VN vẫn còn khoảng 28 điểm nóng về dioxin hằng ngày, hằng giờ đang tác động xấu đến sức khỏe người dân; 17 bệnh và nhóm bệnh hiểm nghèo được xác định liên quan đến chất độc da cam. Nhưng còn những nguy hại khác vẫn chưa thể đề cập đến, đó là hiện tượng gây suy giảm miễn dịch; hội chứng suy mòn cơ thể và phá hủy nội tiết của dioxin với các nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc này.
Thiếu tướng, PGS-TS Trần Xuân Thu, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam /dioxin VN (VAVA), xót xa: "Không chỉ tàn phá sức khỏe các nạn nhân trực tiếp của dioxin/da cam trong cuộc chiến, chúng còn tác hại dai dẳng đến các thế hệ sau. Ở các con cháu nạn nhân có tới 46% mắc bệnh tâm thần, 22% dị tật, dị dạng (trong số họ nhiều người mắc 2-3 bệnh khác nhau, 32% không có khả năng tự phục vụ)".
Hằng năm, Nhà nước VN chi khoảng 50 triệu USD trợ cấp các nạn nhân, với khoảng 1 triệu người được thụ hưởng. Trong 6 năm qua, VAVA đã tiếp nhận khoảng 240 tỉ đồng, trong đó 20% là sự ủng hộ của người nước ngoài.
Nhưng hơn tất cả, sự nỗ lực vượt qua nỗi đau da cam đang là những minh chứng rõ nét nhất về sức sống mãnh liệt, về trí tuệ của những nạn nhân không chịu khuất phục trước những hiểm họa mang tên da cam/dioxin. Đó là chị Phạm Thị Nhí, sinh tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Chị mang trên mình những căn bệnh bẩm sinh quái ác: vẹo cột sống, liệt chân trái, rụng tóc, rối loạn sắc tố bẩm sinh, mất khả năng lao động tay chân, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt từ tấm bé. Nhưng khát vọng làm chủ cuộc sống đã hối thúc cô bé Nhí luôn học giỏi, liên tục là học sinh giỏi văn của tỉnh. Không thể trở thành cô giáo như ước nguyện, chị vẫn không buông xuôi theo hoàn cảnh. Nhí tập đi xe để hằng ngày tự đi làm khi được công an xã tiếp nhận làm việc hành chính cũng như khi được tham gia nhiều công việc khác sau này. Dù làm việc nào, chị cũng đảm nhận tốt, là lao động giỏi. Hiện nay, chị Nhí đang công tác tại VAVA TP.HCM, luôn nỗ lực tìm cách hỗ trợ các nạn nhân da cam còn khó khăn...
Bản thân bị nhiều bệnh hiểm nghèo, lại có 3 người con đều bị dị tật do di chứng dioxin, nhưng ông Nguyễn Như Khoa, dân tộc Mường, 55 tuổi (ở Hòa Bình) vẫn quyết tâm tìm mô hình làm kinh tế và thành công. Mỗi năm ông còn dành 40 triệu đồng để ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin, dành 200 triệu đồng hỗ trợ người nghèo vay vốn.
"Tôi muốn gửi thông điệp đến bạn bè cùng cảnh ngộ, hãy tự tin và vượt qua nỗi đau! Ý chí và nghị lực luôn là động lực cho các nạn nhân da cam vượt qua nỗi đau xuyên thế kỷ này", thông điệp của chị Nhí, hơn lúc nào hết đã trở thành động lực giúp những người cùng cảnh ngộ và cả cộng đồng biết yêu hơn cuộc sống, cùng nhau vượt qua nỗi đau da cam/dioxin.
Liên Châu
Bình luận (0)