.

Cùng quan điểm trên, tiến sĩ xã hội học Trần Thị Kim - giảng viên trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Sinh viên khi chuyển từ môi trường học sang một môi trường làm việc hoàn toàn mới thường bị hẫng khi thực tế không như bao điều say mê, lý tưởng từ trước. Vì thế, nhiều trường hợp tuy chấp nhận làm trái ngành nhưng luôn tự dằn vặt bản thân. Điều này sẽ làm cho hiệu quả công việc không như ý và chính người trẻ sẽ cảm thấy bi quan, chán nản”. Thế nên, thích nghi hoàn cảnh luôn là điều tối quan trọng. Chính thái độ chủ động là liều thuốc tốt nhất chữa những lúng túng ban đầu khi vấp phải khó khăn. Ngoài ra, mỗi bạn trẻ cần chọn cho mình lối sống tích cực bằng các hoạt động hướng ngoại, tâm sự nhiều với gia đình, bạn bè, hoạt động thể dục thể thao và tự vạch bước đi cho mình…

“Nhiều bạn sinh viên rất thụ động trong tiếp thu kiến thức cũng như thực hành trong thực tế. Điều này cần được khắc phục khi các bạn bước vào giai đoạn xin việc đầy khắc nghiệt. Chỉ có sự dám đương đầu, linh hoạt và luôn nỗ lực, quyết tâm để vượt qua những chướng ngại vật trong cuộc sống thì mới có thể thành công”, tiến sĩ Kim khuyên.

Hà Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.