‘Vượt qua đại dịch’, chỉ 4 từ đơn giản thôi mà chiến đấu rất gian nan

22/04/2021 09:33 GMT+7

Con tôi lên 6 tuổi hỏi: " Covid-19 là gì hả mẹ mà sao ai cũng lo sợ phòng chống ?".

Con lại nói tiếp: "Trường con cứ cho nghỉ học hoài. Con không thích học online đâu. Khó hiểu, khó nhớ lắm mẹ ơi! Mai mốt con lớn nhất định sẽ làm bác sĩ để “xử tội” mấy cái con virus ác độc này".
Tôi im lặng đồng tình trong tâm trạng lo lắng vô chừng. Con còn nhỏ quá chưa hiểu hết nỗi mất mát, khó khăn về của, lẫn về người của toàn hành tinh trước cơn đại dịch Covid-19.

Cần sự đồng lòng diệt dịch Covid-19

Tôi là một nhà báo nghiệp dư. Từ tận đáy lòng tôi ngưỡng mộ những người gác bỏ tình riêng, niềm hạnh phúc bên người thân khi xuân về tết đến, để tự nguyện đón tết trong các khu vực cách ly y tế với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm.
Họ cũng là những con người bình thường như bao con người khác, cũng biết yêu thương, khao khát tình cảm gia đình. Vậy mà họ đã vượt qua đại dịch bằng trái tim dũng cảm, bằng trách nhiệm lớn lao góp phần xua tan đại dịch. Tôi thật xấu hổ khi hiểu rằng mình không đủ dũng khí để làm được như họ dù chỉ một phút, một giây.

Những cá nhân thiếu ý thức ấy, họ đã nghĩ gì khi những rào cản cách ly cứ mọc lên từ sự vô tâm của họ. Họ có bao giờ nhìn thấy những đôi mắt thâm quầng từ những đêm thức trắng của những người chiến sĩ biên phòng dọc theo đường biên giới

Trương Thanh Liêm

Có khi nào bạn đã xa con nhỏ, xa mẹ già, không về được vào ngày mà người thân của mình qua đời chưa? Đau xót lắm, ngậm ngùi lắm, tủi thân lắm nhưng đã có những chiến sĩ áo trắng âm thầm chịu đựng sự mất mát quá lớn lao đến vậy.
Dù đã có nhiều thước phim, hình ảnh hay các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật đã ca tụng họ hết lời, nhưng tôi hiểu họ không cần những điều ấy. Cái họ cần là sự đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh để Covid-19 chỉ còn là một câu chuyện buồn mãi mãi đi vào quá khứ.

Những cá nhân “gây họa” đã nghĩ gì?

“Vượt qua đại dịch”, chỉ 4 từ đơn giản thôi mà cả thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đã chiến đấu rất gian nan trong suốt thời gian dài với bao khó khăn gian khổ. Nhiều người tự hỏi: những con người tránh né cách ly; đưa rước người nhập cảnh trái phép qua biên giới; vẫn “vô tư” đi lại, quan hệ, giao dịch với nhiều người khác dù biết mình có nguy cơ phát tán dịch bệnh sẽ nghĩ gì?
Những cá nhân thiếu ý thức ấy, họ đã nghĩ gì khi những rào cản cách ly cứ mọc lên từ sự vô tâm của họ. Họ có bao giờ nhìn thấy những đôi mắt thâm quầng từ những đêm thức trắng của những người chiến sĩ biên phòng dọc theo đường biên giới; từ những vị lãnh đạo các cấp và ngành y tế đang theo dõi từng ngày, từng giờ trước diễn biến phức tạp của Covid-19 để tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Vui xuân nhưng không quên phòng dịch

TRƯƠNG THANH LIÊM

Mỗi ngày cập nhật thông tin qua các phương tiện truyền thông, lòng mỗi người cứ nhói đau khi có thêm người nhiễm bệnh và lòng sướng vui trước những dòng tin “hôm nay cả nước không có ca mắc mới”.
Không! Chúng ta không đầu hàng buông xuôi số phận. Nhất định chúng ta phải chiến thắng đại dịch Covid-19 bằng niềm tin tất thắng, bằng sự đoàn kết trên dưới một lòng, dù còn lắm khó khăn.

‘Đó là mình đi du lịch tại chỗ đó thôi’

Chẳng có gì xa xôi, quá khó khăn, quá xa vời nếu ai ai cũng đồng tâm diệt dịch.
Xin nói ngay câu chuyện ở xóm tôi, vốn là một khu lao động khá chật hẹp của một quận trung tâm TP.Cần Thơ. Cư dân xóm đủ mọi thành phần: công nhân, công chức, viên chức, sinh viên, người bán vé số, bán hàng rong, phụ hồ… Bây giờ chuyện ra đường đeo khẩu trang đã không là chuyện lạ của xóm như trước đây. Ai đó không đeo sẽ được nhắc nhở rất vui nhưng nghiêm túc: “Nhớ đeo khẩu trang không thôi con vi rút nó làm quen thì chết”.
Những ai có thân nhân bị cách ly thì được cả xóm động viên: “Đó là mình đi du lịch tại chỗ đó thôi”. Với những ai còn lo lắng sẽ được trấn an: “Chuyện nhỏ. Phát hiện sớm thì sẽ trị khỏi thôi mà. Đừng có sợ quá”.

Người đi lại tuân thủ việc đeo khẩu trang

TRƯƠNG THANH LIÊM

Xóm tôi còn bảo nhau: Chớ có coi thường khi số người mắc bệnh đã thuyên giảm, bởi con vi rút này biến hóa bất thường lắm. Thôi thì cảnh giác là tốt nhất, bởi ông bà xưa từng dạy “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Ai có người thân định cư ngoài nước thì nên động viên “ở đâu ở đó”...
Xóm tôi nghèo, trình độ học vấn của một bộ phận người dân còn hạn hẹp lắm. Họ không am hiểu tường tận về loại vi rút chết người, nhưng người dân nơi đây nhủ lòng rằng mình bảo vệ sức khỏe chính mình, gia đình mình, xóm ấp mình đang ở bằng những biện pháp tốt nhất theo khuyến cáo của nhà nước, chính là hành động văn hóa, văn minh trong lúc này, để góp phần cùng nhà nước vượt qua đại dịch Covid-19 và rồi sự an lành sẽ trở về cùng với cộng đồng.
Tôi và xóm tôi vững tin như thế!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.