Vượt qua Covid-19: Hà Nội của tôi không bao giờ sợ hãi

16/03/2021 14:39 GMT+7

Mùa dịch bệnh năm 2020, những mầm dịch Covid -19 bất ngờ bùng lên ở Hà Nội đã khiến rất nhiều người, dù không ở Hà Nội, phải sống trong tâm trạng bất an, lo lắng, thậm chí hoang mang.

Nhà thơ làm thơ trước hết là cho mình đọc. Để an ủi, động viên mình. Để tìm những nguồn năng lượng mới, những hy vọng mới. Sau đó, mời mọi người cùng chia sẻ.
Tôi cũng không thể khác với những nhà thơ khác.
Mùa dịch bệnh năm 2020, những mầm dịch Covid-19 bất ngờ bùng lên ở Hà Nội đã khiến rất nhiều người, dù không ở Hà Nội, phải sống trong tâm trạng bất an, lo lắng, thậm chí hoang mang.
Tôi cũng không thể khác.
Nhưng bài thơ đầu tiên tôi viết về cảm xúc những ngày đầu dịch bệnh, lại là bài thơ tự động viên mình, và động viên mọi người, nhất là người đang ở Hà Nội, không sợ hãi, đừng sợ hãi. Bài thơ ấy viết đúng ngày 8.3.2020, ngày Quốc tế Phụ nữ, một ngày đầy hoa và những lời chúc mừng. Nhưng thời điểm ấy, Hà Nội đang có những khu phố phải cách ly, có những bệnh nhân Covid-19 đang phải nằm bệnh viện.
HÀ NỘI CỦA TÔI KHÔNG BAO GIỜ SỢ HÃI
Hà Nội của tôi không bao giờ sợ hãi
đến rồi mùa hoa loa kèn
những chiếc xe đạp chở hoa xuống phố
chở giùm bao yêu thương
 
Hà Nội của bạn bè tôi
của vợ chồng tôi ngày cưới
năm 1977 không có gì ăn nhưng có rất nhiều hoa
nếu giờ ngọ đám cưới tạm tan ra
cho khách mời tự kiếm bữa trưa
thì đám cưới lại tụ về đông vui chỉ một giờ sau đó
hồn nhiên như Hà Nội
 
những ngày Hà Nội B52
tôi đã khóc nhớ về cây cầu gãy
cây cầu già hơn cha mẹ tôi
thui thủi chờ con phương trời đạn lửa
ngày ấy Hà Nội tôi đi xa
không bao giờ sợ hãi
 
chưa kịp công bố hết dịch thì hôm nay phải công bố dịch
chợt nhớ góc phố chợ Hàng Da
bát bún ốc thơm lừng mồ hôi dòng dòng mặt bạn
những tai ương rồi sẽ qua
trên phố chỉ còn những bó hoa
mùa loa kèn như bức tranh ấn tượng
 
Hà Nội những bạn bè tôi
chân tình, đằm thắm
nhớ nhau nhớ một mùa hoa
thương nhau thương những ngày xưa
 
xa xăm Hà Nội
mà sao gần gũi
không sợ hãi, không bao giờ
sợ hãi
Trong bài thơ ấy, tự nhiên có đoạn thơ viết về Hà Nội thời chiến tranh, thời mà Hà Nội của tôi đau thương nhất, nhưng cũng kiên cường dũng cảm nhất, thời của một Hà Nội không bao giờ sợ hãi. Ví dịch Covid-19 như chiến tranh, hóa ra, không hề sai.

Tuần tra ngăn chặn nhập cảnh trái phép tuyến biên giới

Ảnh: GIANG PHƯƠNG

Chỉ trong một năm, thế giới đã có hơn 2 triệu người chết vì Covid-19. Riêng nước Mỹ, số người chết vì dịch bệnh Covid-19 đã hơn số người chết trong thế chiến 1, thế chiến 2 và chiến tranh Việt Nam cộng lại. Một cựu nữ y tá người Mỹ từng phục vụ trong các bệnh viện dã chiến của quân đội Mỹ hồi chiến tranh Việt Nam đã nhận xét: "Khi bạn nhìn vào những gì mà nhân viên y tế trong bệnh viện đang trải qua ngày hôm nay, có nhiều điểm tương đồng với một số điều chúng tôi đã phải trải qua"
Một cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam thì nói: "Những nhân viên y tế tuyến đầu, họ có thể chết bất cứ lúc nào. Nhiều y tá và bác sĩ đã chết khi chiến đấu với vi rút này, giống như trong cuộc chiến. Và họ luôn phải đối diện với tử thần, giống như trong một cuộc chiến. Tôi nghĩ có rất nhiều tương đồng giữa hai cuộc chiến. Tôi không nghĩ so sánh đó khiên cưỡng tí nào".
Đó là những nhận xét hết sức trung thực của những người Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam ngày trước, so sánh với “cuộc chiến đại dịch” đang diễn ra ở Mỹ và trên toàn thế giới hôm nay.
Vậy thì phải huy động tới tinh thần không sợ hãi của người Hà Nội trong chiến tranh để chiến thắng nỗi sợ hãi ngay trong cuộc chiến chống đại dịch này.

