Vượt qua sự căng thẳng trong dịch Covid-19

13/03/2020 04:02 GMT+7

Trong tình hình Việt Nam có thêm các ca bệnh Covid-19 mới, nhiều người dân có tâm lý hoang mang, đổ xô đi mua sắm, dự trữ thực phẩm, nhu yếu phẩm...

Các chuyên gia khuyên mọi người cần bình tĩnh để cùng nhau vượt qua sự căng thẳng trong mùa dịch.

Cụ bà Hải Phòng không sợ Covid-19: "Đã có Đảng, Nhà nước và Chính phủ lo"

“Xin hãy bình tĩnh”

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), phân tích: Khi đối mặt với bệnh tật thì mọi người thường lo sợ vì 3 vấn đề: nguy cơ tử vong; chi phí điều trị và thời gian điều trị lâu dài; bị cách ly, kỳ thị, xa lánh.
Với Covid-19, hiện nay nguy cơ tử vong được các tổ chức y tế ghi nhận chỉ tập trung ở những đối tượng lớn tuổi có nhiều bệnh nền và được can thiệp y tế trễ. Hiện nay, tại Việt Nam, bệnh nhân Covid-19 được điều trị miễn phí. Thời gian nằm viện cũng khá ngắn so với nhiều bệnh tật khác. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh và xuất viện sau 5 - 7 ngày điều trị.
“Nếu bạn mắc bệnh có thể lây truyền cho người khác thì phải tự cách ly để trước tiên tránh cho người thân bị lây nhiễm và sau đó là cộng đồng”, bác sĩ Hùng nói. Một số người sợ bị nhiễm bệnh trong khu cách ly y tế. Tuy nhiên, bác sĩ Hùng khẳng định: “Mọi người yên tâm, với chuyên môn y tế, dịch tễ, các chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế biết cách và triệt để thực hiện việc phòng ngừa lây nhiễm giữa những người đang được cách ly”.
“Chính vì vậy, xin hãy bình tĩnh! Sự bình tĩnh, niềm tin, kiến thức phòng bệnh, ý thức vì cộng đồng sẽ giúp chống dịch Covid-19 tốt nhất”, bác sĩ Hùng kêu gọi.

Sau bệnh nhân thứ 44, Bình Thuận cách ly 2 tuyến phố Phan Thiết trong đêm

Đừng đổ xô mua sắm, “sơ tán”

Theo bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng bộ môn nhiễm, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam không nằm ngoài diễn tiến thông thường của dịch. Trong bối cảnh bệnh lan rộng ra nhiều quốc gia, tất yếu số bệnh nhân sẽ gia tăng trong thời gian tới. Hệ thống y tế Việt Nam vẫn đang kiểm soát được diễn biến của dịch bệnh. Chúng ta không nên hoảng loạn mà chỉ cần điều chỉnh cuộc sống phù hợp với tình hình.
“Mỗi người chỉ cần làm tốt việc của mình. Ai đi làm vẫn đi làm, ai đi học cứ đi học, ai phải cách ly thì tuân thủ các quy định cách ly. Đừng cố khuân cả một cái siêu thị về nhà hay “sơ tán”, “tháo chạy”. Chỉ cần mỗi người nhận thức đúng, có ý thức vì cộng đồng thì sẽ vượt qua thử thách lần này”, bác sĩ Vân Anh chia sẻ.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nhận định: Người dân càng hoang mang, lo lắng mà đổ xô đi mua sắm tích trữ thì càng làm tăng nguy cơ lây bệnh vì đã vô tình tạo ra đám đông, tập trung đông người. Mặt khác, việc “tháo chạy” để né dịch cũng càng làm cho nguy cơ lây nhiễm tăng, khiến việc phòng chống dịch khó khăn hơn. Thứ nhất, việc di chuyển có thể làm tăng mật độ giao thông, tiếp xúc. Thứ hai, người đang từ khu vực có ca bệnh đi qua khu vực khác có thể vô tình di chuyển nguồn lây qua một khu vực mới. “Vì vậy, hiện nay, tốt nhất là ai đang ở đâu thì ở yên đó”, bác sĩ Nam nói.
Bên cạnh đó, bác sĩ Nam lưu ý, với trẻ em, nghỉ học ở nhà thời gian dài, trẻ sẽ thấy buồn chán. Phụ huynh nên tìm cho trẻ những trò chơi, hoạt động ở nhà, học online. Đây là lúc phụ huynh có thể tranh thủ dành thêm thời gian với trẻ, nói chuyện, chia sẻ với trẻ. Trẻ nhỏ cần được trông coi cẩn thận để tránh những tai nạn sinh hoạt đáng tiếc. Với trẻ lớn hơn, đây là lúc phụ huynh dạy trẻ về ý thức và các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe.
Đặc biệt, các bác sĩ khuyên, mọi người nên tỉnh táo, không nghe theo và chia sẻ những thông tin sai lệch, không chính thống, không có cơ sở khoa học về dịch bệnh Covid-19. “Việc chia sẻ những thông tin thất thiệt, vô căn cứ sẽ cản trở công tác phòng chống dịch của cả nước”, bác sĩ Lê Quốc Hùng nhận định.

Giúp trẻ vượt qua sự buồn chán do nghỉ học

Hãy đáp lại các phản ứng của trẻ theo cách cảm thông, lắng nghe và quan tâm. Cố gắng thu xếp cho trẻ ở gần cha mẹ và gia đình, tránh việc chia cách trẻ với người chăm sóc.
Nếu phải chia tách (như nhập viện, cách ly), hãy đảm bảo có sự liên hệ thường xuyên (như qua điện thoại). Lên kế hoạch và duy trì lịch trình hoạt động hằng ngày, hoặc tạo ra những lịch trình mới ở các môi trường mới, như học tập và vui chơi giải trí an toàn.
Nói thật với trẻ về việc xảy ra, dùng từ ngữ phù hợp với lứa tuổi của trẻ để giải thích cho trẻ biết chuyện gì đang diễn ra, kèm những thông tin rõ ràng, dễ hiểu về cách thức để giảm các nguy cơ nhiễm bệnh. 

Khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới

Khi thấy căng thẳng, trò chuyện với những người bạn tin cậy, bạn bè và gia đình. Duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn ngủ, tập thể dục hợp lý.
Duy trì các mối quan hệ xã hội với những người bạn yêu quý. Không hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng chất kích thích khác để đối phó với cảm xúc của mình. Nếu cảm thấy quá tải, hãy trò chuyện với nhân viên y tế hay nhân viên tư vấn. Hãy lên kế hoạch sẽ đi đâu và cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ về thể chất lẫn tinh thần khi cần.
Chỉ tiếp cận thông tin đúng đắn, chọn xem những nguồn thông tin đáng tin cậy. Hạn chế lo lắng, bực bội bằng cách giảm bớt thời gian xem hoặc nghe các chương trình khiến bạn cảm thấy khó chịu.
Liệt kê những cách bạn đã làm trong quá khứ từng giúp bạn vượt qua khó khăn và dùng những cách này để kiểm soát các cảm xúc tiêu cực của bạn trong thời gian thử thách của dịch bệnh Covid-19. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.