Vượt qua đại dịch, thúc đẩy khát vọng Việt Nam 2045

12/02/2021 05:56 GMT+7

Năm 2021 bắt đầu cho một thập kỷ mới với nhiều sự kiện lịch sử. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 quét qua toàn cầu làm hàng triệu người chết và các nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề.

Tuy nhiên với khả năng kiểm soát dịch tốt, Việt Nam là 1 trong 4 nền kinh tế trên toàn thế giới có mức tăng trưởng dương (GDP năm 2020 tăng gần 3%). Các tổ chức lớn của thế giới như WB, ADB, IMF đánh giá rất cao về sức chịu đựng, kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế của Việt Nam, dự báo năm 2021 GDP tăng trở lại 6,5%. Tăng trưởng sáng nhất, lạm phát được kiểm soát, chất lượng đời sống người dân được nâng cao... sẽ tạo ra cơ sở để Việt Nam tiếp tục giữ gìn và xây dựng cơ đồ sau 35 năm đổi mới, thực hiện kế hoạch kinh tế 5 năm tới (2021 - 2025) và mục tiêu năm 2045 trở thành quốc gia phát triển theo mô hình chủ nghĩa xã hội.

Đại dịch Covid-19 tác động lớn tới kinh tế - xã hội

Bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã gây ra những tác động to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội VN trong suốt năm 2020. Du lịch, hàng không và nhiều ngành sản xuất bị thiệt hại hàng chục tỉ USD do thực hiện các biện pháp đóng cửa, giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch. Trong cả năm 2020, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, cả nước đã chung tay thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Tới nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh. Số ca bệnh Covid-19 cũng như các ca tử vong do bệnh này được kiểm soát ở mức rất thấp so với các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những nhóm nước đầu tiên trên thế giới thử nghiệm lâm sàng về vắc xin Covid-19 trên người. Đây là cơ sở thuận lợi để Việt Nam thực hiện việc phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Chống tham nhũng, tiêu cực mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn

Ảnh: Gia Hân

Qua tổng kết, chúng ta có thể khẳng định rằng chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Với sự quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chúng ta vững tin rằng công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn. Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
(Trích phát biểu Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020)

VN là một trong số ít nước giữ mức tăng trưởng dương

Mặc dù những khó khăn, thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, song kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3,23%), chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Năm 2020, với tăng trưởng GDP 2,91%, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Mức tăng GDP dương nhờ xuất nhập khẩu hàng hóa xác lập kỷ lục mới và đạt giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.
Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỉ USD, vượt Singapore (337,5 tỉ USD), Malaysia (336,3 tỉ USD), đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam là 319 tỉ USD, tăng 29% so với năm ngoái, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 33 (tăng 9 bậc) trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Tiến sĩ Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam đã nhận định, Việt Nam là một nền kinh tế có khả năng phục hồi cao hơn nhiều nước trên thế giới và “Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng mô hình phát triển thịnh vượng toàn diện

Ảnh: Gia Hân

Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất của chúng ta không phải là tụt hậu về kinh tế; mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động. Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII đề ra mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, phấn đấu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, với tinh thần, trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một mô hình phát triển thịnh vượng toàn diện, bao trùm của chính chúng ta.
(Trích phát biểu tại phiên chất vấn tại kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV)

Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng

Tới hết tháng 10.2020, Đại hội Đảng bộ các cấp từ cơ sở, trên cơ sở và 67 Đảng bộ trực thuộc T.Ư đã hoàn thành việc tổ chức đại hội. Đại hội Đảng bộ cơ sở được đánh giá là thành công tốt đẹp từ khâu tổ chức, văn kiện cho tới nhân sự. Đây là tiền đề chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tại Hội nghị T.Ư 13 (10.2020), Hội nghị T.Ư 14 (12.2020), T.Ư đã tiến hành bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XIII, tiếp đó là Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Công tác chuẩn bị Báo cáo chính trị và các văn kiện trình Đại hội XIII cũng được chuẩn bị khẩn trương, chu đáo. Ban Chấp hành T.Ư khóa XII cũng đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi nhân dân góp ý vào các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Tất cả sẵn sàng cho Đại hội XIII thành công tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Đoàn kết để phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế

Ảnh: Gia Hân

Bước sang năm 2021 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều thời cơ và vận hội mới. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng và chủ động, trách nhiệm cao để thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra, tạo nền tảng để chúng ta bước vào giai đoạn phát triển mới. Đồng thời, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
(Trích phát biểu bế mạc kỳ họp 10 Quốc hội khóa XIV)

Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh với tinh thần được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định: không dừng, không nghỉ, không chùng xuống. Trong năm 2020, hàng loạt đại án đã được khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử. Trong đó, nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, có cả cán bộ cấp cao thuộc diện T.Ư quản lý và cán bộ liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp. Theo tổng kết của Ban Chỉ đạo T.Ư phòng, chống tham nhũng, trong giai đoạn 2013 - 2020 đã có 27 ủy viên T.Ư bị kỷ luật liên quan tới tiêu cực, tham nhũng, trong đó có tới 7 ủy viên T.Ư (gồm 1 ủy viên Bộ Chính trị) bị xử lý hình sự, một số tướng lĩnh lực lượng vũ trang cũng bị kỷ luật, xử lý hình sự.

Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)

Ngày 8.6, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, 100% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Tất cả các đại biểu có mặt cũng nhất trí thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVIPA). EVFTA được đánh giá là hiệp định thương mại tự do có chuẩn mực cao nhất, hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất, với 27 quốc gia thành viên của EU, trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư. Việc phê chuẩn EVFTA được đánh giá là cơ hội để Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, tăng năng lực cạnh tranh trên cả ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Đây cũng là cơ hội rà soát, tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn. Ngoài EVFTA, trong năm 2020, nhiều hiệp định thương mại cũng đã được ký kết.

ĐỒ HỌA: HỒNG SƠN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.