Chốt phòng dịch ở vùng biên giới

TRẦN HIẾU

Việt Nam không phải là nước giàu, như Mỹ, như châu Âu. Chiến đấu với dịch bệnh, nhiều khi phải chiến đấu với tinh thần cảm tử. Nhưng Hà Nội ngày xưa ấy, với những chiến sĩ quyết tử lao bom ba càng vào xe tăng giặc Pháp ngay trên đường phố, Hà Nội của người lính phòng không luôn đối mặt với những tốp máy bay siêu âm Mỹ lao xuống phóng tên lửa ngay vào trận địa của mình, những người lính ấy là cha anh của những chiến sĩ y tế đầy quả cảm hôm nay.
Tôi đã từng chảy nước mắt khi đọc tin một nữ bác sĩ người Mỹ đã tự tử sau khi chứng kiến quá nhiều cái chết thương tâm của bệnh nhân khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ. Quá sức chịu đựng.
Việt Nam, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã ngăn chặn dịch bệnh ngay từ ngày đầu, và không hề chủ quan lơ là những khi dịch bệnh có dấu hiệu hạ nhiệt. Những ngày căng thẳng ấy, không chỉ đội ngũ y tế, mà đội ngũ những quân nhân tại ngũ trong quân đội cũng đã căng sức 24/24 mỗi ngày đêm.
Và nổi lên một “vị tướng” mắt trũng sâu vì trách nhiệm, vì xông xáo, vì lo nghĩ tới những bệnh nhân và cả những người đang cứu chữa bệnh nhân. Vị tướng ấy là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, một chỉ huy nổi bật lên ngay trong ‘thời chiến Covid”.
Tôi kính trọng những vị tướng, nhưng tôi lại vô cùng cảm phục và đồng cảm với những người lính, dù họ mặc áo trắng hay áo xanh. Chính họ là lực lượng xung kích đã đẩy lùi dịch bệnh. Và họ là những gương mặt Việt Nam đầy yêu thương của chúng ta.

Những gương mặt Việt Nam

“anh chị vào đây chúng tôi phục vụ”
những lời bình dị như bữa ăn
đừng khen
những ngày bạn phải cách ly
những ngày bạn nằm bệnh viện
vì đó là điều không thể khác
đừng khen những người lính những hộ lý những điều dưỡng viên
trải chiếu ra đường tìm giấc trưa
vì không thể khác
 
nào ai mong điều này xảy ra
nhân dân đã có quá nhiều nỗi lo
không ít nhọc nhằn
ở trong nhà hay phải xa nhà
nhưng “anh chị vào đây chúng tôi phục vụ”
dù cha mẹ mình chưa biết ai lo
dù con bé dại không thể gửi nhà trẻ
khi dịch tràn đến cửa mỗi ngôi nhà
những con virus xấu xa
là độc quyền của những tay tàn độc
 
không ai mong điều này xảy ra
trừ những kẻ bất lương những phường kiếm chác
 
Tổ quốc
chỉ đẹp những khi gian khó nhất
Tháng 3.2020

Y bác sĩ tuyến đầu chống dịch là lực lượng xung kích đã đẩy lùi dịch bệnh. Và họ là những gương mặt Việt Nam đầy yêu thương của chúng ta

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Nhà thơ, cũng bình thường như tất cả mọi người. Và tôi không mong thấy một nhà thơ đích thực nào quá giàu có. Nói thật, đó lại là một lợi thế của nhà thơ khi xúc cảm trước những phận người. Họ có thể đứng từ dưới đáy nhìn lên. Đó là đáy của nghèo cực, của đau khổ, bệnh tật.

Đêm bệnh viện

ngọn đèn như mắt ai thao thức
em lặng nghe tiếng người bệnh trở mình
lá rơi lá rơi ngoài khung cửa
có nỗi đau nào đang gọi em?
 
những nạn nhân tình cờ của dịch bệnh
đêm đêm thành cuộc chiến đấu của em
mồ hôi vã trên tiếng rên bất chợt
mắt mở to thèm ánh mắt dịu hiền
 
những giọt thuốc thời gian chầm chậm
nâng con thuyền cập bến hồi sinh
qua biển đau gặp màu áo trắng
nghiêng xuống đời ai như bình minh
 
bình minh những tâm hồn trong trẻo
bừng lên giữa vất vả hàng ngày
khe khẽ nơi này là bệnh viện
lặng im bàn tay em thon gầy
 
lá rơi lá rơi ngoài khung cửa
cây xanh thở nhẹ đêm bình yên
lướt qua lướt qua màu áo trắng
có nỗi đau nào đang gọi em
Tháng 3.2020
“Chùm thơ mùa dịch bệnh” của tôi gồm 3 bài thơ in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2020 đã được đón nhận bởi những người đọc bình thường nhất. Với tôi, đó thực sự là niềm hạnh phúc, khi nhà thơ, bằng những bài thơ của mình, lại một lần nữa, sau chiến tranh, được sát cánh cùng nhân dân mình trong một trận chiến khác, một trận quyết chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Chùm thơ này đã nhận tặng thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và tặng thưởng của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng năm 2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.